Ước tính số em bé được sinh ra vào năm 2019 đã giảm xuống còn 864.000 - mức thấp nhất kể từ năm 1899, theo một báo cáo được công bố của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản.
Số lượng trẻ sơ sinh được ước tính đã giảm 54.000 so với năm 2018 và con số này vẫn dưới mốc 1 triệu suốt 4 năm qua.
Tỷ lệ tử vong vào năm 2019 cũng đạt mức cao kỷ lục sau chiến tranh là 1,376 triệu người, với mức giảm dân số tự nhiên là 512.000 - mức cao nhất từ trước đến nay.
Nhật Bản là một quốc gia "siêu già", có nghĩa là hơn 20% dân số trên 65 tuổi. Tổng dân số của nước này hiện đứng ở mức 124 triệu vào năm 2018, nhưng đến năm 2065, con số này dự kiến sẽ giảm xuống còn khoảng 88 triệu.
Nhật Bản không đơn độc trong việc đối mặt với tỷ lệ sinh giảm. Dự kiến đến năm 2030, Mỹ, Anh, Singapore và Pháp dự kiến sẽ rơi vào tình trạng tương tự.
Quốc gia láng giềng của Nhật Bản là Hàn Quốc cũng đang phải vật lộn với tình trạng dân số già, lực lượng lao động bị thu hẹp và tỷ lệ sinh thấp. Năm 2018, tổng tỷ suất sinh của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất từng được ghi nhận, cụ thể là 0,98 - có nghĩa là một phụ nữ sinh chưa tới một trẻ nhỏ.
Mức thấp kỷ lục này khiến Hàn Quốc gần chạm đáy mức sinh thấp nhất thế giới - thậm chí thấp hơn Nhật Bản, nơi có tỷ lệ sinh là 1,42 trong năm 2018.
Để duy trì dân số ổn định, các quốc gia cần tỷ lệ sinh là 2. Ở một số nước châu Phi, nơi có số ca sinh nở cao nhất thế giới, tỷ lệ này có thể tăng lên 5 hoặc 6.
Thủ tướng Shinzo Abe muốn ngăn chặn tình trạng dân số giảm xuống dưới 100 triệu người vào năm 2060. Năm 2017, chính phủ Nhật Bản đã công bố gói chi tiêu trị giá 2 nghìn tỷ yên (18 tỷ USD) để mở rộng các trường mầm non miễn phí cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi - và cho trẻ em từ 2 tuổi trở xuống đối với các gia đình thu nhập thấp, cũng như cải cách hệ thống nhà trẻ.