Ikigai là gì?
Ogimi, ngôi làng trên Đảo Okinawa của Nhật Bản được mệnh danh là Làng Trường thọ khi tuổi thọ trung bình của người dân và tỷ lệ các cụ già trăm tuổi nơi đây là cao nhất thế giới. Là một ngôi làng cạnh biển, Ogimi nổi bật với các vườn rau xanh mướt, với nhịp sống chậm rãi cùng những người dân thân thiện luôn nở nụ cười tươi trên môi. Nhiều người dân cho biết họ tự hào về việc ngôi làng có nhiều người sống lâu trăm tuổi. Những người dân trong làng cũng ít mắc các bệnh mãn tính, bao gồm cả ung thư và bệnh tim. Tỷ lệ người già bị giảm sút trí tuệ cũng thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu.
Có nhiều lý do để giải thích cho tuổi thọ của những người dân trong làng, nhưng có một điểm chung đó là Làng Trường thọ đều tôn sùng một triết lý Nhật Bản được gọi là Ikigai.
Trong tiếng Nhật, iki có nghĩa là “sống” và gai có nghĩa là “lý do”. Nói cách khác, Ikigai chính là lý do để sống hoặc ý thức của bạn về “việc sống có mục đích”. Trong mỗi chúng ta đều có một Ikigai ẩn. Chỉ khi khám phá ra thì chúng ta mới thực sự hạnh phúc. Nhà tâm lý học Mieko Kamiy tại Nhật Bản nhận định, Ikigai là chiếc chìa khóa giúp bạn làm việc không mệt mỏi và tìm ra được ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Ikigai là kim chỉ nam của hành động tích cực giúp ta hướng đến tương lai dù đang trải qua những việc không vui của hiện tại. Với việc tôn sùng triết lý này, điểm chung của người dân Okinawa là những cư dân sống giản dị với ít tài sản, nhiều thời gian ở ngoài trời, năng động với bạn bè, ngủ đủ giấc và ăn uống nhẹ nhàng, lành mạnh.
Làm thế nào để Ikigai?
Đây là câu hỏi nhiều người dân thế giới tìm hiểu để có thể sống lâu và hạnh phúc như người dân Ogimi. Theo một số nghiên cứu, bước đầu tiên cần làm để Ikigai là phải sống chậm lại. Dành thời gian đánh giá những gì bạn đang làm, trước khi bắt đầu làm việc tiếp theo, giúp bạn tận hưởng mọi khoảnh khắc và nuôi dưỡng lòng biết ơn đối với những việc nhỏ nhất. Sống chậm lại cũng có thể khiến bạn nhận thức rõ hơn về vẻ đẹp xung quanh mình. Ví dụ, trước khi vội vã đến chỗ làm vào buổi sáng, người bạn đời mang đến cho bạn một ly cà phê nóng hổi. Hãy dành thời gian dừng lại và nói lời cảm ơn cũng như đánh giá cao cử chỉ đó. Nó không chỉ tạo sự bình yên trong lòng bạn mà còn giúp thắt chặt các mối quan hệ.
Thúc đẩy các mối quan hệ cộng đồng cũng rất quan trọng trong Ikigai. Đánh nhau và cãi vã với những người xung quanh chỉ làm tăng thêm căng thẳng và mệt mỏi, có thể khiến bạn cảm thấy đơn độc khi phải trải qua những thử thách. Nếu bạn đã nghỉ hưu, giờ là thời điểm liên lạc với những người thân hoặc bạn bè từ lâu không nói chuyện, hãy giữ gìn những tình cảm này.
Triết lý ikigai giúp người dân Nhật sống lâu và hạnh phúc |
Hãy cố gắng thiền định và chánh niệm (mindfulness). Sẽ có nhiều câu hỏi về việc “ngồi yên 20 phút mỗi ngày” là một sự đầu tư thời gian lãng phí khi có quá nhiều trách nhiệm bủa vây. Tuy nhiên trong vòng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, chúng ta thường xuyên bị xoay vần trong các luồng suy nghĩ, các ám ảnh về quá khứ, hay lo âu về tương lai. Thực hành chánh niệm giúp chúng ta tập trung “ở đây, bây giờ” với một tâm thái thư giãn, không phán xét và cảm nhận cuộc sống thật sâu sắc. Nhiều đô vật Sumo Nhật Bản chứng minh rằng chánh niệm là chìa khóa để chuẩn bị cho một cuộc chiến. Theo truyền thuyết Nhật Bản, huyền thoại Sumo Onami, một đô vật sống cách đây 100 năm, đã đến gặp một thiền sư vì ông bị chứng sợ sân khấu. Vị thiền sư nói với Onami, “Tên của bạn có nghĩa là Sóng lớn. Hãy tưởng tượng bạn là một Con sóng lớn, quét đối thủ sang một bên giống như một làn sóng mạnh mẽ không thể ngăn cản”. Onami đã dành cả ngày lẫn đêm để thiền định và hình dung mình là Sóng lớn, quét sạch đối thủ sang một bên với sức mạnh to lớn không thể ngăn cản và điều này đã giúp ông trở thành một Sumo huyền thoại.
Đối với nhiều người Ikigai cũng trở nên đơn giản hơn khi bạn tự hỏi mình câu hỏi mỗi ngày: Bạn yêu thích, đam mê điều gì? giỏi trong lĩnh vực nào? Thế giới này cần gì từ bạn và bạn có thể kiếm tiền từ việc gì? Miễn là bạn không từ bỏ, miễn là bạn không bao giờ quên rằng những gì mình làm đều có mục đích, không ngừng tìm kiếm để giúp cuộc sống ý nghĩa và hạnh phúc hơn, khi đó bạn đã có Ikigai của riêng mình.
Ngoài tôn sùng triết lý Ikigai, nhiều bí quyết sống vui khỏe của người dân xứ hoa anh đào cũng được các nước trên thế giới tìm hiểu và học hỏi, trong đó nổi tiếng là một chế độ ăn uống lành mạnh và lối sống tích cực, năng động.
Chế độ ăn lành mạnh
Ẩn mình trên dãy núi Alps của Nhật Bản, Nagano có vẻ không phải là một nơi thuận lợi để người dân có sức khỏe tốt và kéo dài tuổi thọ, khi khu vực này phải trải qua mùa đông dài và khắc nghiệt, đất canh tác có hạn. Được bao quanh bởi các ngọn núi, Nagano là một trong số ít các vùng của Nhật Bản không có cơ hội đánh bắt trực tiếp cá và hải sản tươi sống - những thực phẩm chiếm phần lớn trong chế độ ăn uống của người dân quốc gia này. Ngay cả khi nền kinh tế Nhật Bản phát triển vượt bậc và tỷ lệ tuổi thọ tăng cao trong thời kỳ hậu chiến, tuổi thọ của người dân Nagano vẫn bị tụt hậu. Đặc biệt, tỷ lệ nam giới bị đột quỵ, đau tim và phình mạch máu não cao. Noriko Sonohara, người đứng đầu Hiệp hội Chế độ ăn uống Nagano cho rằng, nguyên nhân phần lớn do chế độ ăn uống của người dân địa phương, trong đó có việc sử dụng rau muối.
Các bà nội trợ ở Nagano qua nhiều thế hệ đã bảo quản tất cả các sản phẩm trong vườn bằng cách muối rau để dùng cho mùa đông tuyết dài và thiếu rau tươi. Món tsukemono phổ biến của người dân trong làng đều có lượng muối rất cao. Một cuộc khảo sát cho thấy cư dân Nagano trung bình tiêu thụ 15,1 gam muối mỗi ngày - gần gấp ba lần mức tối đa hàng ngày trong các hướng dẫn chế độ ăn uống của Mỹ.
Chế độ ăn lành mạnh của người Nhật Bản |
Bước ngoặt vào năm 1981, khi chính quyền Nagano và người dân cho rằng cần phải thay đổi thói quen ăn uống của mình. Bước đầu tiên trong việc nâng cao tuổi thọ của Nagano là chiến dịch giảm tiêu thụ muối và thúc đẩy chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh hơn. Các trường hợp tăng huyết áp và các bệnh liên quan bắt đầu giảm ngay sau đó. Khoảng 4.500 tình nguyện viên thường xuyên đến nhà dân để đo lượng muối trong bữa ăn hàng ngày và đưa ra các khuyến nghị về chế độ ăn uống. Ông Sonohara cho rằng “Mục tiêu và động cơ của chúng tôi không liên quan gì đến việc trở thành số một về tuổi thọ. Nhưng những nỗ lực cá nhân và sáng kiến của địa phương về việc cần phải thay đổi lối sống đã kéo dài tuổi thọ cho toàn bộ khu vực. Ban đầu, rất khó để thuyết phục mọi người thay đổi, nhưng dần dần mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Chính phủ đang khuyến khích người dân duy trì một chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh hơn”. Những nỗ lực đã được đền đáp với tốc độ đáng ngạc nhiên. Đến năm 1990, tuổi thọ của nam giới đã tăng 3 năm ở tỉnh Nagano và 3,5 năm đối với nữ giới. Tuổi thọ của người dân Nagano tiếp tục tăng cao cho đến khi họ đứng đầu toàn Nhật Bản vào năm 2010. Tỷ lệ người chết vì ung thư, bệnh tim và gan và viêm phổi hiện xếp hạng thấp hơn mức trung bình toàn quốc.
Có thể nói chế độ ăn uống lành mạnh là một bí quyết giúp người dân không chỉ Nagano mà còn các khu vực khác của Nhật Bản sống lâu, sống hạnh phúc. Khi người Nhật ăn thịt, họ chủ yếu ăn cá tốt cho tim mạch, giàu axit béo omega-3. Các loại thực phẩm phổ biến khác bao gồm đậu phụ, rong biển và bạch tuộc, tất cả đều là những thực phẩm có nguy cơ thấp gây một số bệnh ung thư và xơ cứng động mạch. Người dân ở đất nước mặt trời mọc cũng hạn chế việc ăn quá nhiều và quá no trong một bữa mà thường chỉ ăn tầm 80% để hệ tiêu hóa không bị quá tải.
Luôn năng động kể cả khi về già
Một chìa khóa bí mật khác cho tuổi thọ đáng nể của người dân Nagano là lối sống sôi nổi, tích cực và năng động.
Ở tuổi 66, ông Kuroiwa đã nghỉ hưu cách đây vài năm, nhưng gần đây ông bắt đầu khởi nghiệp trở lại với vị trí là quản lý một trang trại sinh thái. Thời gian rảnh rỗi của ông sau khi nghỉ hưu dành cho việc điều hành trang trại nhỏ của gia đình, làm các công việc trực tiếp trên cánh đồng táo, lúa và cam. Ông Kuroiwa cho biết, cha mẹ ông làm việc liên tục kể cả khi họ đã 80 tuổi và ông cũng sẽ như vậy. Chính phủ Nhật Bản cũng khuyến khích người dân nghỉ hưu muộn hoặc bắt đầu khởi nghiệp một việc khác khi về già, một phần là để duy trì lối sống lành mạnh lâu hơn. Cứ 4 người tại Nagano trên 65 tuổi có 1 người vẫn đang trong lực lượng lao động - tỷ lệ cao nhất ở Nhật Bản. Hiroko Akiyama, giáo sư tại Viện Lão khoa của Đại học Tokyo cho biết: “Chúng tôi thực sự không biết liệu người dân ở Nagano đang tiếp tục làm việc vì họ khỏe mạnh hay họ khỏe mạnh vì họ tiếp tục được làm việc. Nhưng chúng tôi tin rằng làm việc không ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Người dân Kuroiwa luôn sống vui và hạnh phúc |
Đối với những người không khởi nghiệp lần hai khi về già, họ cũng có lối sống năng động, hoạt động thể chất tích cực. Người về hưu được khuyến khích nghiên cứu lĩnh vực chuyên môn, tham gia hoạt động thể chất, du lịch, sinh hoạt câu lạc bộ, tập dưỡng sinh, làm tình nguyện... Thói quen tập thể dục đều đặn, tham gia các buổi đi bộ tập thể từ lâu đã ăn vào nếp sống của người Nhật. Cuối tuần, họ thường đi leo núi, dã ngoại cùng gia đình, đến các trung tâm xã hội hoặc ra ngoài gặp gỡ bạn bè. Tại Matsumoto, chính quyền địa phương đã phát triển một mạng lưới hơn 100 tuyến đường đi bộ để khuyến khích người dân tập thể dục. Ngay cả trong mùa đông lạnh giá, người ta vẫn có thể thấy các cụm dân cư tập trung theo nhóm, thường xuyên đi bộ dọc theo con phố, công viên và kênh đào của Matsumoto hay xung quanh lâu đài cổ ở trung tâm thành phố. Theo giới chức địa phương, việc xây dựng các con đường đi bộ là một cách tiết kiệm để tăng cường sức khỏe và kiểm soát chi phí y tế. Việc những người dân cùng nhau đi bộ, trò chuyện cũng là cách để gắn kết và xây dựng ý thức cộng đồng.
Để giúp người dân Nagano nói riêng và Nhật Bản nói chung sống lâu, sống hạnh phúc không thể không kể đến sự hỗ trợ, can thiệp tích cực của chính phủ Nhật Bản. Nhật Bản đã xây dựng được một hệ thống chăm sóc sức khỏe được cho là hiệu quả và dễ tiếp cận nhất thế giới. Chính phủ chi trả 70% chi phí cho tất cả các thủ tục y tế và lên đến 90% cho công dân có thu nhập thấp. Hệ thống chăm sóc sức khoẻ của Nhật Bản tạo điều kiện cho mọi công dân nước này có quyền được hưởng mọi phúc lợi bình đẳng, không phân biệt tuổi tác. Người dân Nhật đã bớt được mối lo về chi phí và có thể thoải mái hơn đi đến những cơ sở khám chữa bệnh mỗi khi có triệu chứng khó chịu trong người. Với tỷ lệ dân số già hóa cao, trong những năm qua, Nhật Bản cũng đã xây dựng một ngành công nghiệp phục vụ và chăm sóc sức khoẻ tiên tiến để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhóm dân số già này. Nhờ có những dịch vụ này mà những người cao tuổi ở Nhật có thể tận hưởng trọn vẹn cuộc sống của họ. Họ được chăm sóc sức khoẻ tận tình, được kết nối với bạn bè và duy trì lối sống năng động, khoẻ mạnh và độc lập.