Theo số liệu từ Cục Lâm nghiệp và Đồng cỏ Quốc gia, số lượng gấu trúc khổng lồ sống trong tự nhiên hiện tại là 1.864, tăng thêm 750 cá thể so với 1.114 cá thể trong thập niên 1970. Trong tổng số đó, 518 con gấu trúc sống trong điều kiện nuôi nhốt.
Con số này sẽ đủ để "bảo tồn 90% tính đa dạng di truyền của loài này trong vòng 200 năm", một quan chức của Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn gấu trúc Trung Quốc cho biết.
Gấu trúc khổng lồ đã thực sự bị loại khỏi danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng vào năm 2016 bởi Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, hiện được phân loại là loài"dễ bị tổn thương", Asia Times đưa tin.
Một số biện pháp đã giúp gấu trúc, loài rất khó nuôi do chế độ ăn uống khá cầu kỳ, phục hồi số lượng trong môi trường tự nhiên của chúng ở miền Trung Trung Quốc. Các quan chức tại Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Ngọa Long ở Tứ Xuyên đã phát triển hệ thống vốn gen của gấu trúc khổng lồ bằng cách tạo ra một tinh trùng và tế bào gốc tiên tiến để giúp thụ tinh nhân tạo gấu trúc, một quy trình phổ biến, bởi gấu trúc cái chỉ có thể mang thai chỉ trong ba ngày của chu kỳ rụng trứng, báo Sky News cho biết.
Trung Quốc cũng đã tăng số lượng khu bảo tồn thiên nhiên từ 15 trong những năm 1970 lên con số 67 vào ngày nay, môi trường sống của gấu trúc được gấp đôi lên 2,58 triệu ha. Giúp 2/3 số lượng gấu trúc khổng lồ của Trung Quốc được bảo vệ. Nước này cũng đang lên kế hoạch xây một công viên quốc gia rộng 27.000 km2 cho gấu trúc, Yang Chao - một quan chức của Cục Lâm nghiệp và Đồng cỏ Quốc gia, cho biết tại một cuộc họp báo hôm thứ Năm.
Gấu trúc khổng lồ sống chủ yếu ở tỉnh Tứ Xuyên, nhưng cũng có ở các tỉnh miền núi lân cận như Thiểm Tây và Cam Túc.
Theo Sputnik