Thông tin trên được tờ Hoàn Cầu Thời Báo cho biết trong một bài xã luận vào hôm thứ 2 (21/8).
Bài xã luận xuất hiện sau khi có tin tức cho rằng trang web của Cambridge University Press (CUP) ở Trung Quốc đã bị chặn và bị chính phủ nước này yêu cầu xóa bỏ khoảng 300 bài viết.
Ảnh minh họa |
Các bài viết và các bài đánh giá sách liên quan đến các chủ đề được coi là nhạy cảm của chính phủ Trung Quốc, bao gồm các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, Cách mạng Văn hoá 1965-1975, Đài Loan, Tân Cương và Tây Tạng.
Bài báo của tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một tờ báo thuộc quyền quản lý của tờ Nhật báo Nhân Dân của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết: "Các tổ chức phương Tây có quyền tự do lựa chọn, nếu họ không thích luật lệ của Trung Quốc, họ có thể ngừng tham gia.
Nếu họ nghĩ rằng thị trường Internet của Trung Quốc là quan trọng đến mức họ không thể bỏ lỡ, họ cần phải tôn trọng luật pháp Trung Quốc và thích nghi theo những cách mà Trung Quốc đề ra.
Thời gian sẽ cho biết ai đúng và ai sai", bài báo cho biết thêm.
CUP cho biết họ đã tuân thủ quy định để các bài viết khác vẫn có thể tồn tại ở Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà phê bình lập luận rằng nhà xuất bản này đã làm suy yếu các nguyên tắc tự do học thuật.
Quyết định của CUP, nhà xuất bản hàng đầu của Đại học Cambridge, đã vấp phải những lời chỉ trích của các học giả nước ngoài về vấn đề Trung Quốc.
James A. Millward, giáo sư lịch sử của Đại học Georgetown, cho biết quyết định này là "một sự nhượng bộ đáng xấu hổ và vi phạm tính độc lập về học thuật".
"Đây không chỉ là sự thiếu tôn trọng các tác giả của CUP, nó còn thể hiện thái độ coi thường độc giả Trung Quốc".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thắt chặt kiểm duyệt báo chí phương Tây kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012.
Theo Reuters