Hôm thứ Hai, quân đội Trung Quốc đã bắt đầu tháo dỡ lều và các công sự tại một địa điểm ở thung lũng Galwan gần nơi xảy ra vụ đụng độ mới nhất giữa binh sĩ hai bên, các nguồn tin chính phủ Ấn Độ thông báo.
Nhiều phương tiện cũng đã được nhìn thấy rút khỏi khu vực này, cũng như tại khu vực Hotprings và Gogra - hai điểm nóng tranh chấp khác.
Trả lời câu hỏi liệu Trung Quốc có di chuyển thiết bị khỏi thung lũng Galwan hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian cho biết cả hai bên đều đang thực hiện các biện pháp hữu hiệu để rút quân và làm dịu tình hình ở biên giới.
"Chúng tôi hy vọng Ấn Độ sẽ chấp nhận sự thỏa hiệp của Trung Quốc và thực hiện các biện pháp cụ thể để thực hiện những gì cả hai bên đã đồng ý, tiếp tục liên lạc chặt chẽ qua các kênh ngoại giao và quân sự, cũng như hợp tác để hạ nhiệt tình hình ở biên giới", ông Zhao Zhao cho biết.
Trước đó vào ngày 15/6 đã nổ ra một vụ ẩu đả với sự tham gia của binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ, dù không có tiếng súng nổ nhưng đã có ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, trong khi con số thương vong không được Trung Quốc tiết lộ.
Theo lời kể lại của nhiều nhân chứng và chính phủ, binh sĩ Ấn Độ khi đó đã bị bao vây bởi một lực lượng lớn binh sĩ Trung Quốc trên một sườn núi.
"Con trai tôi và nhiều đồng đội đã chiến đấu trong tình trạng không được vũ trang. Những người sống sót kể lại rằng còn có nhiều người đã chết rét sau khi rơi xuống sông Galwan", một người cha có con trai qua đời trong vụ ẩu đả kể lại.
Hai mươi binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong cuộc đụng độ ngày 15/6 đều thuộc Trung đoàn Bihar thứ 16 được triển khai ở vùng Galwan.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết vụ việc xảy ra là do phía Ấn Độ đã vượt qua đường biên giới thực tế và khiêu khích Trung Quốc.
"Khi các sĩ quan và binh lính Trung Quốc tới đó để đàm phán, họ đã bị quân đội Ấn Độ tấn công bất ngờ. Tính chất của vụ việc là rất rõ ràng. Trách nhiệm hoàn toàn không thuộc về Trung Quốc.", người phát ngôn tuyên bố.