Sự trỗi dậy của Trung Quốc sau khi ông Tập nắm quyền
Trong thập kỷ tới, cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ trở thành chủ đề chính của thế giới.
Cuối những năm 70, Trung Quốc đã nổi lên như một trung tâm kinh tế và chiến lược mới trên toàn cầu, nhờ vào cải cách thị trường. Bước nhảy vọt này nhờ vào tốc độ tăng trưởng GDP đáng kinh ngạc và các điều kiện thuận lợi được gọi là "cửa sổ cơ hội".
Trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, Mỹ dành phần lớn thời gian để lấy lại động lực phát triển sau cuộc cạnh tranh kéo dài 40 năm với Liên Xô. Sau này, khi đã sẵn sàng đua tranh với Trung Quốc, Mỹ lại phải hoãn lại nhiều lần để ưu tiên nguồn lực cho những sự kiện quan trọng hơn, như cuộc chiến chống khủng bố năm 2001 hay cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Cuối cùng, "phát súng" đầu tiên đã được Tổng thống Donald Trump bắn vào tháng 3/2018, khi Washington chính thức phát động cuộc chiến tranh thương mại với Bắc Kinh.
|
Cả Đảng Cộng hoà lẫn Đảng Dân chủ đều nhất quyết ủng hộ ông Trump, bởi Trung Quốc đã thay đổi quá nhiều so với thế kỷ 20. Trong những năm 90, Trung Quốc đưa ra nhiều cải cách thị trường hàng năm, và cho rằng tự do hóa thị trường cuối cùng sẽ dẫn đến tự do hóa chính trị - tương tự mô hình của Mỹ. Đây là một trong những lý do khiến Tổng thống Bill Clinton đồng ý cho nước này gia nhập WTO năm 2001. Nhưng chiếc "kim chỉ nam" này của Bắc Kinh đã ngày càng suy yếu về sau. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khiến nền kinh tế Trung Quốc phải chuyển từ xuất khẩu sang đầu tư, đã thay đổi nhận thức của Bắc Kinh về tự do hóa thị trường.
Cải cách thị trường và cải cách chính trị không còn là công thức của sự thành công với Trung Quốc. Họ hiểu rằng đất nước cần phải phát triển mô hình chính trị của riêng mình. Vì vậy, sau khi trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc năm 2012, Chủ tịch Tập Cận Bình đã liên tục truyền bá ý tưởng về "Giấc mơ Trung Hoa", mà theo ông Tập là "cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc". Với "Giấc mơ Trung Hoa", ông Tập đặt mục tiêu Trung Quốc sẽ thế chỗ Mỹ để trở thành trung tâm địa chính trị toàn cầu trong thế kỷ 21.
Ngày 8/4/2013, nội hàm “Giấc mơ Trung Hoa” đã được ông Tập Cận Bình nêu khá rõ trong phát biểu khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA): “Vào giữa thế kỷ 21, Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại, thịnh vượng, hùng mạnh, dân chủ, văn hóa tiên tiến và hòa hợp; và giấc mơ Trung Hoa, cụ thể là sự phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa, sẽ thành hiện thực”.
Vậy Mỹ đã phản ứng như thế nào? Năm 2011, Tổng thống Obama đã đưa ra chiến lược "xoay trục sang châu Á", để kiềm chế Trung Quốc ở hai điểm chính là kinh tế và chiến lược.
Tổng thống Obama công bố chính sách "xoay trục" sang châu Á-Thái Bình Dương vào cuối năm 2011. (Ảnh: Reuters) |
Về kinh tế, Mỹ xây dựng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) năm 2016 để giữ các đồng minh tại châu Á gắn bó với mình hơn. Washington tin rằng, TPP sẽ khiến Trung Quốc phải tiến hành cải cách thị trường. Ông Trump đã rút Mỹ khỏi CPTPP khi mới lên cầm quyền năm 2017. Nhưng theo nhận định của Matthew Goodman, phó chủ tịch phụ trách kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ (CSIS), vẫn có khả năng Mỹ sẽ tái gia nhập TPP trong tương lai.
Về chiến lược, Washington đã chuyển phần lớn lực lượng hải quân từ Đại Tây Dương và Địa Trung Hải sang châu Á - Thái Bình Dương.
Kinh tế vẫn sẽ là mũi nhọn chính của Bắc Kinh
Nhưng đại dịch COVID-19 bùng phát đã làm sự lệ thuộc về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên bất đối xứng. Cụ thể, một trong hai bên sẽ có ưu thế về một số mặt hàng mà bên còn lại cần. Đó có thể là khẩu trang, máy thở và các sản phẩm y tế khác trong thời kỳ đại dịch, hay vi mạch hoặc đất hiếm trong thời gian bình thường. Điều này dẫn đến việc Mỹ và Trung Quốc sẽ luôn muốn giảm sự phụ thuộc lẫn nhau về một số mặt hàng nào đó, và cố gắng kiểm soát việc sản xuất loại hàng hoá mà đối thủ cần. Hệ quả là nền kinh tế của cả hai sẽ được chuyên môn hoá ở những lĩnh vực mà họ có lợi thế hơn so với đối thủ.
Theo Viện nghiên cứu Chính trị quốc tế Ý (ISPI) - nhóm chuyên gia cố vấn lâu đời nhất của Ý về các vấn đề quốc tế, nền kinh tế Trung Quốc sau đại dịch đang tập trung vào mô hình có tên "vòng tuần hoàn kép" - tập trung sản xuất các mặt hàng giúp họ dẫn đầu về kinh tế và công nghệ.
Mục tiêu xuyên suốt của mô hình “vòng tuần hoàn kép” của Trung Quốc là tăng cường năng lực độc lập, tự chủ kinh tế - công nghệ, hiện đại hóa nền tảng công nghiệp để thực hiện mục tiêu hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa vào năm 2035 và mục tiêu “100 năm thứ hai” vào năm 2049; đồng thời, củng cố vị trí của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới, nhất là trong các chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu và ứng phó hiệu quả hơn đối với sự kiềm chế, cạnh tranh chiến lược của một số nước phương Tây.
Với mô hình trên, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ coi kinh tế là nhân tố quyết định trong cuộc canh tranh lâu dài với Mỹ. Bên cạnh đó, việc trụ vững về mặt chiến lược cũng vô cùng quan trọng. Do vậy, tháng 9/2021, Trung Quốc đã nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - "phiên bản nâng cấp" của TPP.
Không chỉ vậy, Bắc Kinh còn thúc đẩy các hiệp định thương mại khác, chẳng hạn như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với các nước ASEAN. Tính đến ngày 2/11, Ban thư ký ASEAN đã nhận được văn kiện phê chuẩn/chấp thuận (IOR/A) từ 6 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, cũng như từ 4 quốc gia ký kết khác gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản và New Zealand.
Lãnh đạo các nước thành viên Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh RCEP lần thứ 3 ở Bangkok, Thái Lan, ngày 4/11/2019. (Nguồn: AFP/ TTXVN) |
Ngoài ra, về mặt chiến lược, Trung Quốc đã và đang cố gắng tăng cường vị thế của mình tại Biển Đông suốt một thập kỷ qua. Đài Loan đang được coi là một trong những khu vực căng thẳng nhất thế giới. Mỹ đang muốn ngăn cản Trung Quốc sát nhập hòn đảo này, còn Trung Quốc đang cảm thấy bị bao vây bởi các liên minh như Bộ Tứ (QUAD) gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Mỹ, hay AUKUS gồm Mỹ, Úc và Anh.
Các chuyên gia của ISPI khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục tìm cách kiềm chế sự lãnh đạo mà họ cho là "độc đoán" của Trung Quốc. Còn phía Bắc Kinh sẽ muốn vươn cao hơn nữa trên trường quốc tế để mang đến một nền kinh tế tốt hơn cho người dân. Sự cạnh tranh, ganh đua giữa hai nhu cầu này sẽ là câu chuyện được nhắc tới nhiều nhất trong những thập kỷ tới.