Căng thẳng leo thang
Trong 5 ngày đầu tiên của tháng 10/2021, Trung Quốc đã gia tăng sức ép quân sự lên Đài Loan bằng cách điều 150 máy bay quân sự tới vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của bán đảo này - con số cao nhất từ trước đến nay.
Động thái trên cho thấy, Trung Quốc có thể tiến hành các hoạt động quân sự nhắm tới Đài Loan bất cứ khi nào họ muốn. Lãnh đạo cơ quan phòng vệ Đài Loan Chiu Kuo-cheng lo ngại rằng, Trung Quốc có thể mở chiến dịch tấn công toàn diện lên hòn đảo năm 2025.
Trong vài năm trở lại đây, Đài Loan đã có nhiều câu trả lời với những hành động gây hấn của Trung Quốc. Hòn đảo nhiều lần điều máy bay ngăn chặn sự xâm nhập của chiến đấu cơ Trung Quốc, và nâng cấp hệ thống tên lửa phòng không. Các quan chức thuộc lực lượng phòng vệ Đài Loan đã phân chia ra 3 khu vực riêng biệt: vùng "giám sát" (phạm vi 30 hải lý), vùng "cảnh báo" (24 hải lý) và vùng "huỷ diệt" (12 hải lý). Nếu máy bay Trung Quốc xâm nhập khu vực "huỷ diệt", lực lượng quân sự của Đài Loan sẽ triển khai máy bay đánh chặn, bắn cảnh cáo hoặc thậm chí là bắn hạ nếu cần thiết. Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc gọi sự phân chia này là "rất nực cười."
|
Hiện nay, máy bay Trung Quốc mới chỉ hiện diện ở khu vực Tây Nam Đài Loan, cách hòn đảo 232 hải lý - khá xa so với "lằn ranh đỏ" 12 hải lý Đài Loan đặt ra. Tuy nhiên, nếu căng thẳng tiếp tục gia tăng, Bắc Kinh có thể tăng cường các hoạt động quân sự bằng máy bay theo 3 cách sau.
Thứ nhất, máy bay Trung Quốc sẽ tiến vào những khu vực ít được củng cố hơn của Đài Loan, bao gồm phía đông hoặc trung tâm của hòn đảo.
Thứ hai, Trung Quốc có thể sẽ làm suy yếu quyền kiểm soát của Đài Loan đối với các đảo mà Đài Loan kiểm soát, bằng cách bay nhiều hơn qua các đảo này.
Lựa chọn cuối cùng, cũng là lựa chọn nguy hiểm nhất, là máy bay Trung Quốc sẽ bay thẳng qua lãnh thổ Đài Loan.
Bằng những cách trên, Trung Quốc không chỉ kích động Đài Loan sử dụng vũ lực để đáp trả, mà còn gián tiếp kiểm tra khả năng phòng thủ của hòn đảo.
Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ không lập tức tấn công Đài Loan trong tương lai gần. Tuy nhiên, một sự kiện tương tự như vụ va chạm giữa các máy bay quân sự của Mỹ và Trung Quốc năm 2001 hoàn toàn có thể lặp lại, nếu máy bay của Bắc Kinh xâm phạm vùng "huỷ diệt" của Đài Loan. Chiến tranh gần như là kết quả sau cùng nếu sự việc này xảy ra.
Ngày 1/4/2001, hai chiến đấu cơ Trung Quốc đã chặn máy bay trinh sát EP-3E của Mỹ trên bầu trời gần đảo Hải Nam. Một phi công Trung Quốc tên Wang Wei đã tử nạn trong vụ va chạm này. Vụ việc đã kéo theo 11 ngày căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc.
Phi công Wang Wei, người tử nạn trong vụ va chạm giữa máy bay chiến đấu của Mỹ và Trung Quốc năm 2001. (Ảnh: Baidu) |
Mỹ là chìa khoá để ngăn chặn xung đột
Hiện nay, Mỹ là quốc gia duy nhất có đủ khả năng ngăn chặn những xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan. Trên thực tế, Mỹ luôn mong rằng Đài Loan sẽ không đáp trả Trung Quốc, bởi nguồn lực quân sự của họ so với Bắc Kinh là rất hạn chế. Tuy nhiên, việc "án binh bất động" trước những hành động gây hấn là không thể chấp nhận được với bất kỳ nhà lãnh đạo Đài Loan nào.
Do đó, theo Foreign Affairs, ngoài việc lên kế hoạch đối phó với một cuộc chiến toàn diện, Washington cũng phải tính toán tới những động thái có thể bùng phát thành xung đột mở giữa Trung Quốc và Đài Loan.
Đầu tiên, Mỹ cần đầu tư vào quân sự cho Đài Loan, để hòn đảo chống chọi kiên cường hơn với áp lực từ Trung Quốc.
Tiếp theo, Mỹ cần hỗ trợ Đài Loan đáp trả những hành động khiêu khích của Bắc Kinh. Ví dụ, Mỹ có thể tổ chức các cuộc tập trận chung cùng Đài Loan để tăng cường khả năng phòng thủ của hòn đảo.
|
Ngoài ra, Mỹ nên ưu tiên việc duy trì các kênh liên lạc đáng tin cậy với cả Trung Quốc và Đài Loan. Washington có thể thông báo với Bắc Kinh về những giới hạn của Đài Loan, và khuyên Bắc Kinh không nên vượt qua chúng.
Cuối cùng, Mỹ có thể phối hợp với các đồng minh trong khu vực để hỗ trợ Đài Loan. Thậm chí, vào thời điểm thích hợp, Mỹ còn có thể khuyến khích Đài Loan công khai lập trường về các hoạt động quân sự của Trung Quốc, và cảnh báo sẽ đáp trả bằng vũ lực nếu Trung Quốc không dừng lại.
Tóm lại, dù viễn cảnh một cuộc chiến toàn diện giữa Trung Quốc và Đài Loan còn khá xa vời, nhưng những xung đột nhỏ lẻ có thể sẽ bùng phát với tình trạng căng thẳng như hiện nay. Để ngăn chặn chúng, Mỹ và Đài Loan cần hợp tác chặt chẽ hơn về cả ngoại giao lẫn quân sự. Nhiều năm trước, ông Joe Biden, khi đó còn là Phó Tổng thống Mỹ, đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng “điều duy nhất tồi tệ hơn chiến tranh là một cuộc chiến không chủ ý”.