Bắc Kinh ngày hôm qua đã bày tỏ sự phẫn nộ trước bình luận của nhà ngoại giao cao cấp của Anh rằng phán quyết tại tòa trọng tài quốc tế về tranh chấp tại Biển Đông mà Philippines đâm đơn phải được thực thi pháp lý.
Philippines năm 2013 đệ đơn kiện lên Tòa trọng tài thường trực phản đối "đường lưỡi bò" trên Biển Đông nhưng Trung Quốc từ chối tham gia tiến trình. Dự kiến tòa sẽ ra phán quyết vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 năm nay.
Ông Hugo Swire, Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách về Đông Á, nói phán quyết do Tòa Trọng tài ở Hague là một cơ hội để Trung Quốc và Philippines nối lại đối thoại tranh chấp ở Biển Đông, nơi các tuyên bố chủ quyền bành trướng của Trung Quốc chồng lấn với nhiều nước lân cận bao gồm Philippines và Việt Nam.
Hồi tháng 2, Mỹ và Liên minh châu Âu, trong đó Anh là thành viên, cảnh báo Trung Quốc cần tôn trọng phán quyết từ phiên tòa này.
Được biết phiên tòa án này từ trước đến nay không có quyền hạn thực thi và phán quyết của tòa từng bị làm ngơ trong quá khứ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, ngày 20/4 ngang nhiên tuyên bố "Trung Quốc hết sức bất bình" vì ý kiến của ông Swire không tôn trọng dữ kiện thực tế, thiên vị một chiều, và đi ngược lại cam kết của Anh rằng không đứng về bên nào trong vấn đề Biển Đông.
"Thực tế chứng minh rằng nếu Biển Đông căng thẳng thì đó là vì Hoa Kỳ đóng vai trò đầu tàu trong việc này ", bà Hoa nói thêm.
Bà cũng tái khẳng định rằng Trung Quốc sẽ không chấp nhận và cũng không tham gia vào phiên tòa trọng tài và đó là một sự lạm dụng luật pháp quốc tế.
Ông Rod Wye, Phó Ủy viên Chương trình Châu Á của Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh, cho rằng Anh khó can dự chính trị trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông nhưng cho biết London có thể sẽ dùng nỗ lực ngoại giao của mình.
"Anh Quốc sẽ không có sự tham gia trực tiếp nào tại Biển Đông. Tuy nhiên với các nước trong vùng mà Anh có quan hệ tốt và những nước không hoàn toàn nhất trí với nhau về chủ đề Biển Đông và chúng tôi chắc là sẽ dùng nỗ lực ngoại giao của mình để cố tìm một giải pháp vốn khá khó tìm kiếm cho vấn đề này," ông nói.
Ông Rod Wye, người có hơn 30 năm làm phân tích của chính phủ Anh về Trung Quốc và Đông Á, cho rằng Trung Quốc dường như sê không quay trở lại lập trường vào đầu những năm 2000 về việc cùng khai thác chung, tạm gác tranh chấp chủ quyền lại, cùng nhau nỗ lực chia sẻ tài nguyên chung của khu vực.
"Trái lại càng ngày Trung Quốc càng cố gắng tìm kiếm giải pháp có lợi một phía đối với nước này. Điều đó không có nghĩa là họ không sẵn sàng chia sẻ nhưng, theo cách nhìn của tôi, là chia sẻ theo một hệ thống do Trung Quốc bày ra theo kiểu người ở chiếu trên", Rod Wye trả lời BBC.
Minh Vũ