Năm 1991, bà Xuân Phượng là một trong những người mở phòng tranh tư nhân đầu tiên tại Sài Gòn, bà góp phần phát hiện ra nhiều họa sĩ trẻ và đưa tranh Việt ra thế giới. Câu chuyện cuộc đời sống gần thế kỷ của bà gắn liền với hai cuộc chiến tranh và hơn 30 năm với mỹ thuật Việt Nam.
Sáng 24-9, tại Liên hiệp Hội VHNT TPHCM đã có buổi ra mắt hồi ký “Khắc đi… Khắc đến” của nữ nhà văn 95 tuổi Xuân Phượng. Tuy là ra mắt nhưng cuốn sách này được NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành vào hồi cuối tháng 6-2024 và đến nay đã tái bản 4 lần.
Nữ nhà văn 95 tuổi Xuân Phượng |
Trước đó, năm 2020, bà Xuân Phượng cũng ấn hành hồi ký “Gánh gánh gồng gồng” (tái bản 12 lần) và cuốn sách này nhận 2 giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TPHCM. Cuộc đời bà Xuân Phượng được thể hiện qua “Gánh gánh gồng gồng” như một tác phẩm văn học mà không cần hư cấu.
Nhưng điều thú vị là, “Gánh gánh gồng gồng” ấn hành lần đầu năm 2001 được bà viết bằng tiếng Pháp với tựa dịch ra tiếng Việt: “Áo dài – Từ tu viện của những loài chim (trường Bồ Câu Trắng Đà Lạt) đến chiến khu Việt Minh” do NXB Plon, Paris ấn hành. Năm 2004, cuốn sách này được cháu nội của bà dịch sang tiếng Anh. Mãi đến năm 2020 tác giả viết lại bằng tiếng Việt. Bà Xuân Phượng cho rằng, không gì tốt hơn để thế hệ sau hiểu người lớp trước bằng việc để lại một cuốn sách.
Tại sao hồi ký “Gánh gánh gồng gồng” lại được hai hội văn học trao giải thưởng? Trong hồi ký này chứa đựng những chi tiết cuộc đời tác giả mà những nhà văn chuyên nghiệp cũng khó có thể tưởng tượng ra. Mùa hè năm 2018, bà Xuân Phượng tổ chức triển lãm tranh Việt Nam ở thành phố Saint Etienne (Pháp). Không chỉ được ông thị trưởng thành phố tới dự khai mạc và chúc mừng, đoàn của bà còn được cựu hoa hậu Pháp Christianne Lillio mời về nhà riêng để đãi tiệc sau khi mua tranh.
Biết bà Xuân Phượng từng là một tiểu thư khuê các tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp khi mới tròn 16 tuổi, trong cuộc trò chuyện thân mật đến tận khuya, cựu hoa hậu Pháp hỏi: “Khi bà bắt đầu dấn thân vào cuộc kháng chiến, điều gì làm cho bà đau đớn nhất, làm bà không thể quên được?”.
Bà Xuân Phượng trả lời: “Khi cùng anh chị em trong đoàn vào chiến khu, tôi cố gắng đi chân đất để giống những người xung quanh. Các bạn tưởng tượng nỗi đau của đôi chân quen đi giày dép từ bé đến lớn, nay đạp lên đất trơn đá nhọn, chân tóe máu vẫn nghiến răng bước theo đồng đội mỗi ngày trên dưới 20 cây số. Đến chỗ nghỉ, đôi chân trần nhầy nhụa máu. Sợ người chung quanh chê yếu đuối, tôi lấy vải bọc chân lại.
Sáng hôm sau, khủng khiếp nhất là lúc gỡ những mảnh vải, da non kéo theo đau tận óc. Lại những chuyến hành quân ngày đêm trong rừng. Những cơn đau rợn người tiếp tục hành hạ, nhưng phải cố nén rên la. Tôi không muốn đồng đội thấy mình quá kém chịu đựng. Chỉ chừng vài tuần lễ sau, những vết trầy trụa bắt đầu thành sẹo. Sau 2 tháng đã có thể chân trần leo núi đá lởm chởm, nhọn sắc. Chín năm sống trong rừng rậm chiến khu, lớp da mỏng ở gan bàn chân đã thành chai. Tuy vậy, nhắc lại tôi vẫn rùng mình.”.
Trước hôm bế mạc triển lãm kể trên, ông chủ một hiệu bánh nổi tiếng của thành phố đã cùng các nhân viên mang đến một chiếc hộp lớn gặp bà và nói: “Thưa bà, để bù lại sự đau đớn khủng khiếp mà bà đã chịu đựng hơn 70 năm trước, hôm nay tôi xin tặng bà và các bạn nữ trong đoàn - những người đàn bà Việt Nam dịu dàng, kiên cường, mỗi người một chiếc giày cao gót bằng sôcôla. Những người thợ nổi tiếng nhất của hiệu chúng tôi đã mất 3 ngày ròng để làm 5 chiếc giày trên. Mong rằng vị ngọt ngào, êm dịu của chúng sẽ làm bà và các bạn quên được sự đắng cay, đau đớn của những bước chân trần đạp trên đá nhọn ở tuổi 16.”
Hồi ký “Khắc đi… Khắc đến” viết về hơn 30 năm với mỹ thuật của tác giả Xuân Phượng |
“Khắc đi… Khắc đến” là câu chuyện hơn 30 năm bà Xuân Phượng đến với mỹ thuật Việt Nam với tư cách chủ phòng tranh, “bà đỡ” của nhiều họa sĩ trẻ từ lúc họ còn vô danh. Khác vẻ ngoài “sang chảnh” của các phòng tranh, trong mấy chục năm, đã 7 lần bà khốn đốn khi phải chuyển địa điểm thuê mướn vì những lý do bất khả kháng, như chủ nhà đòi tăng giá trên trời. Hai lần phòng trưng bày và xưởng sản xuất, kho tranh của bà bị cháy rụi, khiến bà gần trắng tay.
Quyết không nản chí, bỏ cuộc, bà từng bán hết nữ trang, đi vay mượn bạn bè để gầy dựng lại từ đống tro tàn. “Trong 2 năm ròng, vừa vay mượn vừa tự xoay xở, phòng tranh đã có thể vượt qua khổ nạn. Kể lại chỉ có vài dòng nhưng thật kinh hoàng khi nhớ lại những lúc không có tiền mua gạo, trả tiền điện nước, trả lương cho anh em…”, bà kể về lần cháy xưởng.
Hơn 20 năm trước, bà Xuân Phượng từ sân bay Tân Sơn Nhất trở về phòng tranh của mình ở 47 Đồng Khởi, sau một chuyến đi dài. Vừa xuống xe, bà bắt gặp một người gầy gò, vai vác một ống tranh to tướng mới từ phòng tranh bước ra. Anh ta da tái xám, nét mặt cau có, vùng vằng bước đi với bước chân xiêu vẹo của một người vô cùng mệt mỏi. Chú bảo vệ phòng tranh nhìn theo đầy ác cảm. Thấy lạ, bà bảo anh tài xế chạy theo gọi anh ta lại. Từ xa bà thấy anh chàng nọ lắc đầu quầy quậy, tay chỉ trỏ vào phòng tranh.
Bà Xuân Phượng kể: “Tôi mở cửa xe đến gần. Giọng Quảng Bình: “Cứ tưởng phòng tranh Lotus mến khách, nào ngờ. Tôi không vào đâu”. “Có việc gì thế con? Bà mới là chủ phòng tranh. Mời con vào gặp bà”. Trao qua đổi lại vài câu, chú thanh niên đồng ý vào nhà. Dù còn rất mệt sau chuyến đi nhưng bà vẫn ân cần pha sữa, lấy bánh mời chàng khách lạ. Hóa ra anh ta mang tranh đến chào bán nhưng bị… chú bảo vệ chê tranh xấu, nên vô cùng tự ái.
“Thế bây giờ bà có thể xem được không?”. Trước câu hỏi dịu dàng của bà, lập tức một bức tranh lớn được mở ra. “Tôi bàng hoàng trước nét cọ mạnh mẽ, bức tranh vẽ một mặt người nằm ngập giữa những làn sóng biển, màu sắc khi thì đối chọi, khi thì hòa lẫn vào nhau tạo những sắc độ đậm nhạt vô cùng ấn tượng. Nhìn tranh mà thấy hồi hộp như đang ngụp lặn giữa biển khơi… Không hề mặc cả, tôi mua cả 5 tranh.”
Họa sĩ Lê Võ Tuân bắt đầu hợp tác với phòng tranh Lotus từ đấy và liên tiếp gặt hái những thành công vang dội. Mấy chục năm đồng hành cùng Lotus, tranh của anh được giới thiệu tại nhiều thành phố ở Pháp, Bỉ, Singapore, Phần Lan, Đức, Thụy Sỹ, Hoa Kỳ… Tạp chí mỹ thuật NordArt (Đức) nhận xét, “Lê Võ Tuân là một trong những gương mặt họa sĩ nhiều triển vọng của thế kỷ XXI”.
Nhà thơ Nguyễn Duy chúc mừng bà Xuân Phượng |
Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp Hội VHNT TPHCM và nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM tặng hoa chúc mừng nhà văn Xuân Phượng |
Trước Lê Võ Tuân, bà Xuân Phượng còn phát hiện ra nhiều họa sĩ trẻ khác khi chưa mấy người biết đến họ. Nếu không có đôi mắt tinh đời cùng tấm lòng với mỹ thuật Việt của bà Xuân Phượng thì nhiều họa sĩ đang gặp khó khăn buổi ban đầu ấy có thể dừng bước trên con đường nghệ thuật của mình.
Năm 2013, trong chuyến triển lãm tranh tại Úc, một tạp chí xin gặp và phỏng vấn bà Xuân Phượng với câu hỏi: “Mong bà cho biết vì sao đến gần tuổi 90, bà vẫn tổ chức triển lãm ở một đất nước xa xôi như nước Úc?”. Có lẽ, câu trả lời sau đây đã phần nào toát lên cốt cách, tinh thần và nghị lực của bà Xuân Phượng: “Tôi chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp từ khi còn trẻ. Thần tượng của tôi là nhà viết kịch Molière. Ông ấy vừa là tác giả, vừa là diễn viên. Một đêm sau khi dàn dựng vở “Người bệnh tưởng”, ông ngã gục trên sân khấu và qua đời ít lâu sau. Tôi cảm phục cái chết ấy nên dù tuổi trẻ đã rời xa tôi hơn nửa thế kỷ, nếu phải từ giã cõi đời trong lúc đang làm triển lãm thì cũng thật là may mắn. Phải ra đi giữa lúc mình đang say mê công việc sẽ hơn rất nhiều cái chết vật vã, dài ngày trên một giường bệnh viện.”