Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins tại Mỹ, số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày đã đạt tới mức kỷ lục vào tháng 6 này. Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã tuyên bố những số liệu của riêng mình, xác nhận 85.000 ca nhiễm trong 2 tháng đầu tiên kể từ khi dịch bệnh bùng phát; trong 2 tháng trở lại đây, số ca nhiễm đã lên tới mức 6 triệu.
Trung Quốc, nơi đầu tiên ghi nhận dịch COVID-19, đã tiến hành những biện pháp hà khắc như đóng cửa biên giới và kiểm soát cách ly đối với 60 triệu công dân. Mặc dù vậy, dịch bệnh vẫn phát sinh trở lại tại Bắc Kinh trong những tuần gần đây.
Trước tình hình trên, các chuyên gia dịch tễ học đang rất quan ngại đối với viễn cảnh tương lai. Việc dự đoán xem liệu số ca nhiễm COVID-19 sẽ giảm xuống hay tiếp tục tăng mạnh trong tương lai đang trở nên rất khó khăn.
"Trong hơn 6 tháng tới, số ca nhiễm có thể vẫn sẽ duy trì như những tháng đầu tiên, hoặc trong trường hợp tồi tệ nhất thì nó sẽ tăng vọt," John Mathews, giáo sư danh dự về dân số và sức khỏe toàn cầu tại Đại học Melbourne cho hay.
"Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào cách mà người dân và chính phủ các nước phản ứng trước dịch bệnh," ông Mathews, người từng đảm nhiệm vị trí phó giám đốc y tế cho chính phủ Australia nói.
Trong khi đó, Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách phòng chống Dịch bệnh tại Đại học Minnesota lại tin rằng việc phòng chống dịch bệnh sẽ chỉ dừng lại tại giai đoạn đầu nếu như số ca nhiễm vẫn chưa đạt mức 60-70%.
"Thế giới cần tỉnh giấc và hiểu rằng dịch COVID-19 sẽ không khác so với các dịch bệnh trước đó, đó là việc sẽ cần nhiều năm để hoàn toàn khống chế virus gây bệnh. Do đó làm sao có thể rút ra kết luận chỉ sau 4 tháng ngắn ngủi?" ông Osterholm nói.
Các biện pháp miễn dịch cộng đồng yêu cầu hai phần ba dân số toàn cầu dương tính, hoặc đã được tiêm vắc-xin chống virus. Điều đó sẽ giúp ngăn chặn các nguồn lây nhiễm. Mặc dù vậy, hiện vẫn chưa có bất cứ tín hiệu nào cho thấy vắc-xin chống virus SARS-CoV-2 sẽ được sản xuất. Đồng thời, số lượng các ca dương tính vẫn chưa thể tới gần với mức yêu cầu của miễn dịch cộng đồng.
"Hãy nhìn vào tất cả những đau đớn, khổ sở và gánh nặng kinh tế mà chúng ta đang phải chịu đựng, đó mới chỉ hoàn cảnh khi 5% dân số dương tính. Tuy nhiên để chúng ta thắng đại dịch này, con số dương tính sẽ phải lên tới mức 60-70%," ông Osterholm nói.
Tuy nhiên, trên khắp thế giới, phần đông các quốc gia lại chọn cách thực hiện các biện pháp dãn cách xã hội. Mặc dù vậy, số ca nhiễm hàng ngày vẫn đang ở mức 20.000 ca, đặc biệt là tại Mỹ và Brazil.
"Việc dỡ bỏ lệnh dãn cách là nhằm vào mục đích kinh tế, và nó đang gây ra những ảnh hưởng đối với sức khỏe con người," Hannah Clapham, trợ lý giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore cho hay.
"Nhưng trong các khu vực khác việc lựa chọn giữa dịch bệnh và các vấn đề xoay quanh cách ly xã hội đang trở nên rất khó khăn, khi mà lương thực và thuốc men đang trở nên rất thiếu thốn," bà Clapham nói.
Dỡ bỏ dãn cách xã hội có thể kéo số ca nhiễm tăng cao và điều đó yêu cầu sự triển khai cẩn thận, bà nói. "Đó sẽ là lựa chọn rất khó khăn dành cho các chính phủ."
Bắc Kinh là một ví dụ điển hình. Thành phố đã không phát hiện thêm bất kỳ ca nhiễm nào mới trong 55 ngày và đã dỡ bỏ lệnh cách ly, các lệnh hạn chế đi lại và mở cửa trường học trở lại. Nhưng vào ngày 11 tháng 6, các ca nhiễm bên trong thành phố đã xuất hiện trở lại, và đã tăng lên 158 ca chỉ trong vòng 1 tuần.
Trong khi cả thế giới vẫn đang loay hoay tìm kiếm giải pháp phòng chống dịch bệnh, số ca nhiễm vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại. Điều này đang đặt các chính phủ và người dân trên thế giới trước một viễn cảnh khó đoán định trong những tháng tới.