Phần lớn thị phần xuất khẩu của Xinvo - công ty sản xuất thiết bị âm thanh có trụ sở tại Thâm Quyến, nơi Yeung làm giám đốc bán hàng quốc tế, trước đây đến từ thị trường Mỹ. Trong bối cảnh căng thẳng như hiện nay, Yeung đang tìm kiếm những khách hàng từ châu Âu và Nam Mỹ để cố gắng bù đắp một phần thiệt hại do cuộc chiến thuế quan gây ra, vốn đã cắt giảm gần 3/4 doanh số của Xinvo.
Nếu cuộc chiến thương mại diễn ra lâu hơn nữa, công ty sẽ chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, Bangladesh và Việt Nam là những điểm đến tiềm năng cho Xinvo.
"Chúng tôi cũng sản xuất thiết bị gốc cho một thương hiệu tai nghe lớn của Mỹ, nhưng chúng tôi chưa nhận được bất kỳ đơn đặt hàng nào từ họ trong năm nay", Yeung nói.
Bất chấp cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và các cuộc biểu tình leo thang ở Hong Kong, sự kiện thường niên của Hội đồng Phát triển Thương mại Hong Kong (HKTDC) đã diễn ra mà không gặp trở ngại nào.
Tuy nhiên theo báo cáo, số lượng khách hàng nước ngoài tham dự đã ít hơn so với những năm trước. Một nhà xuất khẩu thiết bị chơi game cho biết "sự kiện này năm nay đã thất bại, với các cuộc biểu tình đã khiến nhiều người tránh xa Hong Kong".
HKTDC cho biết, một loạt các thương hiệu điện tử, nhà bán lẻ và nhà phân phối từ Trung Quốc đã tham dự triển lãm, trong khi vẫn có những khách hàng đến từ các thị trường tiềm năng như Cộng hòa Séc, Romania, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico và thậm chí cả Iran.
Tuy nhiên, triển lãm năm nay gần như vắng bóng các doanh nghiệp Mỹ. Theo đơn vị tổ chức, các công ty Mỹ tham dự sự kiện lại chỉ tìm kiếm các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam chứ không phải Trung Quốc, để tránh gánh nặng thuế quan.
Căng thẳng thương mại đã gây áp lực nghiêm trọng cho ngành điện tử Trung Quốc - nơi được mệnh danh là công xưởng lớn nhất thế giới. Số liệu mới được công bố trong tuần này cho thấy khi cuộc chiến thương mại leo thang, tỷ trọng xuất khẩu hàng điện tử của Trung Quốc đã giảm. Từ tháng 1 đến tháng 8, cả tỷ trọng xuất khẩu và nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao đều giảm lần lượt 2,1 và 6,9%. Xuất khẩu điện thoại di động và các linh kiện đã giảm 15,1%, trong khi xuất khẩu màn hình tinh thể lỏng giảm 6,6%, theo Liên đoàn Công nghiệp Công nghệ Thông tin Trung Quốc.
Điều thú vị là mặc dù nhiều sản phẩm điện tử tiêu dùng do Trung Quốc sản xuất - bao gồm cả điện thoại thông minh, máy tính xách tay và TV, vẫn chưa phải đối mặt với thuế quan, thế nhưng các nhà đầu tư Mỹ vẫn tỏ ra không mặn mà với thị trường Trung Quốc như trước
Bất chấp khả năng Mỹ và Trung Quốc sẽ ký một thỏa thuận thương mại tạm thời tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở Chile vào tháng 11, nhưng các nhà đầu tư dự đoán thỏa thuận sẽ chỉ quy định tạm thời hoãn một số loại thuế khác, trong khi các mức thuế quan hiện tại vẫn được duy trì.
Hơn nữa, chu kỳ tăng và giảm leo thang liên tục trong căng thẳng Mỹ-Trung suốt 18 tháng qua đã khiến nhiều công ty không quá sốt sắng trước các thông báo về diễn biến các cuộc đàm phán chiến tranh thương mại, theo các diễn giả tại một diễn đàn chuỗi cung ứng do công ty kiểm toán Qima tổ chức tại Hong Kong vào thứ Năm.
Trước bối cảnh ảm đạm của thị trường sản xuất đồ điện tử tại Trung Quốc, một số công ty đã tham gia vào "cuộc di cư" của các nhà sản xuất từ Trung Quốc vào khu vực Đông Nam Á.
SZ Telstar đã chuyển nhà máy của mình từ Thâm Quyến đến tỉnh Bắc Giang tại Việt Nam vào tháng 7 để tránh gánh nặng từ thuế Mỹ. Gian hàng của họ tại sự kiện Hong Kong đã trưng bày một loạt các máy chiếu bluetooth, có in nhãn hiệu "Made in Vietnam".
"Nhãn hiệu 'Made in Vietnam' yêu cầu 40% giá trị sản phẩm được sản xuất tại chỗ. Tuy nhiên, nguyên liệu thô có giá cao hơn 30 đến 60% tại Việt Nam so với Trung Quốc, do chuỗi cung ứng chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà sản xuất. Chúng tôi đang thử tất cả các cách thức có thể để mua thêm nguyên liệu từ Trung Quốc", ông Amy Chen từ SZ Telstar, cho biết.
Ông Chen nói thêm rằng cơ sở hạ tầng và hậu cần tại Việt Nam chưa thể theo kịp Trung Quốc, khi SZ Telstar vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhà cung cấp dịch vụ hậu cần 3 tháng sau khi di dời, đây cũng là một thách thức chung đối với các nhà sản xuất Trung Quốc chuyển khi chuyển dây chuyền sang Đông Nam Á.
iStar, một công ty khác có trụ sở tại Thâm Quyến, chuyên sản xuất bộ điều khiển game, cũng khốn khổ trước các mức thuế quan vì 40% thị phần của công ty này là ở Mỹ. Tuy nhiên, họ không có ý định di dời cơ sở sản xuất để tránh thuế quan.
"Những khách hàng lớn của chúng tôi ở Mỹ cho biết họ sẽ chuyển đơn đặt hàng sang các đối thủ Indonesia. Nếu chúng tôi muốn mở một nhà máy ở Indonesia, chúng tôi phải cử những người quản lý cấp cao đến đó, nhưng không ai muốn đi", ông Eva Leung - đại diện công ty, cho biết. "Chúng tôi vẫn có lựa chọn, nhưng thay vào đó, chúng tôi sẽ tập trung vào việc mở rộng thị trường nội địa của mình, vì thị trường Trung Quốc rất lớn".
Avanline, một nhà sản xuất thiết bị nội soi có trụ sở tại Thâm Quyến gia nhập vào thị trường Mỹ năm 2015, cho biết không bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thuế quan do giá thành sản phẩm vẫn ở mức cạnh tranh so với các công ty quốc tế.
"Đối với cùng một sản phẩm, giá của chúng tôi chỉ bằng một 1/10 với đối thủ cạnh tranh của Nhật Bản là Olympus. Khách hàng ở Mỹ vẫn chấp nhận trả thêm tiền thuế và không yêu cầu chúng tôi hạ giá. Thậm chí NASA vẫn mua sản phẩm của chúng tôi thông qua các đối tác", ông Josie Chen - đại diện của Avanline, nói.