Đặc biệt, tử vong trẻ em vẫn diễn ra cho dù 2 căn bệnh này phần lớn là có thể ngăn ngừa được bằng các biện pháp đơn giản, có hiệu quả cao với chi phí thấp như nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, tiêm chủng, chăm sóc y tế ban đầu có chất lượng và giảm ô nhiễm không khí tại hộ gia đình.
Những kết quả trên được nêu lên trong báo cáo mới của UNICEF được công bố mới đây tại Hội nghị về biến đổi khí hậu COP22, diễn ra tại Morocco. Báo cáo có tiêu đề “Một là quá nhiều: Chấm dứt tử vong ở trẻ em do viêm phổi và tiêu chảy.”
Viêm phổi là bệnh truyền nhiễm gây tử vong nhiều nhất cho trẻ dưới 5 tuổi, lấy đi tính mạng của gần một triệu trẻ em trong năm 2015 (nghĩa là cứ khoảng 35 giây lại có một em bị tử vong). Số trẻ tử vong do bệnh viêm phổi nhiều hơn con số tử vong do các bệnh sốt rét, lao, sởi và AIDS cộng lại. Khoảng một nửa số trẻ em bị tử vong do viêm phổi đều liên quan đến ô nhiễm không khí.
Báo cáo của UNICEF chỉ rõ: Gần 80% tử vong ở trẻ nhỏ xảy ra trong 2 năm đầu đời liên quan đến viêm phổi và 70% liên quan đến tiêu chảy. Các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình có tới 62% trẻ dưới 5 tuổi của Thế giới và có tới hơn 90% số lượng trẻ tử vong do viêm phổi và tiêu chảy toàn cầu.
Vì vậy, UNICEF kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới lưu tâm đến điều này trong các thảo luận về biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP22. Bà Fatoumata Ndiaye - Phó Giám đốc Điều hành UNCIEF nhấn mạnh: “Chúng ta thấy rõ là ô nhiễm không khí liên quan đến biến đổi khí hậu đang gây tổn hại đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ em vì nó gây ra các bệnh viêm phổi và các bệnh viêm đường hô hấp khác”.
Đại diện của UNCIEF chỉ rõ, 2 tỷ trẻ em đang sống ở các khu vực có không khí ngoài trời bị ô nhiễm vượt tiêu chuẩn quốc tế là điều đáng lo ngại. Bởi khu vực có không khí ngoài trời bị ô nhiễm có thể gây bệnh tật và tử vong cho nhiều người. Giống như viêm phổi, tiêu chảy ở trẻ em trong một chừng mực nào đó cũng liên quan đến đến lượng mưa ít gây ra bởi biến đổi khí hậu. Lượng nước sạch giảm làm cho trẻ em đứng trước nguy cơ cao hơn bị các bệnh tiêu chảy cũng như làm ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển về thể chất và nhận thức của trẻ.
Theo thống kê của UNICEF, gần 34 triệu trẻ em bị tử vong vì viêm phổi và tiêu chảy từ năm 2.000. UNICEF ước tính, nếu không có sự đầu tư nhiều hơn vào các biện pháp phòng ngừa và điều trị cơ bản, sẽ có thêm 24 triệu trẻ em nữa bị tử vong vì viêm phổi và tiêu chảy cho đến năm 2030.