Miền quê sơn thủy hữu tình
Chúng tôi đến xã Tuy Lai vào một ngày cuối thu và thật may mắn khi được lãnh đạo xã Tuy Lai dẫn đi tham quan nên đã mục sở thị được trọn vẹn một “Hạ Long thu nhỏ” của Hà Nội. Dù đã tìm hiểu kỹ danh thắng này qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, nhưng chúng tôi vẫn choáng ngợp khi chứng kiến vẻ đẹp hoang sơ của các dãy núi đá trùng điệp, cây cối xanh mát soi bóng dưới mặt hồ Tuy Lai rộng hàng trăm héc ta.
Trong tiết trời dịu mát với nắng vàng như rót mật, đã tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình. Đi dọc tuyến đường ven hồ Tuy Lai, chúng tôi bắt gặp những nhóm du khách mê mải với vẻ đẹp thuần khiết nơi đây, nhiều người không rời tay khỏi máy ảnh nhằm chớp lấy những khoảnh khắc đẹp...
Phó Chủ tịch UBND xã Tuy Lai Đinh Xuân Đàm chia sẻ: Quần thể hồ Tuy Lai gồm: Hồ, núi, hang động, thung lũng… và nhiều di tích lịch sử cấp thành phố (đình, đền, chùa) nằm trải dài qua các thôn: Bụa, Giáp Bốn, Đình Lê, Giữa Quýt, Đồng Mả. Nhờ được thiên nhiên ban tặng, hồ Tuy Lai đã trở thành một trong những danh thắng tuyệt đẹp của huyện Mỹ Đức, có tiềm năng du lịch rất lớn để khai thác, phát triển kinh tế - xã hội. Nằm trong quần thể hồ Tuy Lai còn có Khu kinh tế Ắng Bằng được hình thành từ chính sách di dân làm kinh tế mới của UBND tỉnh Hà Tây cũ (giai đoạn 1990-1991), hiện có gần 30 hộ gia đình sinh sống, làm ăn - nơi đây có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch trải nghiệm nông nghiệp, cắm trại...
Anh Nguyễn Văn Hiệu, người dân xã Tuy Lai cho biết: “Tiếng lành đồn xa, dù chưa được đầu tư xây dựng, hình thành khu du lịch chính thức, nhưng vài năm trở lại đây, vào dịp cuối tuần, hay lễ, Tết… nhiều đoàn khách gần, xa đã tìm đến hồ Tuy Lai để được tận hưởng không khí trong lành của danh thắng, khám phá vẻ đẹp kỳ vĩ của quần thể trong cả 4 mùa. Đặc biệt, hồ Tuy Lai là điểm check-in lý tưởng, không thể bỏ qua của bất cứ ai khi đến đây… Người dân chúng tôi rất tự hào khi địa phương có một danh thắng sơn thủy hữu tình”.
Là du khách đến hồ Tuy Lai, anh Nguyễn Văn Toàn, xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức) chia sẻ: “Dịp cuối tuần, vợ chồng tôi hay đưa con lên khu vực hồ Tuy Lai, nhất là nông trại Sáu Thân (giáp hồ) ngắm cảnh, hít thở không khí trong lành và cho các con trải nghiệm trồng, chăm sóc các loại rau màu. Mùa hồ cạn, dựng xe trên đường, rồi thả bộ ở bãi giữa hồ, ngắm các dãy núi đá rất đẹp”.
Còn chị Đỗ Thị Lan, ở quận Hà Đông bày tỏ: “Qua báo chí và mạng xã hội, tôi đã biết đến hồ Tuy Lai. Cảnh quan hồ rất đẹp, phù hợp để tham quan, ngắm cảnh, nhưng thật tiếc vì quanh hồ không có nhà nghỉ, nhà hàng ăn uống nên khi đến đây, tôi và các bạn phải mang theo đồ ăn sẵn. Nếu được đầu tư xây dựng bài bản thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tôi tin hồ Tuy Lai sẽ là điểm đến thu hút đông đảo du khách Thủ đô và các tỉnh, thành phố đến tham quan, nghỉ dưỡng”.
Còn nhiều khó khăn!
Theo UBND huyện Mỹ Đức, nhằm phát huy tiềm năng du lịch hồ Tuy Lai, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, toàn bộ khu vực hồ Tuy Lai và vùng phụ cận đã được UBND thành phố Hà Nội quy hoạch thành Khu nghỉ dưỡng Tuy Lai với quy mô khoảng 1.360ha (Quyết định số 4465/QĐ-UBND ngày 27-8-2014 về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000). Theo đó, Khu nghỉ dưỡng Tuy Lai sẽ gồm: Khu làng dưỡng sinh Tuy Lai quy mô khoảng 931ha; Khu nghỉ dưỡng Tuy Lai quy mô 429ha với các chức năng nghỉ dưỡng như an dưỡng đường, khu điều dưỡng, các khu vui chơi giải trí sinh thái (nghỉ ngơi, ngắm cảnh, bơi thuyền, câu cá), các khu vui chơi giải trí công cộng…
Nói về quy hoạch Khu nghỉ dưỡng Tuy Lai, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mỹ Đức Nguyễn Trung Kiên cho biết: Xác định du lịch là kinh tế mũi nhọn, những năm qua, huyện Mỹ Đức đã không ngừng phát triển, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế của từng địa phương. Tại xã Tuy Lai, căn cứ vào quy hoạch đã được phê duyệt, huyện đã tích cực phối hợp với các sở, ngành của thành phố kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện Dự án Khu nghỉ dưỡng Tuy Lai. Huyện ủy Mỹ Đức đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/HU ngày 8-3-2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện giai đoạn 2021-2025. Theo đó, huyện tập trung phát triển các khu du lịch theo quy hoạch đã được phê duyệt, trong đó có Khu nghỉ dưỡng Tuy Lai.
“Hạ tầng giao thông xã Tuy Lai và huyện Mỹ Đức còn hạn chế là những trở ngại khiến việc thu hút nhà đầu tư vào Khu du lịch nghỉ dưỡng Tuy Lai gặp khó” - ông Nguyễn Trung Kiên trăn trở.
Còn theo Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Mỹ Đức Nguyễn Hữu Hà, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn huyện và xã Tuy Lai, những năm qua, Mỹ Đức đã đề nghị thành phố cho phép triển khai Dự án xây dựng tuyến đường ngang đê Đáy (đoạn từ cầu Mỹ Hòa đến đường tỉnh lộ 419); Dự án đường trục phát triển kinh tế Miếu Môn - Hương Sơn để tăng cường kết nối. Song đến nay, mới chỉ có Dự án xây dựng tuyến đường ngang đê Đáy được triển khai; dự án còn lại mới vẫn đang trong giai đoạn lựa chọn hình thức đầu tư...
Tại buổi làm việc với huyện Mỹ Đức về công tác quy hoạch và quản lý đầu tư phát triển đô thị trên địa bàn huyện vào chiều 20-10 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh: Huyện cần tận dụng cảnh quan tự nhiên hành lang xanh với đặc trưng núi, sông, hồ,… phát triển dịch vụ, du lịch và phải coi đây là giá trị cốt lõi để huyện phát triển trong tương lai gần, sớm đưa Mỹ Đức thành huyện phát triển phía Nam của Thủ đô.
Vẻ đẹp của hồ Tuy Lai đã được khẳng định. Đặc biệt, nếu có sự đầu tư xứng tầm, tiềm năng du lịch nơi đây sẽ sớm được đánh thức, góp thêm cơ hội xây dựng Mỹ Đức trở thành điểm đến “An toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”.