Tờ báo nói rằng các quan chức Mỹ và Bộ Ngoại giao nước này đã từ chối bình luận về quyết định hiện đang chờ được xử lý. Tuy nhiên, Washington Post lưu ý rằng Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây đã yêu cầu nhận phản hồi về quyết định được đề xuất từ các cơ quan như Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ.
Danh sách này dành riêng cho các nhà chức trách bị cáo buộc liên tục "hỗ trợ cho hành vi khủng bố quốc tế" và bao gồm các nước như Iran, Triều Tiên, Sudan và Syria.
Washington từ lâu đã phản đối chính sách của chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro và áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt chống lại Caracas.
Vào ngày 1/11, Tổng thống Trump thông báo với các nhà lập pháp Mỹ rằng ông đã ký một lệnh điều hành để áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với ngành xuất khẩu vàng của Venezuela. Ông Trump nói rằng biện pháp này nhằm đáp lại những hành vi tham nhũng của chính quyền ông Maduro.
Trong nhiều năm, Venezuela đã trải qua tình trạng khủng hoảng chính trị và kinh tế, điều này đã trở nên tồi tệ hơn bởi sự suy giảm giá dầu và các biện pháp trừng phạt do Mỹ áp đặt.
Hàng triệu người Venezuela đã phải di cư ra nước ngoài, chủ yếu ở các nước láng giềng Mỹ Latinh. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, tổng cộng có 3 triệu người đã rời Venezuela, với khoảng 2,4 triệu người sống ở Mỹ Latinh và Caribe, ngoài ra có khoảng 1 triệu người ở Colombia.
Tình hình này càng trầm trọng hơn do tình trạng thiếu lương thực và suy dinh dưỡng ở trẻ em, với khoảng 80% hộ gia đình Venezuela đối diện cảnh thiếu ăn trầm trọng.