Venice đối mặt với hiểm họa thủy triều dâng, đâu chỉ do biến đổi khí hậu

Năm 2014, 35 chính trị gia, doanh nhân và công chức Italy đã bị bắt vì tội tham nhũng và hối lộ trong dự án cứu Venice. Dự án này lẽ ra phải hoàn thành từ năm 2011, nhưng do các vấn đề về thiết kế và kỹ thuật, nó sẽ không thể được hoạt động cho đến ít nhất là năm 2022.
Thành Venice đang đứng trước những thách thức sinh tồn Ảnh: AFP
Thành Venice đang đứng trước những thách thức sinh tồn Ảnh: AFP

Vào tối 12/11, khi nước lụt đang dâng cao kỷ lục trong 50 năm ở Venice (Italy), các thành viên hội đồng khu vực Veneto đã tập trung tại phòng họp của họ bên trên Kênh Lớn, và thật không ngờ, họ bỏ phiếu từ chối các biện pháp chống biến đổi khí hậu. Chỉ trong vòng hai phút, nước bắt đầu tràn vào, dìm ngập nhiều căn phòng trong hàng chục centimet nước.

Một sự trùng hợp chăng? Có lẽ vậy. Nhưng sự việc gần như khiến người ta liên tưởng rằng có một vị thần đang cười nhạo với việc con người có thể ngu ngốc như thế nào khi đối mặt với khủng hoảng khí hậu.

Tuy nhiên những gì đã xảy ra ở Venice trong tuần trước không phải là trò đùa. Những đợt gió lớn từ Biển Adriatic đã đẩy lượng nước lên 2 mét vào thành phố, gây ra trận lụt tồi tệ nhất mà Venice từng chứng kiến trong hơn nửa thế kỷ qua.

Venice đối mặt với hiểm họa thủy triều dâng, đâu chỉ do biến đổi khí hậu ảnh 1

Một cư dân kéo xe hàng qua Quảng trường St. Mark ngập nước trong trận lụt kỷ lục ngày 12/11. Ảnh: AFP

Khách du lịch tranh thủ chụp ảnh “tự sướng” tại Nhà thờ Thánh Mark trong cảnh nước ngập tới thắt lưng! Một người đàn ông đã bơi qua Quảng trường Thánh Mark – có thể là người đầu tiên, nhưng chắc chắn không phải người cuối cùng làm điều đó. 85% diện tích thành phố bị ngập và ít nhất 2 người đã thiệt mạng. Nước lụt cũng đã gây thiệt hại khôn lường cho nền móng và tính toàn vẹn về cấu trúc của các tòa nhà biểu tượng tại thành phố 1.000 năm tuổi, trong đó có Nhà thờ Thánh Mark.

“Đây là những tác động của biến đổi khí hậu”, Thị trưởng Venice, Luigi Burganaro nói khi ông lội qua thành phố ngập lụt của mình.

Nhưng bi kịch của Venice không chỉ nằm ở biến đổi khí hậu và sức mạnh của những vùng biển đang dâng nước. Nó còn nằm ở những xử lý kỹ thuật kém, cộng với lòng tham và sự bất tài, tất cả có thể khiến cho cuộc khủng hoảng khí hậu mà chúng ta đang phải đối mặt trở nên tồi tệ hơn nhiều.

Người Venice, tất nhiên, đã phải đối phó với lũ lụt trong nhiều thế kỷ qua. Thành phố, vốn nằm trong một vùng đầm phá nước nông ở rìa của Biển Adriatic, được bảo vệ trước bão táp bởi những hòn đảo có đầm lầy che chắn xung quanh. 

Venice đối mặt với hiểm họa thủy triều dâng, đâu chỉ do biến đổi khí hậu ảnh 2

Du khách chụp ảnh selfie trên Quảng trường St. Mark mênh mông nước.

Từ thế kỷ 12, người Venice đã biết điều tiết các dòng thủy triều vào và ra khỏi đầm phá bằng cách chặn các dòng sông và xây dựng các đảo chắn để bảo vệ thành phố. Khi xây các tòa nhà mới, họ thường xây dựng chúng ngay các trụ cột và nền móng của các tòa nhà cũ, có tác dụng tôn cao dần thành phố.

Nhưng mọi thứ bắt đầu thay đổi vào những năm 1960, với việc nạo vét và đào sâu thêm kênh Canale dei Petroli để cho phép tàu chở dầu đến Porto Marghera, một cảng nước sâu gần Venice. Các kênh vận chuyển này đã thay đổi động lực thủy triều của đầm phá, cho phép các cơn bão từ Biển Adriatic xâm nhập sâu hơn và nhanh hơn vào thành phố. Chúng cũng đẩy nhanh tình trạng xói mòn đầm phá, qua đó mở rộng cửa dẫn ra biển và làm tăng nguy cơ triều dâng. 

Trong những năm gần đây, các kênh này còn được đào sâu và mở rộng hơn nữa để phù hợp với các tàu du lịch.

Venice đối mặt với hiểm họa thủy triều dâng, đâu chỉ do biến đổi khí hậu ảnh 3

Người đi bộ lội bì bõm qua Quảng trường Thánh Mark ngập nước sau đợt thủy triều cao kỷ lục. Ảnh: AFP

Và giống như nhiều thành phố ven biển khác, việc bơm nước ngầm để khai thác nước uống và sử dụng trong công nghiệp đã khiến Venice càng chìm thêm trong những thập niên gần đây.

Chuyên gia về phục hồi và bảo tồn Venice Pierpaolo Campostrini cho biết, việc bơm nước ngầm hiện đã dừng lại. Venice không gặp khó khăn gì khi đối phó với những vùng biển đang dâng nước. Họ chỉ chỉ tiếp tục xây dựng thành phố cao hơn. “Cung điện mà chúng ta đang ngồi ngày nay được xây dựng vào thế kỷ 15, nhưng có một cung điện thế kỷ 13 bên dưới này. Và bên dưới đó, ai biết?”, ông Campostrini nói.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Campostrini, Venice không lo lắng về việc bảo tồn các tòa nhà cũ, họ chỉ xây dựng những cái mới trên đầu những cái cũ. Và thành phố tiếp tục cao lên. Đó là một hạn chế về văn hóa. "Chúng tôi không muốn mất kiến trúc Phục hưng đẹp đẽ ở đây. Đập bỏ chúng xuống và xây dựng cái mới lên trên không phải là một lựa chọn. Chúng ta phải tìm cách khác để cứu Venice”.

Venice đối mặt với hiểm họa thủy triều dâng, đâu chỉ do biến đổi khí hậu ảnh 4

Nỗ lực dọn dẹp sau khi nước rút tại quán cafe lịch sử Florian ở Quảng trường Thánh Mark. Ảnh: AFP

Năm 2003, một tập đoàn gồm các công ty kỹ thuật và xây dựng đã được thành lập để xây một loạt các rào chắn ở lối vào đầm phá nhằm bảo vệ thành phố. MOSE (module thí nghiệm điện cơ) là một loạt các rào chắn được thiết kế kỹ lưỡng nằm dưới đáy đầm. Khi một cơn bão ập đến, các rào chắn sẽ phồng lên bởi không khí và trồi lên, tạo ra một bức tường tạm thời để bảo vệ thành phố.

MOSE được trông đợi sẽ là một công nghệ tuyệt vời, một dự án kỹ thuật đầy tham vọng, thể hiện khả năng của các kỹ sư và chính trị gia có tư duy tiến bộ nhằm cứu một trong những viên ngọc của nền văn minh nhân loại. Trong một cuộc hội thảo ở Venice vài năm trước, Pier Vellinga, một nhà khí hậu học tại Đại học Wageningen ở Hà Lan, đã ví MOSE là một “chiếc Ferrari dưới đáy biển”.

Nhưng trên thực tế, MOSE là một dự án thất bại. Những lớp vỏ rào chắn dưới nước bị ăn mòn, và bị vẹm xâm nhập trong bản lề. Trong các thử nghiệm, các vách ngăn không trồi lên mặt nước như thiết kế. Hình ảnh chụp dưới nước cũng cho thấy các cửa chắn lũ cũng bị ăn mòn.

Dự án cũng đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng tham nhũng và đội chi phí. Năm 2014, 35 chính trị gia, doanh nhân và công chức Italy đã bị bắt vì nhiều tội liên quan đến tham nhũng và hối lộ, bao gồm cả cựu chủ tịch vùng Giancarlo Galan. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi chi phí của hệ thống rào chắn tăng vọt từ 1,7 tỷ USD lên hơn 6 tỷ USD. Hệ thống này được lên kế hoạch hoàn thành vào năm 2011. Nhưng hiện tại, do các vấn đề về thiết kế và kỹ thuật, nó sẽ không thể được hoạt động cho đến ít nhất là năm 2022.

Venice đối mặt với hiểm họa thủy triều dâng, đâu chỉ do biến đổi khí hậu ảnh 5

Quảng trường Thánh Mark ngập nước trông thật xa lạ vào ban đêm. Ảnh: AFP

Tuy vậy, vấn đề lớn nhất với MOSE là các rào chắn đã được lên kế hoạch cho một thế giới không còn tồn tại. Ngay cả khi mực nước biển tăng, các khóa sẽ phải được đóng lại ngày một thường xuyên hơn. Và đó là một vấn đề, bởi vì vùng đầm phá nước của Venice cần lưu thông liên tục với biển, nếu không, nó bị biến thành cống (hầu hết các hệ thống tự hoại ở Venice đổ ngay vào đầm). Tồi tệ hơn, rào chắn chỉ được thiết kế để bảo vệ thành phố khỏi mực nước biển dâng cao khoảng hai feet (hơn 60cm), điều mà một số nhà khoa học tin rằng có thể xảy ra ngay đầu năm 2050. Sau đó, "chiếc Ferrari" trị giá 6 tỷ USD dưới đáy biển sẽ trờ thành vô dụng. Đó là trong trường hợp nó đã từng hoạt động.

Tương lai của Venice quá nhiều bất ổn. Sau tuần lũ lụt kỷ lục vừa qua, nhiều khả năng sẽ có những nỗ lực mới nhằm thiết kế các bản sửa lỗi tạm thời, chẳng hạn như các rào chắn kín nước để giữ nước không dâng lên bên dưới một số lớp kiến trúc đá quý của thành phố. Có kế hoạch nâng cao Quảng trường San Marco vài chục centimet.

Nhưng về lâu dài, cách duy nhất để cứu Venice có thể là ngăn thành phố vĩnh viễn tách khỏi đầm phá. Điều đó sẽ biến thành phố thành một công viên giải trí giống như Disneyland, hoàn toàn tách biệt với thiên nhiên. Đó là một số phận buồn cho một nơi vinh quang và lịch sử như Venice.

Theo TTXVN
TIN LIÊN QUAN
BTC chương trình với nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm mang đến những kỷ niệm đẹp cho các bạn học sinh Ảnh: BTC.
Điểm nhấn thú vị trong ngày hội tư vấn tuyển sinh Diễn Châu 3 Open Day
(Ngày Nay) - Tiếp nối 14 mùa tổ chức thành công rực rỡ, Diễn Châu 3 Open Day 2025 đã chính thức khởi động trở lại với chủ đề “Dream Catcher”. Với tinh thần nhiệt huyết cùng những giá trị thiết thực, chương trình nhận được sự hưởng ứng và quan tâm đông đảo từ phía học sinh cũng như các bậc phụ huynh.
Google đối diện rắc rối pháp lý mới
Google đối diện rắc rối pháp lý mới
(Ngày Nay) -  Ngày 6/1, Google cho biết công ty con này của Alphabet đang phải đối mặt với khiếu nại thứ hai từ tổ chức đại diện quyền lợi cho người lao động Mỹ.
Thắp lên nhiệt huyết của giáo viên mầm non nhờ chính sách
Thắp lên nhiệt huyết của giáo viên mầm non nhờ chính sách
(Ngày Nay) - Trong bối cảnh hiện nay, việc thu hút và giữ chân giáo viên mầm non là một thách thức lớn đối với nhiều địa phương. Tại tỉnh Tây Ninh, tình trạng thiếu giáo viên mầm non đang trở thành một vấn đề nan giải, mặc dù ngành Giáo dục đã nỗ lực tuyển dụng.