Dự án hơn 20 năm của cán bộ ngành dầu khí
Theo hồ sơ, tháng 3/2010, bà T.N.T.N. (ngụ phường 15, quận Bình Thạnh) ký hợp đồng góp vốn đầu tư triển khai dự án Khu nhà ở tại phường Long Phước. Hợp đồng được ký kết với 3 bên, gồm: Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Song Đạt – bên A (viết tắt: Công ty Song Đạt), Ban đại diện cho các thành viên tham gia dự án - bên B (viết tắt: Ban đại diện), thành viên góp vốn tham gia triển khai dự án – bên C.
Theo đó, bên A do bà Trần Thị Quy (sinh năm 1946) – Giám đốc công ty Song Đạt là chủ đầu tư dự án, trực tiếp ký hợp đồng với bên B do ông Hoàng Bá Cường – Ban đại diện cùng bên C là từng thành viên góp vốn.
Các bên thống nhất việc ký kết hợp đồng góp vốn đầu tư là nhằm mục đích triển khai dự án khu nhà ở đô thị nằm trên khu đất rộng 180.258,3 m2. Trong đó, phần đầu tư của bên B và C khoảng 120.000 m2. Dự án có vị trí phía tay trái theo hướng UBND phường Long Phước tới cầu Ong Hòa, cách cầu Ong Hòa khoảng 80 m (thuộc phường Long Phước, TP.Thủ Đức).
Việc phát triển dự án bao gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Bao gồm việc đầu tư lập quỹ đất, lập dự án, xúc tiến các thủ tục pháp lý, xin phê duyệt dự án, san lấp mặt bằng, làm kè xi-măng chống sạt lở dọc theo sông rạch bao quanh khu đất của dự án, hệ thống điện và hệ thống đường giao thông nội bộ. Giai đoạn 2: Đầu tư xây dựng nhà biệt thự.
Bên ngoài dự án Khu nhà ở tại phường Long Phước được khóa trái cửa. |
Bà N. đã góp vốn 59,34 lượng vàng SJC để đầu tư vốn ứng với nền nhà biệt thự mã lô H18, hơn 210 triệu đồng chi phí nhựa hóa đường nội bộ và hệ thống thoát nước mưa nước bẩn.
Đình chỉ điều tra - cam kết giải những vấn đề còn lại của dự án
Trong quá trình triển khai dự án, tháng 3/2013, bà Trần Thị Quy bị cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bắt tạm giam để xử lý về hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tháng 9/2014, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố bà Trần Thị Quy với 2 tội danh “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “trốn thuế”.
Theo cáo trạng, bà Trần Thị Quy quen biết với ông Lê Văn Cự - nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty dầu khí Việt Nam (chết năm 2012) nên ký hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng Khu làng biệt thự vườn dầu khí cho cán bộ công tác trong ngành dầu khí.
Thực hiện hợp đồng này, từ năm 2002 đến tháng 2/2013, bà Quy với chức danh giám đốc công ty Song Đạt đã huy động vàng và tiền của 224 thành viên. Các thành viên góp vốn chủ yếu là cán bộ ngành dầu khí và đã góp vốn đầu tư dự án với tổng trị giá gần 109 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định, bà Quy đã dùng tiền huy động được để góp vốn đầu tư thêm các hạng mục nhà chung cư, dưỡng lão… nên chuyển dự án Khu làng biệt thự vườn dầu khí cho cán bộ ngành dầu khí thành Khu nhà ở tại phường Long Phước. Do đó, quỹ đất của các thành viên góp vốn bị thu hẹp một nửa.
Bên trong dự án Khu nhà ở của cán bộ ngành dầu khí tại phường Long Phước. |
Bà Quy còn bán 8 nền biệt thự của các nhà đầu tư để chiếm đoạt khoảng 11 tỷ đồng và sử dụng số tiền huy động vào mục đích cá nhân.
Cơ quan điều tra cũng đã làm rõ hành vi của bà Trần Thị Quy liên quan đến việc không ghi chép sổ sách kế toán các khoản thu để xác định số tiền thuế phải nộp, không xuất hoá đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ. Bà Quy đã không nộp tiền thuế cho nhà nước và có hành vi “trốn thuế” với tổng số tiền gần 5,7 tỷ đồng.
Ngày 7/6/2017, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bà Trần Thị Quy về hành vi nêu trên. Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong nhiều ngày. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử có quyết định hoãn phiên tòa để trả hồ sơ cho cơ quan điều tra bổ sung.
Giai đoạn điều tra bổ sung, cơ quan An ninh điều tra đã ban hành quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can. Cụ thể, quyết định số 01/ANĐT-P6 của cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, sau khi tiến hành điều tra, mặc dù bà Trần Thị Quy đã có hành vi nhận vàng của các nhà đầu tư góp vốn tham gia dự án Khu nhà ở tại quận 9 (TP.HCM) nhưng không thực hiện đúng thỏa thuận về diện tích và số nền nhà, nhưng đã cam kết trả lại vàng cho người góp vốn, giải quyết dứt điểm những vấn đề còn lại của dự án.
Vì vậy cơ quan An ninh điều tra quyết định đình chỉ điều tra vụ án. Cùng với quyết định đình chỉ vụ án, cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ban hành quyết định số 02/ANĐT-P6 về việc đình chỉ điều tra đối với bà Quy.
Mập mờ khó hiểu từ dự án bất động sản mang dấu ấn “dầu khí”
Tuy nhiên, từ đó đến nay, dự án nói trên vẫn chưa được tiếp tục triển khai trong khi thành viên góp vốn đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ như đã cam kết. Ngoài trường hợp của bà N., hàng trăm trường hợp khác cũng tương tự. Nhiều thành viên tìm đến công ty Song Đạt để rút vàng và tiền đã góp vốn vào dự án theo như cam kết trả lại vàng cho người góp vốn theo quyết định đình chỉ vụ án nhưng bất thành.
Trụ sở Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Song Đạt. |
Công ty Song Đạt theo giấy phép đăng ký kinh doanh đăng ký thay đổi lần thứ 1 vào ngày 29/6/2021 có địa chỉ tại 45A Thiên Hộ Dương, phường 1 (quận Gò Vấp, TP.HCM). Người đại diện theo pháp luật là ông Trần Phước Tâm và không còn là bà Trần Thị Quy.
Ngày 12/10, chúng tôi đã tìm đến công ty Song Đạt nhưng bên ngoài là cổng sắt đóng chặt bằng 2 ổ khóa, bên trong im lìm. Cùng ngày, tìm về dự án Khu nhà ở tại phường Phước Long (TP.Thủ Đức, TP.HCM), con đường dẫn vào dự án được che chắn bởi cổng sắt khuất tầm mắt nhìn vào bên trong.
Quan sát của chúng tôi, từ bên ngoài vào, dự án cơ bản hoàn tất một số công trình công cộng. Tuyệt nhiên, chưa có các công trình nhà ở và bên trong không một bóng người. Hàng chục thành viên góp vốn đã nộp đơn lên Tòa án nhân dân TP.Thủ Đức để đòi hỏi quyền lợi chính đáng sau hơn 10 năm công ty Song Đạt chưa thể thực hiện.
Ngày 13/10, chúng tôi tiếp tục liên lạc với ông Hoàng Bá Cường – nguyên Giám đốc PVEP POC để làm rõ một số thông tin khi đại diện cho các thành viên là cán bộ, nhân viên ngành dầu khí tham gia góp vốn. Tuy nhiên, ông Cường từ chối trả lời các câu hỏi có liên quan.