"Yo, Mona Lisa, could I get a date on Friday?" (Này, Mona Lisa, ta có thể hẹn hò vào thứ Sáu được không?) là lyrics mở đầu bài hát "Nappy Heads" của nhóm nhạc hiphop Fugees (Hoa Kỳ), phát hành năm 1994.
Khoảng nửa thế kỷ trước, nhạc sĩ, ca sĩ dòng Jazz Nat King Cole cũng đã hát về nàng Mona Lisa, kể về nụ cười bí ẩn trong ca khúc cùng tên. "Mona Lisa" của Nat King Cole sau đó đã giành được giải Oscar cho Bài hát gốc hay nhất năm 1950.
Tua nhanh đến năm 2018, cặp đôi quyền lực Beyoncé và Jay-Z đã đầu tư quay video âm nhạc "Apeshit" ở Bảo tàng Louvre, với phân cảnh nổi bật khi cả hai đứng trước bức chân dung nổi tiếng nàng Mona Lisa của Leonardo da Vinci.
Cảnh Beyonce và Jay Z đứng bên bức họa Mona Lisa trong MV ca nhạc APESHIT. |
Từ thời kỳ Phục hưng của Ý đến nền âm nhạc đương đại, bức chân dung của Leonardo về một người phụ nữ Florence đứng trước khung cảnh núi non đã in sâu vào tâm khảm của đông đảo công chúng. Vậy, Mona Lisa có gì đặc biệt và lý do nào khiến chúng ta lại quan tâm đến người phụ nữ ấy như vậy?
Có lẽ bởi danh tính người phụ nữ nguyên gốc của "Mona Lisa" vẫn còn nhiều bí ẩn.
Leonardo da Vinci, "Ginevra de ’Benci" (khoảng 1474–78), sơn dầu, 15 x 14,5 inch. |
Leonardo bắt đầu vẽ bức chân dung mang tính biểu tượng này vào khoảng năm 1503, khi ông sống ở Florence. Theo cuốn "The Lives of the Most Excellent Painters, Sculptors, and Architects" (tạm dịch: Cuộc đời của những họa sĩ, nhà điêu khắc và kiến trúc sư xuất sắc nhất) của họa sĩ, nhà sử học nghệ thuật thế kỷ 16 Giorgio Vasari, nguyên mẫu của bức họa chính là bà Lisa Gherardini, vợ của thương gia lụa Florentine Francesco del Giocondo. Tuy nhiên, Leonardo đã không tặng bức tranh cho Gherardini và thay vào đó, ông đã mang nó theo khi rời Ý để tới làm việc cho Vua Francis I của Pháp.
Thực tế, trên bức tranh không tiết lộ danh tính của người phụ nữ, Leonardo cũng không để lại bất kỳ manh mối trực quan nào — như ông đã làm đối với một vài bức chân dung phụ nữ khác của mình. Ví dụ như đối với bức "The Lady With an Ermine" (Quý bà và con chồn), tiếng Hy Lạp cổ đại cho động vật giống chồn là gallé - nghe giống như họ của Cecilia Gallerani. Tương tự, trong bức "Ginevra de ’Benci", người phụ nữ như đeo một chiếc vương miện bằng cây bách xù, là ginepro trong tiếng Ý - một cách chơi chữ từ tên của Ginevra.
Một số giả thuyết cho rằng Leonardo chưa bao giờ hoàn thành bức chân dung Lisa Gherardini của mình. Thay vào đó, Mona Lisa là bức chân dung của nhà bảo trợ nghệ thuật Isabella d’Este (Isabella Gualanda), em họ của Gallerani.
"The Lady With an Ermine" (1489–91). |
Leonardo yêu thích thử nghiệm và đổi mới, và "Mona Lisa" cũng không phải là ngoại lệ.
Bức chân dung sử dụng kỹ thuật sfumato đặc trưng của Leonardo, một dạng kỹ thuật tạo ra sự bóng mịn, chuyển đổi mềm mại giữa màu sắc và tông màu, giúp loại bỏ các đường nét và đường viền thô cứng, làm cho làn da của chủ thể trở nên sáng bừng.
Trong khi vẽ nàng Mona Lisa, Leonardo đã nghiên cứu giải phẫu bằng cách mổ xẻ các xác chết trong nhà xác của bệnh viện Santa Maria Nuova, nơi giúp ông tạo ra bức vẽ giải phẫu đầu tiên, tái hiện lại cơ mặt và nụ cười một cách hoàn hảo, thậm chí "mang một dáng vẻ thần thánh hơn con người,” như nhà phê bình Vasari đã viết.
Bức tranh đã bị đánh cắp.
Năm 1913, "Mona Lisa" được trưng bày trong Phòng trưng bày Uffizi ở Florence. Ảnh: Wikimedia Commons |
Bất chấp những lời khen ngợi của Vasari, các nhà phê bình nghệ thuật không cho rằng bức tranh là một kiệt tác thời Phục hưng, mãi cho đến những năm 1860. Bảo tàng Louvre đã mua lại bức tranh vào năm 1804, nhưng bức họa không thu hút nhiều du khách cho đến năm 1911.
Năm đó, Vincenzo Peruggia, một thợ mộc người Ý đang làm việc tại Louvre, đã quyết định đánh cắp bức họa bằng cách nhét nó vào trong áo khoác và bước ra khỏi bảo tàng vào một ngày tháng Tám. Vụ việc đã thúc đẩy một cuộc họp của Nội các Pháp và khiến giám đốc hội họa của Louvre từ chức.
Nhờ sự xôn xao trên nhiều phương tiện truyền thông sau đó, rất nhiều người đến bảo tàng chỉ để tham quan nơi bức họa từng được treo tại Louvre. Bưu thiếp được in, búp bê Mona Lisa được làm và bán trên thị trường, thậm chí một thương hiệu áo lót được đặt theo tên của Mona Lisa. Khi bức họa được quay trở về Lourve hai năm sau đó, hơn 100.000 người đã đến chiêm ngưỡng "Mona Lisa" chỉ trong hai ngày đầu tiên.
Mona Lisa đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận.
Fernando Botero, "Mona Lisa" (1978), sơn dầu, 72 x 65 3/8 inch. |
Đến năm 1914, Mona Lisa đã trở nên rất dễ nhận biết, khiến bức họa càng dễ bị nhắm đến hơn. Một năm sau khi bức chân dung quay trở lại bảo tàng Louvre, họa sĩ - nhà lý luận nghệ thuật người Nga và Ba Lan Kazimir Malevich đã tạo ra một bức ảnh ghép đa phương tiện có tựa đề "Composition With the Mona Lisa" (Sáng tác cùng Mona Lisa).
"Composition With the Mona Lisa",1914. |
Họa sĩ, nhà điêu khắc người Pháp Marcel Duchamp cũng đã tạo ra tác phẩm "L.H.O.O.Q." (1919) với một tấm bưu thiếp Mona Lisa có sẵn, trên đó ông vẽ nguệch ngoạc bộ ria mép, râu dê và các chữ cái (nếu đọc to bằng tiếng Pháp sẽ có âm thanh như "Elle a chaud au cul".
Các nghệ sĩ kinh điển khác đã làm những điều tương tự. Họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà làm phim người Pháp Fernand Léger vẽ "La Joconde aux Clés" (1930), nhiếp ảnh gia chân dung người Mỹ Philippe Halsman cho ra đời "Dalí as a Mona Lisa" (1954), nghệ sĩ tượng hình và nhà điêu khắc người Colombia Fernando Botero vẽ một bức "Mona Lisa" trông khá đầy đặn vào năm 1959, và được ông vẽ lại vào năm 1978.
Marcel Duchamp và tác phẩm "L.H.O.O.Q.". |
Fernand Léger, "La Joconde aux Clés" (1930). |
Bên phải: Philippe Halsman, "Dalí as a Mona Lisa" (1954). |
Fernando Botero, "Mona Lisa", 1959. |
Tác phẩm của Andy Warhol, được đăng làm nhiều kỳ. |
Bức chân dung của Leonardo da Vinci cũng đã trở thành chủ đề của loạt tác phẩm của Andy Warhol - họa sĩ người Mỹ gốc Rusyn nổi tiếng về nghệ thuật đại chúng, vào năm 1963.
Với sự bùng nổ kinh tế của những năm 1960 dẫn đến lợi ích cho quảng cáo (đặc biệt là ở Hoa Kỳ), Mona Lisa bắt đầu xuất hiện thường xuyên trong các chiến dịch tiếp thị. Trong suốt những năm 1970, hình ảnh Mona Lisa đã xuất hiện trong khoảng 23 quảng cáo mới mỗi năm và con số đó đã tăng lên 53 mỗi năm trong thập kỷ tiếp theo. "Mona Lisa" đã mang lại cho các sản phẩm dấu ấn về tầm quan trọng lịch sử-nghệ thuật đồng thời cũng thúc đẩy sự nổi tiếng của chính người phụ nữ này.
"Mona Lisa" đã "trở thành" một địa danh du lịch của Paris.
Abbie Rowe, Đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy tham dự buổi khai mạc triển lãm Mona Lisa tại Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, Washington, D.C., 1963. Ảnh: Nhà Trắng, Thư viện và Bảo tàng Tổng thống John F. Kennedy, Boston. |
Sự bùng nổ các chiến dịch quảng cáo tăng cao những năm 1960 cũng đã khởi động cho du lịch đại chúng, với việc Paris trở thành một điểm đến quốc tế hàng đầu. Nàng Mona Lisa chỉ rời khỏi đất Pháp một số ít lần kể từ khi Leonardo đưa nàng đến đây vào đầu thế kỷ 16.
Vào những tháng đầu năm 1963, bức tranh bắt đầu chuyến "công du" Hoa Kỳ ngắn ngủi trong nhiệm kỳ tổng thống của John F. Kennedy, 1.751.521 lượt khách đã đến Phòng trưng bày Quốc gia ở Washington, DC và Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York để chiêm ngưỡng bức tranh. Được đối xử như một người nổi tiếng, "Mona Lisa" được gia đình Kennedys chào đón và dùng bữa tối chính thức (trong đó món tráng miệng là Poires Mona Lisa, lê hấp phủ sốt sô cô la và nướng thành bánh ngọt).
Một chuyến tham quan tương tự đã được lặp lại một thập kỷ sau đó khi Mona Lisa đến Nhật Bản; sự chú ý của giới truyền thông quốc tế sau đó đã củng cố địa vị của nàng như một biểu tượng.
Do sự mỏng manh của mình, "Mona Lisa" khó có thể rời khỏi bảo tàng Louvre một lần nữa, và những du khách hành hương sẽ tìm thấy nàng trong căn phòng lớn nhất của bảo tàng Lourve — Salle des États, một căn phòng từng được Napoléon III sử dụng cho các phiên lập pháp.
Theo ART News, một báo cáo của Bộ Văn hóa Pháp từ năm 2018 đã tiết lộ rằng dù sở hữu một bộ sưu tập nghệ thuật khổng lồ, nhưng chín trong số mười du khách khẳng định họ đến Lourve để chiêm ngưỡng "Mona Lisa".