Như Ngày Nay đã thông tin, năm 2018, bà V. ở xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ, (tỉnh Quảng) có thỏa thuận với ông Nguyễn Tấn Khải (SN 1955, tại xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) làm thủ tục đầu tư định cư tại Mỹ theo Chương trình EB-5 với số tiền là 600.000 USD. Ông Khải là Giám đốc Công ty TNHH Đức Quang Khải.
Nhận đủ tiền từ bà V., nhưng dù bà V. nhiều lần nhắn tin, gọi điện hỏi ông Khải về thực trạng hồ sơ của mình như thế nào, thì ông Khải lờ đi, thậm chí còn thách bà V. thưa kiện. Trong quá trình điều tra, phóng viên thu thập được nhiều thông tin, chứng cứ thể hiện nhiều dấu hiệu sai phạm của ông Khải.
Đâu là quy trình đúng khi làm hồ sơ Chương trình EB-5?
Nhưng trước hết, nhằm giúp người dân tránh bị lừa, phóng viên Tạp chí Ngày Nay đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Quang Vinh - Giám đốc Công ty Khai phú Investment and Migration, một công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực môi giới, tư vấn, hỗ trợ người làm hồ sơ Chương trình EB-5.
- Phóng viên: Pháp luật quy định, cá nhân không được phép làm hồ sơ Chương trình EB-5 cho người khác, chỉ có doanh nghiệp mới được phép làm việc này. Vậy, doanh nghiệp muốn được phép làm việc này thì phải đăng ký để được cấp phép hoạt động như thế nào (bao gồm thủ tục với bên Mỹ, nếu có) thưa ông?
Ông Đặng Quang Vinh: Có 2 cách một nhà đầu tư Việt Nam có thể thực hiện Chương trình EB-5.
Một là tự thành lập doanh nghiệp tại Mỹ, tự vận hành doanh nghiệp. Đây là hình thức đầu tư EB-5 trực tiếp, tuy nhiên rất ít người thực hiện theo cách này.
Cách thứ hai là đầu tư EB-5 gián tiếp thông qua các Trung tâm Vùng (Regional Center). Chỉ có các Trung tâm Vùng được Sở di trú và Quốc tịch Hoa Kỳ (USCIS) cấp phép thì mới được kêu gọi vốn cho Chương trình EB-5. Danh sách trung tâm vùng có trên trang web của USCIS.
Cá nhân không được phép làm việc này. Doanh nghiệp tại Việt Nam cũng không được phép làm việc này.
ông Đặng Quang Vinh - Giám đốc Công ty Khai phú Investment and Migration. |
- Phóng viên: Thưa ông, doanh nghiệp làm Chương trình EB-5 cho khách hàng chỉ là người môi giới/ giới thiệu và hướng dẫn khách hàng các bước thực hiện, hay thay mặt/ đại diện, hoặc/ và cùng khách hàng ký các văn bản liên quan đến hồ sơ Chương trình EB-5?
Ông Đặng Quang Vinh: Các doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ đóng vai trò là người môi giới và hướng dẫn khách hàng thực hiện.
Các doanh nghiệp tại Việt Nam không được đại diện các trung tâm vùng ký, hay thay mặt khách hàng ký kết các hợp đồng với các dự án EB-5. Các doanh nghiệp cũng không được trực tiếp ký kết các hợp đồng đầu tư EB-5 với khách hàng tại Việt Nam.
- Phóng viên: Ông có thể nói thêm điều kiện để công dân Việt Nam làm Chương trình EB-5 như thế nào, các bước thủ tục làm hồ sơ!
Ông Đặng Quang Vinh: Trình tự, các bước thủ tục sẽ là:
1. Công dân phải làm thủ tục chứng minh nguồn tiền đầu tư hợp pháp, và đã đáp ứng các nghĩa vụ thuế tại Việt Nam.
2. Công ty môi giới tại Việt Nam sẽ hỗ trợ khách trong việc tìm kiếm dự án và trung tâm vùng phù hợp được nói trên.
3. Sau khi hồ sơ nguồn tiền hợp pháp, và tìm được một dự án được USCIS đã cấp phép, công dân sẽ nộp hồ sơ cho USCIS. Khi nhận đơn, USCIS sẽ có giấy biên nhận đã nhận đơn.
4. Thời gian chờ đợi khoảng 2-3 năm, nếu USCIS chấp thuận, sẽ có giấy chấp thuận đơn và sẽ gửi về cho Lãnh Sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM phỏng vấn và cấp visa.
5. Khi được cấp visa đương đơn tiến hành sang Mỹ định cư.
- Phóng viên: Sau cùng, ông có thể cho biết nhà đầu tư phải đóng tiền cho Chương trình EB-5 như thế nào?
Ông Đặng Quang Vinh: Sau khi tìm kiếm dự án và trung tâm vùng được USCIS cấp phép kêu gọi vốn cho Chương trình EB-5, nhà đầu tư sẽ được cung cấp chi tiết tài khoản ngân hàng của dự án mà mình chuẩn bị đầu tư tại Mỹ.
Toàn bộ chi phí đầu tư phải được nhà đầu tư nộp trực tiếp vào tài khoản này, chứ không giao trực tiếp cho các nhân tại Việt Nam hay luật sư. Việc nộp tiền một lần hay nhiều lần tùy theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Thông thường, nhà đầu tư phải nộp đủ tiền thì mới nộp hồ sơ cho USCIS. Song, USCIS có thể nhận hồ sơ ngay cả khi nhà đầu tư chưa nộp đủ tiền. Tuy nhiên, chỉ khi nào nộp đủ tiền thì USCIS mới xem xét xử lý hồ sơ. Nếu không nộp đủ tiền, hồ sơ bị giả mạo thì đơn sẽ bị USCIS loại.
Ông Khải dùng pháp nhân Giám đốc Công ty TNHH Đức Quang Khải để ký hợp đồng trong khi luật không cho phép. |
Các dấu hiệu sai phạm của Việt kiều bị tố lừa đảo
Không được phép, nhưng ông Khải vẫn ký Bảng cam kết thoả thuận làm thủ tục đầu tư định cư tại Hoa Kỳ theo Chương trình EB-5 ngày 29/7/2018 với bà V. Hay đại diện bà V. để ký Hợp đồng đặt cọc với Công ty TNHH Holding LLC.
Chưa đăng ký hoạt động môi giới, nhưng ông Khải dùng pháp nhân Giám đốc Công ty TNHH Đức Quang Khải để đại diện cho bà V. ký Biên bản đặt cọc Chương trình EB-5 ngày 24/6/2018 với Công ty One Bright Life LLC. Hơn nữa, theo quy định, doanh nghiệp tại Việt Nam không được đại diện, thay mặt khách hàng để ký bất kỳ văn bản nào liên quan đến hồ sơ Chương trình EB-5.
Đáng nói, các hợp đồng trên lúc thì ký với Công ty TNHH Holding LLC, khi thì ký với Công ty One Bright Life LLC nhưng không có nội dung nào thể hiện mối liên quan của hai công ty này trong hồ sơ làm Chương trình EB-5 cho bà V.
Không được phép, nhưng ông Khải vẫn nhận tiền từ bà V., được thể hiện bằng Giấy giao nhận tiền do hai bên ký xác nhận ngày 17/12/2018 và được phòng công chứng chứng thực vào ngày 18/12/2018. Theo quy định, tiền sẽ được nhà đầu tư nộp trực tiếp vào tài khoản đầu tư được mở bên Mỹ chứ không “đi” theo các đường nào khác.
Dù không được phép nhưng ông Khải vẫn nhận tiền từ bà V. |
Văn bản phản hồi ngày 10/3/2019 của Trung tâm Thương mại Mỹ - Việt Nam về việc xác minh hồ sơ EB-5 của ông Khải làm cho gia đình bà V., khẳng định có nhiều thông tin không có thực.
Như chữ ký của bà Olivia Orza (Công ty Luật Di trú toàn cầu Oorza) trong Hợp đồng thỏa thuận ngày 13/8/2019 được bà Olivia thông báo rằng không phải chữ ký của bà.
Còn Công ty TNHH KVC Holding LLC không có trong hồ sơ lưu tại bang Georgia (Mỹ). Thậm chí, Công ty TNHH US Catfish LLC xác minh rằng Công ty TNHH KVC Holding LLC không phải là đại diện hợp pháp của họ tại Việt Nam. Luật sư của bà V. cũng đã thu thập được thông tin Công ty KVC Holding LLC đã giải thể từ ngày 23/9/2005.
Hồ sơ phía ông Khải cung có cấp giấy chứng nhận thành lập của 2 công ty trên vào năm 2016 do ông Delbert Hosemann ký. Tuy nhiên, lúc thì ông Delbert Hosemann ký với vai trò Bộ tưởng Ngoại giao, lúc thì ký với vai trò Đổng lý tiểu bang, hai công ty có cùng địa chỉ Email.
Ông Khải nói hồ sơ của bà V. đã được chấp nhận, chờ ngày phỏng vấn. Từ mã hồ sơ mà ông Khải cung cấp, tra thông tin trên web của USCIS, chỉ có thông báo “Đã nhận đơn/ hồ sơ”. Tuy nhiên, không tra được thêm thông tin hồ sơ này có phải làm cho bà V. hay không. Đó là chưa nói, việc “đã nhận đơn” không đồng nghĩa với việc “chấp nhận đơn”, hồ sơ có thể bị loại nếu không đáp ứng yêu cầu, nhất là có sự gian dối. Hồ sơ chỉ được xem xét sau 2-3 năm kể từ ngày nhận đơn, nếu được, thì sẽ có thông báo “đã chấp nhận hồ sơ”.
Ngoài ra, ông Khải và ông Trần Thanh Liêm - trợ lý của ông Khải, còn cung cấp nhiều thông tin bất nhất, tài liệu đáng ngờ, có dấu hiệu của sự làm giả mà Tạp chí Ngày Nay đã đăng tải ở những bài trước. Và cho đến nay, phía ông Khải vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của phóng viên là được tiếp cận hồ sơ gốc, dù nói sẽ cung cấp.
Việt kiều Mỹ bị tố lừa đảo có thể đối mặt với án tù chung thân
Từ những thông tin, chứng cứ mà phóng viên Ngày Nay đã thu thập, luật sư Lê Trung Phát - Giám đốc Hãng Luật Lê Trung Phát, đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng ông Khải không biết gì về luật pháp của Mỹ, không biết gì về việc làm hồ sơ Chương trình EB-5.
Luật sư Lê Trung Phát. |
“Về nguyên tắc làm hồ sơ, tất cả mọi thứ đều phải là thật, vì các cơ quan xét duyệt của Mỹ xét hồ sơ rất kỹ. Thà rằng hồ sơ chưa đủ điều kiện thì lần sau còn có cơ hội, chứ hồ sơ mà bị làm giả, thì bà V. gần như không còn cơ hội”, luật sư Phát khẳng định
Luật sư Phát cũng cho rằng ông Khải có yếu tố lừa dối về khả năng của mình, từ đó đã khiến cho bà V. tin tưởng ký các hợp đồng, trao tiền cho ông Khải, như vậy có dấu hiệu của hành vi lừa đảo. Bà V. nên củng cố lại hồ sơ, gửi lại đơn Tố giác tội phạm đến Công an hoặc VKSND tỉnh Quảng Nam, để họ tiến hành xác minh, điều tra theo quy định của pháp luật chứ không còn là khởi tố theo yêu cầu của bị hại nữa.
Trường hợp có căn cứ xác định ông Khải lừa đảo, thì sẽ bị khởi tố tội“Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017, với số tiền lừa như trên (600.000 USD-PV), thì ông ấy có thể đối mặt với khung hình phạt là tù chung thân.
Ngày Nay sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này!