Hồ sơ của bà V. chưa được chấp nhận
Khi phóng viên hỏi thực trạng hồ sơ của bà V. như thế nào, ông Khải trả lời hồ sơ đã được chấp nhận, chờ đi phỏng vấn. Phóng viên hỏi khi nào sẽ đi phỏng vấn, ông Khải trả lời từ 2-3 năm. Cả ông Khải lẫn ông Trần Thanh Liêm - trợ lý của ông Khải, nhiều lần khẳng định với phóng viên thông tin này.
Để xác tín điều đó, ông Liêm cho phóng viên coi văn bản của Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS). Văn bản này có dòng chữ “Thông báo này không cấp bất kỳ tình trạng lưu trú hoặc lợi ích nhập cư nào” của hồ sơ có số biên nhận WAC1990300479 của bà V. Đơn được USCIS nhận ngày 3/7/2019, còn ngày phát đi thông báo trên là 5/2/2020.
Đáng chú ý, thông báo của USCIS ghi rõ “Thông báo này chỉ thể hiện rằng hồ sơ của bạn đã được nộp vào ngày nhận (ngày 3/7/2019-PV) nêu trên”. Đồng thời, thông báo của USCIS cũng khẳng định: “Thông báo này cũng không phải là bằng chứng về việc hồ sơ của bạn đang chờ được xử lý”.
USCIS cho biết chỉ nhận đơn chứ không phải đã chấp nhận đơn của bà V. |
Từ chiều 25/8 đến nay, phóng viên nhiều lần truy cập vào website của USCIS (uscis.gov) và nhập mã số biên nhận trên, trang web này hiện ra thông báo “Case Was Received” (tạm dịch: Hồ sơ đã được nhận) chứ không phải đã “được chấp nhận, chờ đi phỏng vấn” như lời ông Khải và ông Liêm nói.
Một lãnh đạo công ty chuyên tư vấn Chương trình EB-5 cho biết, từ lúc “hồ sơ đã được nhận” cho đến lúc “hồ sơ được xử lý và chấp nhận” là cả một quá trình và không loại trừ trường hợp hồ sơ bị loại do không đáp ứng yêu cầu hay giấy tờ bị giả mạo. Nếu hồ sơ được chấp nhận, thì phải có giấy biên nhận của USCIS.
Vị này cũng cho biết, phải mất từ 2-3 năm sau kể từ ngày nhận hồ sơ, USCIS mới kiểm tra, thẩm định hồ sơ. Nếu không đáp ứng các điều kiện yêu cầu, hồ sơ sẽ bị loại, thất bại. Trong trường hợp hồ sơ bị làm giả, thì bà V. gần như không còn cơ hội để làm lại hồ sơ nữa.
Còn tài liệu mà phía ông Khải cung cấp, không có giấy biên nhận nào của USCIS thể hiện hồ sơ của bà V. đã được chấp nhận, xử lý, ngoài giấy biên nhận là báo đã nhận hồ sơ!
Khi tra mã hồ sơ của bà V. trên trang web của USCIS, cũng không có bất kỳ thông báo nào ngoài thông báo “Đã nhận đơn/ hồ sơ”.
“Ông Khải phải trả lại tiền vì lừa tôi”
Trở lại buổi làm việc, ông Khải còn nói rằng nếu bà V. không đi nữa thì làm đơn gửi cho ông Nathan để nhận lại tiền. Ông Khải nói rằng mình đã có trao đổi với ông Nathan về vấn đề này rồi. Theo lời ông Khải và tài liệu phía ông Khải cung cấp, ông Nathan Park là đại diện Công ty KVC Holdings LLC là Chủ Dự án đầu tư EB-5 ký với bà V.
Sau cùng, phóng viên hỏi nếu từ ngày bà V. gửi đơn không đi nữa và muốn lấy lại tiền, thì sẽ trong bao lâu sẽ lấy lại tiền? Ông Liêm nói rằng sẽ mất 5 năm kể từ lúc bà V. ký hợp đồng với luật sư Mỹ nhưng không đi được.
Còn ông Khải nói rằng sẽ can thiệp nhanh. Ngoài ra, phía ông Khải nói thêm rằng trong đơn này, bà V. phải thừa nhận tố cáo sai sự thật, xin rút lại tiền thì tập đoàn sẽ giải quyết. Khi nhận được đơn của bà V., tập đoàn sẽ có phản hồi về việc trả lại tiền.
Đáp lại thông tin này, bà V. cho rằng việc rút lại tiền sẽ diễn ra như vậy nếu như hồ sơ của bà được ông Khải làm đúng quy định nhưng không đáp ứng các điều kiện của bên Mỹ. “Còn đây, rõ ràng là ông Khải lừa dối tôi thì ông Khải phải trả lại tiền, tài sản”.
Lí do bà V. nói ông Khải lừa mình, là cá nhân ông Khải hay công ty của ông Khải không được pháp luật cho phép làm hồ sơ Chương trình EB-5, nhưng ông Khải vẫn thực hiện, ký hợp đồng và nhận tiền, tài sản của bà.
Bà V. cũng nói rằng, giữa bà và ông Khải có thỏa thuận dùng 4 lô đất để quy đổi thành tiền cho ông Khải làm hồ sơ Chương trình EB-5. Nhưng vì ông Khải lừa đối bà nên ông Khải phải thừa nhận trước pháp luật và phải trả lại cho bà 4 lô đất đã nhận chứ không phải 14 tỷ đồng. “Hoặc ít nhất ông Khải phải trả đúng số tiền mà ông Khải đã bán các lô đất đó cho người khác sau khi nhận chuyển nhượng từ tôi”, bà V. nhấn mạnh.
Giấy tờ ông Khải xác nhận đã nhận đủ tiền của bà V., trong khi ông Khải không được phép nhận tiền làm hồ sơ Chương trình EB-5. |
Như Ngày Nay đã thông tin, năm 2018, bà V. ở xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ, (tỉnh Quảng) có thỏa thuận với ông Nguyễn Tấn Khải (SN 1955, tại xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) làm thủ tục đầu tư định cư tại Mỹ theo Chương trình EB-5 với số tiền là 600.000 USD.
Số tiền này được hai bên thống nhất quy đổi thành 14 tỷ đồng, và được thanh toán bằng cách bà V. sang tên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất 4 thửa đất của mình, cùng một khoản tiền mặt cho ông Khải. Bà V. đã thực hiện đúng cam kết và ông Khải cũng đã xác nhận đã nhận đủ số tiền trên từ bà V. bằng Giấy giao nhận tiền được công chứng tại phòng công chứng vào ngày 18/12/2018.
Tuy nhiên, sau khi đã nhận đủ tiền từ bà V., dù bà V. nhiều lần nhắn tin, gọi điện hỏi ông Khải về thực trạng hồ sơ của mình như thế nào, thì ông Khải lờ đi, thậm chí còn thách bà V. thưa kiện. Sau khi thu thập các chứng cứ chứng minh ông Khải không được phép làm hồ sơ Chương trình EB-5 nhưng vẫn ký vào các văn bản trong hồ sơ, bà V. đã có đơn tố cáo ông Khải.
Ngày Nay sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này!