Căn cứ vào bảng xếp hạng này, Việt Nam có một đại diện là Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP Hồ Chí Minh nằm trong top 301 - 500 trên tổng số 2.100 trường đại học hàng đầu thế giới với thống kê khả năng tìm việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp dựa trên 5 tiêu chí: Danh tiếng với nhà tuyển dụng (chiếm 30% tổng điểm), chất lượng đầu ra của cựu sinh viên (25%), hợp tác với doanh nghiệp (25%), các hoạt động kết nối doanh nghiệp và sinh viên (10%) và tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm (10%).
Ngoài ra, kết quả QS GER năm 2020 cho thấy các trường đại học nổi tiếng toàn cầu của Mỹ vẫn đang giữ vị trí dẫn đầu trong công tác hướng nghiệp và hỗ trợ sinh viên. Top 10 của bảng xếp hạng này bao gồm bốn đơn vị đến từ Mỹ và các đại diện đến từ Anh, Australia, Trung Quốc và Hồng Công (Trung Quốc). Trong đó, Viện Kỹ thuật Massachusetts và Đại học Stanford là hai đơn vị dẫn đầu bảng xếp hạng.
Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo ĐHQG-HCM thì các tiêu chí “tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm” và “danh tiếng đối với nhà tuyển dụng” xuất hiện trong bảng xếp hạng do QS thực hiện đánh giá về ĐHQG-HCM đều tăng”; các tiêu chí “hợp tác với doanh nghiệp” và “hoạt động kết nối doanh nghiệp” trong bảng xếp hạng đều không thay đổi.
Sinh viên ĐHQG TP Hồ Chí Minh tham gia nghiên cứu khoa học. |
QS GER 2020 còn xác định ở châu Âu có 188 đại học, châu Á có 134 đại học, Bắc Mỹ có 100 đại học, khu vực Mỹ La tinh có 42 đại học, Australia có 26 đại hoc, châu Phi có chín đại học; riêng khu vực Đông Nam Á có 27 đại học vào top.
PGS,TS Nguyễn Đình Tứ, Phó Chánh Văn phòng ĐHQG TP Hồ Chí Minh cho biết trường hiện có các đơn vị đào tạo: Trường đại học Bách khoa, Trường đại học Khoa học Tự nhiên, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường đại học Quốc tế, Trường đại học Công nghệ Thông tin, Trường đại học Kinh tế - Luật, Viện Môi trường và Tài nguyên, Khoa Y, Khoa Chính trị Hành chính, Phân hiệu ĐHQG TP Hồ Chí Minh tại tỉnh Bến Tre. ĐHQG TP Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm đào tạo trên 5 lĩnh vực: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kỹ thuật công nghệ, quản lý kinh tế - luật và khoa học sức khỏe với 3 trình độ: bậc đại học (96 mã ngành đào tạo), bậc thạc sĩ (105 mã ngành đào tạo) và bậc tiến sĩ (79 mã ngành đào tạo).
Theo ông Tứ, với quy mô đào tạo đại học chính quy gần 57.000 sinh viên, quy mô đào tạo sau đại học khoảng 8.000 học viên, hằng năm, ĐHQG TP Hồ Chí Minh cung cấp cho xã hội khoảng 10.000 kỹ sư, cử nhân chất lượng cao, 1.300 thạc sĩ, gần 50 tiến sĩ. Hiện ĐHQG-HCM đang dẫn đầu cả nước về số lượng các chương trình đạt chuẩn chất lượng khu vực và quốc tế ĐHQG TP Hồ Chí Minh, gồm: 49 chương trình đạt chuẩn AUN-QA (chiếm gần 50% số chương trình đạt chuẩn AUN-QA trên cả nước), bảy chương trình chất lượng cao Việt - Pháp đạt chuẩn kiểm định CTI, 02 chương trình đạt chuẩn FIBAA và ACBSP và hai chương trình đạt chuẩn kiểm định ABET của Hoa Kỳ.
Về Nghiên cứu khoa học, ĐHQG TP Hồ Chí Minh đã triển khai mô hình trung tâm xuất sắc và các nhóm nghiên cứu mạnh, các trung tâm xuất sắc/nhóm nghiên cứu mạnh sẽ làm nòng cốt, dẫn đầu hệ thống đổi mới/sáng tạo quốc gia với doanh thu chuyển giao khoa học công nghệ tăng đều qua các năm: năm 2015 đạt 165.4 tỷ đồng, năm 2016 đạt 257.1 tỷ đồng, năm 2017 đạt 249.6 tỷ đồng, năm 2018 đạt 254.8 tỷ đồng.
Về Hợp tác quốc tế, ĐHQG TP Hồ Chí Minh đã thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học tại Hoa Kỳ, châu Âu, châu Á như: University of California, Berkeley (UCB), University of California, Los Angeles (UCLA), California State University, Fullerton (CSUF), Wageningen University, Chicago (LUC), Arizona State University (ASU), Loyola University, JAIST, Seoul National University, Taiwan National University và 5 trường đại học mạnh trong AUN …
Sinh viên ĐHQG TP Hồ Chí Minh trong giờ học tập. |
Theo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Đảng bộ ĐHQG TP Hồ Chí Minh là đảng bộ trên cơ sở có chính quyền cùng cấp trực thuộc Đảng bộ thành phố. Toàn Đảng bộ có 14 cơ sở đảng trực thuộc. Tính đến tháng 6-2019, toàn Đảng bộ có 2.326 đảng viên. Năm 2019 là năm Đảng bộ ĐHQG-HCM tập trung thực hiện Chỉ thị 35- CT/TW ngày 30-5 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Cạnh đó, Công đoàn ĐHQG TP Hồ Chí Minh là Công đoàn cấp trên cơ sở trực thuộc Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, với 23 tổ chức Công đoàn cơ sở. Công đoàn luôn là điểm sáng trong hệ thống công đoàn thành phố về cả tổ chức và hoạt động. Ngoài ra, Ban Cán sự Đoàn ĐHQG TP Hồ Chí Minh bao gồm sáu đoàn trường thành viên và một đoàn cơ quan với quy mô gần 50.000 đoàn viên thanh niên.