Độc giả, tác giả đó là ông Đào Tăng, vừa qua đời vào ngày 5/10 tại nhà riêng ở quận Gò Vấp hưởng thọ 85 tuổi. Sinh thời, nhà văn Sơn Nam có 10 năm sống tại căn nhà này của ông Đào Tăng.
Năm 2003, sau ngày nhà văn Sơn Nam mất 5 năm, NXB Trẻ đã ấn hành cuốn sách Mười năm đi & sống với Sơn Nam. Đây là cuốn sách được ông Đào Tăng ghi chép lại những việc thường nhật của “ông già Nam bộ” trong khoảng thời gian 1995 – 2005 khi Sơn Nam sống tại nhà ông.
Đào Tăng kể vào một ngày năm 1995, Sơn Nam xuất hiện trước cửa nhà ông với túi xách đeo vai và cái máy đánh chữ cắp nách. Sơn Nam thông báo đang có việc gia đình nên đến sống nhờ nhà ông Đào Tăng. Và cuộc sống nhờ kéo dài đến năm 2005 khi ông già bị tai nạn xe máy mới trở về nhà ông ở quận Bình Thạnh để được gia đình chăm sóc.
Trong mười năm này, ông Đào Tăng còn kiêm luôn “xe ôm miễn phí” khi nhà văn Sơn Nam muốn đi xa, vì ông già cả đời chỉ đi bộ. Khi Sơn Nam bị tai nạn xe máy, gia đình nhà văn hỏi có phải ông Đào Tăng chở ông không? Sơn Nam nhất mực khẳng định là đi xe ôm và chú xe ôm bị ngã.
Tác giả đặc biệt Đào Tăng. |
Thời buổi này với người trẻ, làm việc ở một nơi khoảng 5 năm đã xem là thâm niên, vậy nên sống nhờ nhà một người khác đến 10 năm là cả kỳ tích của người ở và chủ nhà. Hẳn là hai ông già Đào Tăng (sinh 1937) và Sơn Nam (sinh 1926) phải yêu quý nhau vô cùng.
Tình bạn già của hai ông được Đào Tăng kể lại: “Họa hổ họa bì năng họa cốt – Tri nhân tri diện bất tri tâm”. Thuở sinh thời nhà văn Sơn Nam có nói: Lời lẽ trong các câu đó “vô hiệu hóa” đối với tầng lớp người lao động nghèo trong xã hội. Bần cư đáo thị hữu khách tầm, khách tầm ấy chính là nhà văn Sơn Nam. Đến ở nhà tôi, Sơn Nam nói: Vô nhà bạn nghèo, miếng cơm manh áo đạm bac, chồng lẫn vợ con mặt mày tươi tắn dọn đãi khách”.
Trong mười năm ấy, Sơn Nam bầu bạn với hết thảy cư dân xóm nghèo của ông Đào Tăng. Mỗi sáng nhà văn dạy lúc 3 giờ khi mọi người còn say ngủ, tiếng máy đánh chữ kêu lách tách trên căn gác nhà ông Đào Tăng để cho ra đời ít nhất hai cuốn sách “Tuổi già” và “Nghi thức và lễ bái của người Việt Nam”.
Những tác phẩm của tác giả Đào Tăng. |
Khi người viết bài này gặp ông Đào Tăng lần đầu cỡ hơn mười năm trước, lúc đó ông viết báo viết văn tự do kể cả không tham gia bất cứ hội cầm bút nào. Ông có dáng gầy khẳng khiu và nói rặt giọng xứ Nẫu Bình Định với ngôn từ chất phác, chân tình. Từ đó tôi quý ông và thường gọi đến số điện bàn nhà ông rủ ông cà phê và đưa nhuận bút. Ông viết khá nhiều thể loại ghi chép, tản văn rồi nhờ người đánh máy gửi qua mail cho tôi biết chỗ nào đăng giúp ông.
Những lần cà phê như vậy ông rất vui vì ngoài nhuận bút tôi còn thường mua pin tặng ông để xài máy chụp hình. Cái máy ảnh kỹ thuật số cũ xì của ông không sạc được pin mà xài loại pin tiểu phải mua lần cả chục cục dự phòng. Tôi nói để kiếm cái máy mới tặng ông thì ông từ chối vì ông quen xài cái máy cũ xì này, có máy mới không biết xài thế nào. Vậy mà từ cái máy ảnh này, ông Đào Tăng chụp rất nhiều hình nhà văn Sơn Nam đủ để in một cuốn sách ảnh đầy đặn về ông già Nam bộ. Tuy nhiên, ước muốn in cuốn sách ảnh này của ông chưa thể thành hình.
Hai tháng trước, khi Sài Gòn bị phong tỏa để phòng dịch Covid, những nhà văn trong Ban Sáng tác (Hội Nhà văn TP.HCM) tự bỏ tiền túi và vận động bạn bè được ít tiền để phụ giúp những đồng nghiệp khó khăn. Tự nhiên tôi nhớ đến ông Đào Tăng và đề nghị Ban Sáng tác hỗ trợ ông dù ông không phải là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM. Những nhà văn trong Ban Sáng tác đã rất vui khi trao tiền cho ông Đào Tăng, vì rằng đời sống văn chương rất cần những độc giả đặc biệt và cũng là tác giả đặc biệt như ông.
Những tác phẩm của tác giả Đào Tăng. |
Liên lạc với gia đình nhà văn Sơn Nam, anh Trần Đức Nghị - con rể Sơn Nam cho biết: “Nếu không vì dịch Covid, đám tang ông Đào Tăng sẽ được Nghĩa trang Chánh Phú Hòa (Bình Dương) tổ chức và hy vọng phần mộ ông Đào Tăng nằm kề nhà văn Sơn Nam, nhà thơ Kiên Gang Hà Huy Hà để các ông tiếp tục bầu bạn với nhau”.
Tôi hỏi anh Trần Đức Nghị cho xin vài hình chụp ông Đào Tăng bên mộ nhà văn Sơn Nam, vì tôi chụp ông rất nhiều lưu trong USB đã bị thất lạc mất. Anh Nghị lục tìm cả ngày xong báo tin, anh cũng tìm không ra. Hóa ra người trẻ bọn tôi không cẩn thận bằng ông Đào Tăng khi ông giữ gìn đầy đủ hình ảnh nhà văn Sơn Nam suốt mười năm trời mà không biết chút gì về công nghệ tiến bộ.