Nhớ nhà văn Sơn Nam…

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ngày 13/7 âm lịch năm nay là giỗ lần thứ 13 nhà văn Sơn Nam. Theo thông lệ, ngày này gia đình và người yêu quý ông già Sơn Nam sẽ đến thắp hương tưởng nhớ ông tại mộ phần ở Nghĩa trang Chánh Phú Hòa (Bình Dương). Nhưng tình hình dịch Covid-19 đang bùng phát khiến nhiều điều gần như trầm lắng và thông lệ đẹp này phải hoãn lại.
Gia đình, bạn viết viếng mộ Sơn Nam.
Gia đình, bạn viết viếng mộ Sơn Nam.

1. Nhà văn Sơn Nam qua đời ngày 13/8/2008 Tây lịch và ông đã được Nghĩa trang Chánh Phú Hòa “mời về” an cư vĩnh viễn tại đây ở vị trí mặt tiền trang trọng bậc nhất dù cả đời ông gắn với các khu nhà trọ trong các con hẻm nghèo của đô thị Sài Gòn. Sinh ra ở miệt thứ 7 của vùng U Minh Thượng thuộc Kiên Giang ngày nay, tuổi thanh niên Phạm Minh Tày hòa vào dòng người đi kháng chiến chống Pháp. Sau năm 54 ông lên Sài Gòn chờ hiệp thương thống nhất hai miền khi tuổi đời vừa 30, bắt đầu tạo dựng tên tuổi trong làng văn với bút hiệu Sơn Nam và sống cuộc đời: “Phong sương mấy độ qua đường phố/ Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”.

Trong hồi ký 20 năm giữa lòng đô thị của Sơn Nam, ông thừa nhận dù có chút danh vọng gặt hái được ở chiến khu thì chẳng gây được sự chú ý gì ở Sài Gòn, khó khăn nhất là hội nhập với giới cầm bút Sài Gòn. Sơn Nam liên lạc được với nhà báo Dương Tử Giang từng quen biết trong chiến khu, được Dương Tử Giang giới thiệu cho nhà văn Bình Nguyên Lộc và ông đã được đàn anh hướng dẫn cách làm quen với làng báo Sài Gòn, nhất là các tuần báo.

Bình Nguyên Lộc khuyên Sơn Nam phải siêng năng, chuẩn bị sẵn đôi ba cốt truyện đi chào hàng, nếu báo nào chịu in thì ngay hôm sau phải nộp bài để in. Đây là kinh nghiệm của ông trùm truyện feuilleton đã chí tình khuyên nhà văn Sơn Nam khi bước đầu lập thân bằng ngòi bút ở đất báo Sài Gòn mà ông đã biết. Nói Bình Nguyên Lộc là ông trùm truyện feuilleton vì thời đó có ngày ông viết đến 11 feuilleton trên các báo Sài Gòn. Đúng là nghề viết ngoài thực tài thì phải siêng năng nữa, hậu sinh như tôi nhìn vào sức lao động của các bậc tiền bối như Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam mà bái phục sát đất.

Làm quen với làng cầm bút Sài Gòn, Sơn Nam nhận được nhiều sự chỉ bảo chí tình, từ đó ông tìm ra được đề tài riêng để khai thác. Vùng đất nơi ông sinh ra trước đó rất ít được khai thác trên sách vở kể cả trong các nghiên cứu của người Pháp, Sơn Nam đã lấp đầy khoảng trống này với tác phẩm biên khảo đầu tay Tìm hiểu đất Hậu Giang và nhiều tác phẩm khảo cứu khác nữa để trở thành nhà Nam Bộ học như hôm nay.

2. Những ngày này năm 2012, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ tổ chức đi viếng mộ nhà văn Sơn Nam. Như mọi khi, nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà cũng có mặt để thắp nén nhang tưởng nhớ bạn văn của mình. Lần đó thi sĩ quê Kiên Giang hào hứng thông báo ông cũng được một phần mộ bên cạnh Sơn Nam để sau này họp hội đồng hương ở cõi khác thuận tiện. Kiên Giang thi sĩ rủ nhà thơ, nhà báo Hà Đình Nguyên xin thêm một miếng gần đó để bầu bạn cho vui. Hà Đình Nguyên xua tay: “Thôi đi cha, tui còn trẻ và yêu đời lắm nha cha”. Giờ hai ông văn thi sĩ Kiên Giang Hà Huy Hà và Sơn Nam đã ở cạnh nhau mãi mãi, chắc hai ông đang bàn chuyện văn chương mà không còn phải lo đến viết bài cho các báo như một kế sinh nhai lương thiện phải làm.

Nhớ nhà văn Sơn Nam… ảnh 1
Nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà (trái) và nhà thơ Hà Đình Nguyên bên mộ Sơn Nam.

Không chỉ Kiên Giang thi sĩ, nhiều bạn viết cùng thời rất yêu quý Sơn Nam. Vào ngày giỗ âm lịch được tổ chức tại gia đình ở Tiền Giang, rất nhiều bạn văn dù tuổi cao sức yếu cũng ráng đến dự vì nhớ bạn. Có lần, nhà văn Trang Thế Hy từ Bến Tre qua Tiền Giang để dự ngày giỗ Sơn Nam, ông ngồi cùng bàn với nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Kiên Giang…, chưa tàn cuộc ông đã chống gậy xin về vì sức yếu, trông rất thương. Nhìn các vị tiền bối tôi chợt nghĩ, sống làm sao đến tuổi các cụ vẫn còn quý mến nhau rất khó, phải biết giữ gìn những tình cảm tốt đẹp thì mới vững bền được.

Sinh thời, nhà văn Sơn Nam được nhiều bạn đọc hâm mộ trong đó có nhiều người lao động nghèo. Đợt dịch Covid-19 này tôi chợt nhớ đến ông Đào Tăng, một trong những người chuyên làm xe ôm miễn phí chở ông già Nam bộ đi khắp nơi vì Sơn Nam chỉ đi bộ không biết chạy xe kể cả xe đạp. Chợt nhớ đến ông Đào Tăng vì Ban Sáng tác của Hội Nhà văn TP.HCM có vận động bạn văn được ít tiền để hỗ trợ các bạn văn đang khó khăn vì Covid-19. Ông Đào Tăng không phải hội viên Hội Nhà văn TP.HCM nhưng vì đi theo Sơn Nam lâu năm nên ông cũng có viết sách, các chị nhà văn, nhà thơ trong Ban Sáng tác sau khi cân nhắc đã đồng ý hỗ trợ cho trường hợp này. Phần tôi tìm cách liên lạc với ông Đào Tăng vì lần gặp mới nhất với ông ở đám giỗ nhà văn Sơn Nam cũng đã mấy năm rồi, khi đó trông ông đã rất yếu. May mắn là anh Trần Đức Nghị, con rể nhà văn Sơn Nam, đã cho số điện thoại của Đào Tăng khi số cũ của ông tôi gọi hoài không được. Và may mắn hơn “ông xe ôm” của Sơn Nam nay khoảng 90 tuổi vẫn còn sống. Sau khi chuyển cho Đào Tăng 5 triệu đồng, nhà văn Trầm Hương, Trưởng ban Sáng tác, thông báo: “Ổng mừng lắm, nói mấy bữa nay ăn toàn mì gói”. Hẳn nhà văn Sơn Nam sẽ vui khi biết việc này.

3. Hậu vận nhà văn Sơn Nam khá tốt khi anh Trần Đức Nghị, con rể ông, đã xây hẳn một nhà lưu niệm tinh tươm dành cho cha vợ tại Tiền Giang, để mỗi năm giỗ Sơn Nam mọi người tìm về. Đây là nơi lưu trữ, sưu tập rất nhiều hình ảnh, tư liệu quý về nhà văn, rất hữu ích cho những ai muốn nghiên cứu về Sơn Nam và vùng đất Nam bộ. Bộ sưu tập này ngày càng đầy đặn hơn vì nhiều người hiến tặng những tư liệu có liên quan. Tôi đã đến nhiều nhà lưu niệm của các văn thi sĩ lừng danh nhưng có thể nói chưa có nơi nào làm tốt về cảnh quan và nội dung của một nhà lưu niệm như của nhà văn Sơn Nam. Mỗi mùa cưới, các đôi uyên ương tại Tiền Giang và các tỉnh lân cận đều tìm đến nhà lưu niệm Sơn Nam bên bờ sông Bảo Định để xin chụp hình.

Hồi 10 năm ngày mất Sơn Nam, nhà văn Đoàn Thạch Biền đã đem những cuốn sách gìn giữ mấy chục năm để tặng lại gia đình trưng bày ở nhà lưu niệm. Đoàn Thạch Biền kể: “Tôi đã đọc truyện của ông từ thời sinh viên. Năm 1969, vào nhà sách cũ tôi mua được tập truyện Hương rừng Cà Mau (NXB Phù Sa in lần đầu ở Saigon năm 1962). Vậy mà đến năm 1981, tôi mới được gặp ông và xin chữ ký. Năm 1993, NXB Trẻ in cuốn truyện vừa (78 trang) Âm dương cách trở. Tôi đọc thấy hay quá lại đi tìm ông xin chữ ký. Điều đặc biệt khi ký tặng sách cho ai, ông thường viết thêm 1 câu gì đó để tạo sự khác biệt. Đọc cuốn sách hay, tôi đã bàn với đạo diễn Trần Mỹ Hà chuyển thành phim. Đáng tiếc là dự án đó đã không thành. Vì không có hãng phim nào khi đó muốn tài trợ cho dòng phim nghệ thuật. Tôi giới thiệu với các đạo diễn trẻ hiện nay, nên chuyển truyện đó thành phim, biết đâu bạn sẽ thành danh!”.

Cũng theo nhà văn Đoàn Thạch Biền: “Năm 1996, tôi vào một nhà sách cũ và tìm thấy cuốn truyện vừa Truyện ngắn của truyện ngắn” (NXB Phù Sa in ở Saigon 1966). Đọc xong, tôi bái phục ông vì cách viết truyện quá mới lạ! Năm 1998, tôi phỏng vấn ông đăng báo Người Lao Động, ông đã nói: “Tôi sinh năm Bính Dần (1926), tuổi con cọp. Con cọp không sống theo bầy đàn nên người tuổi này thường cô đơn”. Con cọp đó không còn cô đơn trên đường phố Saigon nữa. Chắc nó đã ẩn mình trong một văn miếu nào đó ở miền Nam. Tình cũ giấu kín trong tim mà tôi còn để mất, huống chi mấy cuốn sách cũ để ở tủ sách gia đình. Nhân dịp gặp chị Đào Thuý Hằng con gái nhà văn Sơn Nam, người đang trông coi Nhà lưu niệm Sơn Nam ở Tiền Giang, tôi đã tặng chị bộ sách cũ của Sơn Nam. Đúng với câu: “Cái gì của César hãy trả lại César”.

Nếu không vì dịch Covid-19, những ngày này như nhiều năm qua, bạn viết, bạn đọc và tôi đã đến viếng mộ nhà văn tiền bối Sơn Nam nhưng nay đành ngồi một chỗ để tưởng nhớ ông vậy.

TIN LIÊN QUAN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?