Hòa mình vào dòng chảy công nghệ trong kỷ nguyên mới, bắt kịp với xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, VNPT đang từng bước chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số (DSP) hàng đầu Việt Nam vào năm 2025; Trung tâm số (Digital Hub) của châu Á vào năm 2030. VNPT đặt mục tiêu phấn đấu trở thành một Tập đoàn kinh tế năng động, chú trọng phát triển những sản phẩm, dịch vụ, giải pháp ICT sáng tạo, đột phá để tiếp tục kiến tạo nên những giá trị đích thực cho cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển vững mạnh của nền kinh tế Việt Nam.
Là doanh nghiệp đi đầu về chuyển đổi số, trong thời gian qua VNPT là đơn vị triển khai Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia cho Văn phòng Chính phủ. Hệ thống này được kết nối, liên thông với hệ thống quản lý văn bản và điều hành của các bộ, ngành, và 63 Tỉnh/TP qua Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Đây là công cụ vô cùng quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho quá trình đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam, giúp kết nối với người dân, nâng cao năng suất đội ngũ cán bộ, tối ưu hoạt động điều hành của các cơ quan Nhà nước, chuyển đổi mô hình quản trị từ bị động sang dự báo chủ động…hướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Phục vụ các phiên họp và điều hành công việc của Chính phủ, từ năm 2016, VNPT đã cung cấp hội nghị truyền hình trực tuyến kết nối từ Văn phòng Chính phủ tới các điểm cầu. Điển hình là tháng 3 và tháng 6/2019 cung cấp phiên họp có số điểm cầu 774 và 1.021 điểm cầu kết nối từ Văn phòng chính phủ đến 63 Tỉnh/TP, huyện, xã với gần 26.000 đại biểu dự họp trong toàn quốc. Đây là hội nghị truyền hình trực tuyến với số lượng điểm cầu lớn nhất từ trước đến nay góp phần hiện thực hóa lộ trình xây dựng chính phủ điện tử của Việt Nam, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số trong tương lai không xa. Và mới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh đã công bố chính thức triển khai ứng dụng hai sản phẩm do VNPT nghiên cứu và phát triển là “Phòng họp không giấy VNPT e-Cabinet” và ứng dụng “Giao việc tức thời - nhắc việc thông minh”.
Đến nay, VNPT đã ký kết hợp tác toàn diện với 53 UBND tỉnh/TP nhằm hỗ trợ tối đa các Tỉnh/TP ứng dụng CNTT vào quản lý hành chính và phát triển kinh tế. Tính đến hết năm 2018, VNPT đã bàn giao dự án Ứng dụng du lịch Việt Nam cho Tổng cục Du lịch Việt Nam và khai trương trang thông tin du lịch, ứng dụng du lịch thông minh tại 13 tỉnh thành phố: Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nam, Ninh Bình, Phú Yên, Bắc Giang... triển khai thử nghiệm tại 34 tỉnh, thành phố trên cả nước và đang tiếp tục được nhiều tỉnh thành khác lựa chọn.
VNPT cũng đã hoàn thiện và cung cấp cho khách hàng 150 sản phẩm, dịch vụ viễn thông, CNTT, trong đó có nhiều sản phẩm có ý nghĩa tích cực phục vụ nhu cầu thiết yếu của cộng đồng như VNPT-HIS, VNPT Pharmacy trong lĩnh vực y tế, giải pháp VnEdu Ở lĩnh vực Giáo dục thông minh, Giải pháp tem xác thực nguồn gốc hàng hóa VNPT Check đã được áp dụng rộng rãi trên nhiều đặc sản nông nghiệp tại các địa phương như Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Giang, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng, Kon Tum, Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long, Cà Mau... đem lại hiệu quả cao cho các doanh nghiệp, hộ gia đình cũng như nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng.
Từ những thế mạnh sẵn có cùng với mong muốn được góp phần hỗ trợ 13 tỉnh Miền Trung đẩy nhanh ứng dụng các dịch vụ CNTT trong điều hành và quản lý hành chính, kinh tế, tại hội thảo, VNPT đã giới thiệu các giải pháp trục tích hợp văn bản, hội nghị truyền hình, giải pháp phòng họp không giấy (VNPT-eCabinet). Đồng thời, VNPT cũng đưa ra chính sách hỗ trợ, khảo sát nhu cầu thông tin và hệ thống kỹ thuật để đề xuất phương án thí điểm giúp các Sở/Ban/Ngành tại các tỉnh Miền Trung nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và xử lý công việc.
Bên cạnh các giải pháp cho khối khách hàng Sở/Ban/Ngành, VNPT còn giới thiệu giải pháp nông nghiệp thông minh với các dịch vụ VNPT Smart Agri và VNPT Check hỗ trợ ngành nông nghiệp một cách toàn trình từ khâu quản lý sản xuất như giám sát thời tiết, thổ nhưỡng, dịch bệnh, tiêm chủng, tưới tiêu…. đến khâu tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc hàng hóa… thúc đẩy liên kết 4 nhà nhằm tiến đến một ngành nông nghiệp an toàn thực phẩm, hiệu quả và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.