Vở ballet 'Kiều' sắp trở lại với khán giả Thành phố Hồ Chí Minh

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - “Kiều” là một trong những vở diễn thành công nhất của Nhà hát, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thành tựu nghệ thuật ballet kinh điển của thế giới với giá trị tinh hoa của nghệ thuật truyền thống Việt.
Vở ballet "Kiều" có sự tham gia của nhiều nghệ sỹ múa nổi tiếng.
Vở ballet "Kiều" có sự tham gia của nhiều nghệ sỹ múa nổi tiếng.

Ballet “Kiều” được chuyển thể từ tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du sẽ trở lại với khán giả vào ngày 13-14/5 tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh.

Chương trình do các nghệ sỹ Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch Thành phố Hồ Chí Minh (HBSO) thực hiện.

“Kiều” là một trong những vở diễn thành công nhất của Nhà hát, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thành tựu nghệ thuật ballet kinh điển của thế giới với các giá trị tinh hoa của nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

Nghệ sỹ Nhân dân Chu Thúy Quỳnh và Nghệ sỹ Nhân dân Ứng Duy Thịnh chỉ đạo nghệ thuật; chuyển thể kịch bản và tổng đạo diễn là nghệ sỹ Tuyết Minh. Nghệ sỹ Nguyễn Phúc Hùng và Tuyết Minh cùng dàn dựng và biên đạo múa cho toàn bộ tác phẩm.

Ballet “Kiều” gồm 15 cảnh là những sắc thái tâm lý, sự tiếp nối và tương phản của các bức tranh khác nhau làm nên sự lôi cuốn, hấp dẫn và bất ngờ qua từng khoảnh khắc. Đó là hành trình khát khao đi tìm hạnh phúc, tự do và công bằng cho con người, làm nổi bật giá trị nhân văn sâu sắc.

Đặc biệt, hành trình xúc động của nàng Kiều trong đời sống và tâm linh được khắc họa ấn tượng với ngôn ngữ của nghệ thuật múa. Tài hoa và nhan sắc của nàng Kiều cũng gắn liền với đa đoan, trầm luân...

Ballet “Kiều” không kể lại toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Du mà dẫn dắt khán giả qua hành trình đầy hạnh phúc cùng những đắng cay, thách thức tột cùng trong cuộc đời của nàng Kiều. Các nghệ sỹ cũng thể hiện xuất sắc nội tâm phức tạp của nhiều người phụ nữ như Hoạn Thư, Đạm Tiên…

Biên đạo múa Tuyết Minh chia sẻ khi chọn ballet để dàn dựng tác phẩm, trước hết phải hình thành phong cách xuyên suốt với kết cấu ngôn ngữ múa. Với ballet, diễn viên nữ phải thể hiện trên giày mũi cứng, diễn viên nam phải thể hiện được kỹ thuật nền tảng của ballet cổ điển châu Âu.

Mặt khác, để thể hiện được tâm hồn Việt, khắc họa được nét tính cách nhân vật điển hình, các diễn viên phải thấm đẫm văn hóa phương Đông, cốt cách, tinh thần, bản sắc văn hóa của người Việt. Do đó, mỗi cử chỉ, động tác hay tổ hợp múa đều phải chắt lọc, thủ pháp mang tính sáng tạo cao thì mới đủ chuyển tải hết tinh, khí, thần của các lớp diễn.

Âm nhạc cũng là một điểm nhấn khi có sự kết hợp phong cách của hai nhạc sỹ Vũ Việt Anh và Chinh Ba. Âm nhạc của nhạc sỹ Việt Anh mang âm hưởng châu Âu đa tầng, đa diện, có phong cách hòa thanh hiện đại, mới mẻ, sử dụng âm hưởng dàn nhạc, hiệu quả trong những đại cảnh và diễn tả nội tâm.

Nhạc sỹ Việt Anh được khán giả biết đến với những ca khúc như “Dòng sông lơ đãng," “Không còn mùa Thu," “Hoa có vàng nơi ấy”… Sau khi tốt nghiệp cao học sáng âm nhạc tại New Zealand, nhạc sỹ Vũ Việt Anh đã sáng tạo nhiều tác phẩm dành cho khí nhạc và hợp xướng được giới chuyên môn đánh giá cao.

Nghệ sỹ Chinh Ba lại mang đến không gian âm nhạc ấn tượng khi khai thác những âm thanh vocal hòa trộn cùng nhạc cụ truyền thống, không dựa trên điệu thức châu Âu. Những âm hưởng của nhạc cụ truyền thống xuất hiện trong các phân khúc kịch tính, lột tả tính cách dữ dội sẽ mang lại những cảm xúc đặc biệt cho khán giả.

Vở ballet “Kiều” cũng sử dụng một số hiệu ứng sân khấu đặc biệt về ánh sáng, hologam (kỹ thuật toàn ảnh) và trình diễn trên cao mở rộng không gian và gây ấn tượng mạnh về thị giác.

Ballet “Kiều” được chuyển thể từ tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. Đây là một kiệt tác của văn học Việt Nam, được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Ballet “Kiều” đã giành giải Xuất sắc tại Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2022.

Nghệ sỹ Tuyết Minh đã giành được nhiều thành tích xuất sắc trong hoạt động nghệ thuật. Cô sở hữu một gia tài 14 vở ballet và múa đương đại trong vai trò đạo diễn, tác giả kịch bản và biên đạo múa.

Biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng đã tốt nghiệp biên đạo múa tại Học viện Múa Fontys (Hà Lan), công tác tại Hà Lan và châu Âu. Về nước, anh làm việc ở Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch Thành phố Hồ Chí Minh. Anh liên tục cho ra mắt những phẩm múa thành công, chuyển tải được tinh thần con người Việt Nam, nhịp sống, tư duy của cuộc sống hiện đại, ngôn ngữ múa sáng tạo, hiện đại của các dòng chảy nghệ thuật trên thế giới.

Trước đó, hồi đầu tháng 4, HBSO đã biểu diễn tổ khúc ballet “Carmen” (ballet suite) kinh điển, nổi tiếng thế giới tại Nhà hát Thành phố. Đây là chương trình được mong đợi hằng năm của khán giả yêu mến nghệ thuật múa.

Trong chương trình còn có hai tác phẩm ballet mang phong cách mới, táo bạo và ấn tượng của biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng và Julien Guérin. Sự kết hợp của 3 tác phẩm này góp phần tạo nên một đêm diễn hấp dẫn khán giả.

“Carmen” là vở opera thế kỷ 19 của nhà soạn nhạc người Pháp Georges Bize. Đây là một trong những tác phẩm được yêu thích nhất của loại hình nghệ thuật opera, mặc dù ban đầu nó đã gây sốc cho khán giả vì phá vỡ các quy ước và kỳ vọng.

Lấy bối cảnh ở miền nam Tây Ban Nha, nữ nhân vật chính dụ dỗ người lính trẻ, Don José, từ bỏ nghĩa vụ và tình yêu thời thơ ấu. Nhưng rồi Carmen lại phải lòng Escamillo, một đấu sỹ đấu bò hào hoa và táo bạo.

Mối tình tay ba dẫn đến bi kịch ghen tuông, thậm chí chết người đã gây sửng sốt cho khán giả.

Năm 1967, nhà soạn nhạc người Nga Rodion Shchedrin đã tìm cách chuyển soạn vở diễn opera 4 màn thành một vở ballet một màn. Tác giả Schedrin đã được biên đạo múa người Cuba Alberto Alonso hỗ trợ các ý tưởng triển khai vở ballet.

Lấy cảm hứng từ phong cách táo bạo, tài năng của các nghệ sỹ, biên đạo múa Alonso đã dựng lên vũ đạo với ngôi sao ballet Maya Plisetskaya (cũng là vợ của tác giả Schedrin) trong vai chính.

Thay vì diễn giải nội dung của vở opera gốc, Shcerdrin mô tả tác phẩm mới như là "sự gặp gỡ sáng tạo của những ý tưởng lớn."

Đặc biệt, các giai điệu quen thuộc của vở opera đã được chuyển đổi một cách sinh động thông qua việc chuyển soạn lại cho dàn dây và bộ gõ.

Vở ballet ban đầu chưa được đánh giá cao vì đã sử dụng các phong cách khác biệt để kể một câu chuyện vốn đã quen thuộc. Phải tới hơn 50 năm sau đó vở ballet mới tiếp tục được trình diễn trên khắp thế giới.

Nghệ sỹ Nhân dân Kim Quy đã mang tác phẩm nổi tiếng này lên sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh. Nghệ sỹ Nguyễn Thu Trang đảm nhiệm vai Carmen. Cùng trình diễn với cô có Nghệ sỹ ưu tú Hồ Phi Điệp (vai Don José) và nghệ sỹ Đặng Minh Hiền (vai Escamillo).

Song hành cùng tổ khúc ballet “Carmen” trong chương trình là hai tác phẩm múa độc đáo với phong cách ballet tân cổ điển là “Dépaysement” và “Falling Angels," đưa ra những cách lý giải về thân phận con người.

“Dépaysement” trong tiếng Pháp là từ mô tả cảm giác xa nhà và mất phương hướng khi đến môi trường xa lạ. Tác phẩm do nhà biên đạo xuất sắc Julien Guérin thực hiện. Tác phẩm càng thêm ấn tượng với phần âm nhạc là đoạn trích các tác phẩm nổi tiếng của nhà soạn nhạc Frédéric Chopin và Ludwig van Beethoven.

“Thiên thần sa ngã” (Falling Angels) của biên đạo Nguyễn Phúc Hùng là sáng tác mới, do hai tài năng trẻ Sùng A Lùng và Đỗ Hoàng Khang Ninh thể hiện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.