Tuy nhiên, không hiểu sao cơ sở này vẫn quảng cáo và thực hiện “phẫu thuật hút mỡ bụng”?. Điều đáng lưu ý là sau khi nạn nhân N.T.N.T tử vong, Hội đồng khoa học Sở Y tế TP.HCM vẫn không “bàn” đến chuyện này?
Một phụ nữ tử vong sau khi hút mỡ bụng tại bệnh viện thẩm mỹ Gangwhoo |
Bệnh viện Gangwhoo phẫu thuật “chui”?
Như Ngày Nay đã thông tin, ngày 16/10, bà N.T.N.T (50 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) đến khám và làm phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) hút mỡ bụng tại Bệnh viện thẩm mỹ Gangwhoo ở địa chỉ 576-578 Cộng Hòa, P.13, Q.Tân Bình. Một ngày sau, bệnh nhân có dấu hiệu khó thở, được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu với tình trạng diễn biến nặng, sau đó tử vong lúc 21 giờ ngày 18/10.
Đến ngày 15/11, thông tin về hồ sơ pháp lý của bệnh viện Gangwhoo thông qua văn bản số 8513/SYT-TTr, Sở Y tế TP cho biết, bệnh viện hoạt động theo Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 290/BYT-GPHĐ, được Bộ Y tế cấp phép ngày 30/11/2020.
Trên cổng thông tin hoạt động khám chữa bệnh do chính Sở Y tế TP đăng tải thì phạm vi hoạt động của Gangwhoo được Bộ Y tế phê duyệt với chuyên khoa PTTM gồm các phẫu thuật như: tạo má lúm đồng tiền, xoá xăm cung lông mày, nâng cung lông mày, tạo hình gò má, tạo hình cằm chẻ, cằm lẹm, sửa da ở vùng mặt, vùng cổ; tạo hình mí mắt, mũi, môi, tai.
Và kèm theo nội dung: “Không được phẫu thuật tạo hình như nâng ngực; nâng vú; thu nhỏ quầng vú, núm vú; thu gọn thành bụng, mông, đùi; căng da mặt, mông, đùi; lấy mỡ cơ thể”.
Điều này có nghĩa trong phạm vi hoạt động được Bộ Y tế cấp phép, Gangwhoo không được thực hiện dịch vụ hút mỡ bụng bằng phẫu thuật. Tuy nhiên, thực tế vào ngày 16/10, cơ sở này đã thực hiện dịch vụ PTTM hút mỡ bụng cho bà N.T.N.T, và trước đó là thực hiện quảng cáo, đăng tin một cách công khai về dịch vụ này.
Quảng cáo của bệnh viện Gangwhoo |
Theo nội dung mà Bộ Y tế cấp phép thì bên cạnh việc hút mỡ bụng “chui” gây tử vong cho khách hàng, bệnh viện Gangwhoo còn hoạt động vượt phạm vi cho phép như nâng ngực.
Đáng chú ý, sau khi nạn nhân N.T.N.T tử vong do hút mỡ bụng, Sở Y tế TP đã chỉ đạo yêu cầu bệnh viện Gangwhoo tạm ngừng hoạt động. Thế nhưng bất chấp lệnh cấm, bệnh viện này vẫn tiếp tục hoạt động như: khám, tư vấn, xét nghiệm và nhận đặt cọc với khách hàng tới làm thẩm mỹ.
Thậm chí, bệnh viện Gangwhoo vẫn nhận phẫu thuật đặt túi ngực với giá 80 triệu đồng. Tuy nhiên, không hiểu vì sao sau khi xét nghiệm, thu tiền cọc của bệnh nhân và hẹn đến ngày 1/11/2021 phẫu thuật thì bác sĩ của bệnh viện Gangwhoo lại chặn liên lạc với khách hàng?!
Như vậy, từ ngày 30/11/2020, với thông tin được đăng tải công khai, Bộ Y tế đã quy định rõ với chức năng, chuyên môn cũng như ngành nghề mà bệnh viện Gangwhoo đăng ký và được cho phép, cũng như không được phép.
Sở Y tế TP “lập lờ”?
Sau khi sự cố xảy ra, ngày 25/10/2021, Thanh tra Sở Y tế có công văn số 1080/Ttra chuyển toàn bộ hồ sơ đến Công an Q.Tân Bình và Phòng An ninh Chính trị nội bộ (PA03) – Công an TP.HCM để xem xét, điều tra (khi cần) theo thẩm quyền…. Dư luận thắc mắc, vì sao bà N.T.N.T. tử vong sau phẫu thuật hút mỡ bụng nhưng Sở Y tế lại chuyển đến Cơ quan Công an quận/huyện và PA03. Trong khi PA03 phụ trách về mặt công tác chính trị, tư tưởng…?
Hội đồng chuyên môn làm việc về sự cố y khoa nghiêm trọng này. |
Tiếp đó, ngày 8/11, Sở Y tế TP đã lập Hội đồng khoa học để xem xét đánh giá vụ việc. Sở thông tin, qua đánh giá kiểm tra, Hội đồng kết luận: Người bệnh tử vong do sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan diễn tiến tối cấp do viêm cân mạc hoại tử thành bụng sau phẫu thuật hút mỡ bụng, cơ địa béo phì, tăng huyết áp, không thể xác định chính xác nguyên nhân tử vong do thiếu kết quả giải phẫu tử thi. Tuy nhiên, có thiếu sót trong ghi chép hồ sơ bệnh án về quá trình chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật hút mỡ bụng.
Kết luận này khiến cho gia đình nạn nhân vô cùng bức xúc vì thực tế Hội đồng khoa học làm việc có dấu hiệu không khách quan. Một số thành viên và ngay cả Chủ trì hội đồng (bác sĩ Lê Hành) không khác gì “thầy bói xem voi” khi nghe báo cáo mà không xem kỹ các giấy tờ pháp lý như phạm vi hoạt động, giấy phép hành nghề.
Theo ông Bùi Ngọc Vĩnh (chồng bà N.T.N.T), vì sao ông Lê Hành cho biết kết quả xét nghiệm sau này của vợ tôi có tìm ra vi khuẩn nhưng khi trả lời cho gia đình tôi, Sở Y tế không đề cập đến vấn đề này. Việc nhiễm trùng nhiễm khuẩn là do đâu?. Phương pháp và trang thiết bị hút mỡ bụng cho vợ tôi là phương pháp gì, có được nhập khẩu không? Tại sao kết luận Hội đồng khoa học không nêu rõ?.
Vụ việc tử vong sau hút mỡ đang có dấu hiệu rơi vào im lặng?! |
Chưa hết, trong khi Hội đồng khoa học và Sở Y tế TP khẳng định bệnh viện Gangwhoo “thiếu sót trong ghi chép hồ sơ bệnh án” nhưng lại “bỏ qua” việc kiểm tra rà soát hồ sơ phạm vi hoạt động nên đến nay “lộ” ra việc trong giấy phép do Bộ Y tế cấp cho bệnh viện Gangwhoo chưa có phạm vi hút mỡ bụng.
Dù có hàng loạt những dấu hiệu bất thường nghiêm trọng và đã gây ra hậu quả, song không hiểu sao sau khi nhận được báo cáo của Sở Y tế TP dựa vào kết luận của Hội đồng khoa học trên thì… vụ việc đang có dấu hiệu rơi vào im lặng?!
Có đủ cơ sở để khởi tố hình sự
Liên quan vấn đề này, trao đổi với PV Ngày Nay, một luật sư thuộc Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, khoản 3; khoản 7, Điều 6 Luật khám bệnh, chữa bệnh đã quy định rất cụ thể về các hành vi bị cấm, trong đó có hành vi “cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu”.
Do đó, trường hợp cơ sở khám chữa bệnh thực hiện việc cung cấp dịch vụ vượt quá phạm vi hoạt động đã đăng ký mà không thuộc trường hợp buộc phải cấp cứu theo luật, và dẫn đến hậu quả chết người thì cơ quan chức năng hoàn toàn có cơ sở để khởi tố vụ án với hành vi của “tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” được quy định tại Điều 129 Bộ luật hình sự.
Đồng thời, luật sư này lưu ý thêm, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hiện nay, khi cơ quan chức năng thụ lý và xem xét, nếu xét thấy có cơ sở và dấu hiệu của tội danh này sẽ tiến hành khởi tố vụ án mà không phụ thuộc vào việc bị hại có đơn yêu cầu hay không.
Cụ thể, khoản 3 và khoản 7 Điều 6 của luật này quy định cấm hai hành vi sau:
Thứ nhất, “Hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu”.
Thứ hai, “Quảng cáo không đúng với khả năng, trình độ chuyên môn hoặc quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động; lợi dụng kiến thức y học cổ truyền hoặc kiến thức y khoa khác để quảng cáo gian dối về phương pháp chữa bệnh, thuốc chữa bệnh”.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, với một sai phạm nghiêm trọng như trên, lại chưa một lần được Sở Y tế TP đề cập đến?. Chưa kể, đến nay cơ quan chưc năng cũng chưa công bố việc bác sĩ Phùng Mạnh Cường và bệnh viện Gangwhoo có hay không việc kéo dài thời gian, không cho bệnh nhân chuyển viện cấp cứu, làm xấu đi tình trạng diễn biến nặng, chặn đứng cơ hội cứu lấy tính mạng người bệnh?!