Một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Donald Trump hôm nay, 23/5, tiết lộ với tờ Washington Post rằng Mỹ đang thảo luận khả năng tiến hành một vụ thử hạt nhân có kiểm soát.
Người này cho rằng việc tiến hành một vụ thử ngắn có thể mang lại nhiều lợi ích cho Mỹ trong quá trình đàm phán ba bên với Nga và Trung Quốc về thỏa thuận liên quan đến vũ khí hạt nhân.
Lần cuối cùng Mỹ tiến hành một cuộc thử nghiệm kiểu này là vào năm 1992.
Lí do khiến Mỹ bất ngờ có ý định thử hạt nhân sau 30 năm - theo nguồn tin trên - có liên quan đến cáo buộc cho rằng Nga và Trung Quốc đã nối lại thử nghiệm đạn hạt nhân năng suất thấp. Tuy nhiên, thông tin này không được Moscow và Bắc Kinh xác nhận.
Ý tưởng thử hạt nhân xuất hiện vào ngày 15/5, nhưng được cho là đã bị gạt qua một bên.
“Vẫn còn một số người cho rằng đây là ý tưởng tồi tệ, ơn Chúa”, một quan chức giấu tên nói với The Guardian.
Việc đưa các thiết bị hạt nhân vào thử nghiệm là hành vi bị cấm theo Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) năm 1996. Hiệp ước được kí kết bởi 184 quốc gia, và được Nga phê chuẩn 4 năm sau đó. Tuy nhiên, hiệp ước hiện vẫn chưa có hiệu lực, vì có 8 quốc gia chưa phê chuẩn, bao gồm Mỹ.
Washington, trong vài năm gần đây, đã tự rút khỏi một số thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng.
Năm 2019, chính quyền ông Trump đã rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung 1987 với Nga, sau khi cáo buộc Moscow vi phạm thỏa thuận. Tuyên bố này bị Kremlin bác bỏ.
Trong tuần này, ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở mà nước này đã kí kết với hơn 30 quốc gia khác, bao gồm Nga và các thành viên NATO. Hiệp ước cho phép các nước thành viên thực hiện chuyến bay giám sát qua lãnh thổ các nước khác.
Hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng cuối cùng mà Mỹ chưa từ bỏ là thỏa thuận START Mới năm 2010, được kí kết nhằm mục đích giảm một nửa số bệ phóng tên lửa của Mỹ và Nga.
Hiệp ước hết hạn vào tháng 2 năm sau, nhưng Mỹ cho biết sẽ không gia hạn hiệp ước nếu không đưa Trung Quốc vào đàm phán.