Ngày 28/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết vẫn chưa rõ biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 có dễ lây truyền hơn so với các biến thể khác hay không hoặc biến thể mới này có khiến bệnh nặng hơn hay không.
Tuyên bố của WHO nêu rõ: "Dữ liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ số ca nhập viện ở Nam Phi gia tăng, nhưng điều này có thể là do số người nhiễm bệnh tăng, không phải là do nhiễm riêng biến thể Omicron."
Tuy nhiên, WHO nhắc lại rằng bằng chứng sơ bộ cho thấy nguy cơ tái nhiễm biến thể này có thể cao hơn. Hiện WHO đang làm việc với các chuyên gia để tìm hiểu tác động tiềm tàng của biến thể Omicron đối với các biện pháp ứng phó COVID-19 hiện nay, bao gồm cả tiêm vaccine.
[Israel cho phép dùng công nghệ giám sát người mắc biến thể Omicron]
WHO lưu ý: "Hiện tại không có thông tin cho thấy rằng các triệu chứng liên quan biến thể Omicron khác với những triệu chứng liên quan các biến thể khác. Các trường hợp nhiễm Omicron được ghi nhận ban đầu trong số các sinh viên đại học. Những người trẻ có xu hướng mắc bệnh nhẹ hơn. Nhưng cần vài ngày đến vài tuần mới biết được mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron."
Theo WHO, các xét nghiệm PCR tiếp tục phát hiện được biến thể Omicron. Các nghiên cứu đang được tiến hành để xác định có ảnh hưởng nào đối với phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên hay không.
Ngày 26/11, WHO đã xác định biến thể Omicron là biến thể đáng lo ngại. Theo đó, Omicron nằm trong danh sách các biến thể có nguy cơ nhất của virus SARS-CoV-2, bên cạnh các biến thể Delta, Alpha, Beta và Gamma.