RT dẫn bản thông báo của Wikileaks trên Twitter cho biết: "Một cuộc tấn công nhắm vào ông Putin đã được lên kế hoạch bởi Trung tâm nghiên cứu tham nhũng và tội phạm có tổ chức (OCCRP), do USAID (Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ) và quỹ Soros tài trợ.
OCCRP đã làm một công việc tốt, nhưng việc Chính phủ Mỹ trực tiếp tài trợ cho kế hoạch tấn công ông Putin với Hồ sơ Panama đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự trung thực của các tài liệu này".
Ảnh minh họa.
Quỹ Soros do tỷ phú Mỹ George Soros sáng lập cũng không có một cái nhìn "thiện cảm" với Nga. Năm ngoái, Văn phòng Công tố Nga đã đánh giá Quỹ Soros đe dọa đến trật tự hiến pháp và an ninh quốc gia Nga, do đó cấm công dân Nga và các tổ chức tham gia vào hoạt động của quỹ này.
Đầu tuần trước, người đứng đầu Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã khẳng định rằng ông Putin không phải là trung tâm của vụ bê bối tài chính này. "Đây không chỉ là câu chuyện về Nga mà còn là vấn đề che dấu giao dịch tài chính quy mô toàn thế giới", người đứng đầu ICIJ, ông Gerard Ryle nói trên TASS.
Ngoài việc tố cáo Mỹ đứng sau Hồ sơ Panama, Wikileaks cũng kêu gọi ICIJ công bố toàn bộ các trang tài liệu rò rỉ công khai lên mạng internet để tất cả mọi người có thể truy cập.
"Hồ sơ Panama nên được công khai trước công chúng để mọi người, không chỉ một nhóm nhà báo công tác thu thập và phân tích tài liệu có thể truy cập vào kho dữ liệu khổng lồ này", phát ngôn viên Wikileaks, ông Kristinn Hrafnsson nói.
Hrafansson nói trên RT rằng, ông không cảm thấy ngạc nhiên khi trong 11,5 tài liệu của Công ty luật Mossack không có tên của các nhân vật quan trọng ở Mỹ. "Dường như vụ rò rỉ thông tin chấn động này không ảnh hưởng nhiều đến các lợi ích của Mỹ".
Vụ rò rỉ Hồ sơ Panama đang là tâm điểm của sự chú ý trên thế giới khi nó hé lộ về một vụ tham nhũng toàn cầu, cũng như những bí mật của giới nhà giàu trên toàn thế giới.
Theo các kết quả điều tra 11,5 triệu tài liệu bị rò rỉ của Mossack Fonseca ở Panama, công ty luật này đã tạo ra một "thiên đường trốn thuế," qua đó giúp khoảng 140 chính trị gia, gồm cả 12 nhà lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo các nước, cùng những ngôi sao thể thao, trùm ma túy... trốn nộp thuế.
Số tài liệu này đã ghi lại hoạt động hàng ngày của công ty luật Mossack Fonseca trong suốt 40 năm (từ năm 1975). Đây được xem vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất trong lịch sử từ trước đến nay.
Đăng Nguyễn