Điều nhân loại còn thiếu trong cuộc chiến chống Covid-19

(Ngày Nay) - Nhiều người đổ lỗi cho sự lây lan của dịch Covid-19 là do toàn cầu hóa và nói rằng cách duy nhất để ngăn chặn những dịch bệnh tương tự đó là đảo ngược quá trình này (de-globalize), tiêu biểu là dựng lên bức tường biên giới, hạn chế đi lại, giảm giao thương.

Điều nhân loại còn thiếu trong cuộc chiến chống Covid-19 ảnh 1

Tuy nhiên, dù các động thái này có thể là điều cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh trong ngắn hạn, nhưng việc tự cô lập về lâu dài sẽ dẫn đến sự sụp đổ kinh tế mà không đem lại bất kỳ lợi ích nào trong việc ngăn ngừa dịch bệnh. Liều vaccine hữu hiệu nhất cho thế giới hiện tại không phải là sự phân biệt, mà là sự hợp tác.

Dịch bệnh đã giết chết hàng triệu người từ trước khi khái niệm toàn cầu hóa ra đời. Vào thế kỷ 14, không có máy bay và tàu du lịch, nhưng dịch hạch đã lan từ Đông Á sang Tây Âu trong vòng chưa đầy một thập kỷ. “Cái chết đen” đã giết chết từ 75 triệu đến 200 triệu người - hơn 1/4 dân số Á-Âu thời đó.

Vào tháng 3 năm 1520, những con tàu thám hiểm Tây Ban Nha đầu tiên đã thả neo ở bờ biển Mexico đem theo các mầm bệnh từ “Cựu thế giới”. Thời điểm đó, Trung Mỹ không có xe lửa, xe buýt hay thậm chí là lừa. Tuy nhiên, đến tháng 12, một đại dịch đậu mùa – vốn hoàn toàn xa lạ với “Tân thế giới”, đã tàn phá toàn bộ đế chế Aztec, giết chết 1/3 dân số khu vực Trung Mỹ.

Năm 1918, một đại dịch cúm đã bùng phát và tưởng như đã khiến cả nhân loại rơi vào họa diệt chủng. Căn bệnh bí ẩn với tên gọi cúm Tây Ban Nha đã lây nhiễm cho nửa tỷ người, tương đương khoảng 1/4 dân số thế giới.

Ước tính, đại dịch này đã quét sạch 5% dân số Ấn Độ, 14% số người trên đảo Tahiti và 20% đảo Samoa. Nhìn chung, dịch cúm bí ẩn này đã giết chết hàng chục triệu người trong vòng chưa đầy một năm, số lượng người tử vong do cúm Tây Ban Nha còn lớn hơn số người thiệt mạng trong Thế chiến thứ I.

Điều nhân loại còn thiếu trong cuộc chiến chống Covid-19 ảnh 2

Nhân loại chỉ nhớ tới đại dịch cúm Tây Ban Nha qua những bức ảnh đen trắng.

Kể từ đó, loài người trở nên dễ bị tổn thương hơn trước các loại dịch bệnh, do sự nảy nở dân số và giao thông phát triển. Một đô thị hiện đại như Tokyo hay Mexico City tiềm ẩn nhiều mầm bệnh hơn so với thành phố Florence thời trung cổ, còn mạng lưới giao thông toàn cầu ngày nay đã hoàn toàn dày đặc so với năm 1918.

Một chủng virus có thể di chuyển từ Paris đến Tokyo và Mexico City trong vòng chưa đầy 24 giờ. Do đó, chúng ta sẽ phải liên tục đối mặt với các đại dịch.

Tuy nhiên, cả tỷ lệ mắc và ảnh hưởng của dịch bệnh đã thực sự giảm đáng kể. Bất chấp những đợt bùng phát khủng khiếp như AIDS và Ebola trong thế kỷ XXI, số lượng người tử vong nhỏ hơn rất nhiều so với các thời kỳ trước đây.

Nhân loại vẫn sống tốt qua từng đợt dịch bệnh không phải nhờ sự cô lập, mà là bởi thông tin.

Chúng ta đã chiến thắng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh bởi vì trong cuộc chạy đua vũ trang giữa dịch bệnh và bác sĩ, các mầm bệnh chỉ dựa vào các thể đột biến trong khi bác sĩ có thể phân tích đối thủ dựa vào thông tin khoa học.

Khi “Cái chết đen” xảy ra vào thế kỷ 14, không ai biết thực sự nguyên nhân gây ra đại dịch này. Loài người lúc này chỉ biết lý giải bệnh tật là do cơn thịnh nộ của thần linh, ác quỷ và không mảy may nghi ngờ về sự tồn tại của các vi khuẩn.

Tổ tiên chúng ta từng chỉ vào thần thánh và ma quỷ, nhưng họ không thể tưởng tượng rằng một giọt nước cũng có thể xóa sổ cả một quốc gia. Do đó, khi “Cái chết đen” hoặc bệnh đậu mùa xuất hiện, điều tốt nhất mà các chính quyền có thể làm là tổ chức các buổi lễ cầu nguyện hoặc trừ tà. Điều này chỉ làm nghiêm trọng thêm vấn đề bởi việc tụ tập đông người tạo ra môi trường lây lan lý tưởng cho các virus.

Trong thế kỷ qua, các nhà khoa học, bác sĩ và y tá trên khắp thế giới đã tổng hợp thông tin và cùng nhau tìm hiểu các cơ chế đằng sau dịch bệnh và phương án chống lại chúng. Thuyết tiến hóa đã giải thích tại sao và làm thế nào các bệnh mới bùng phát và các bệnh cũ trở nên độc hại hơn.

Điều nhân loại còn thiếu trong cuộc chiến chống Covid-19 ảnh 3

Di truyền học cho phép các nhà khoa học theo dõi cơ chế phát triển của mầm bệnh. Mặc dù người Trung cổ chưa bao giờ phát hiện ra nguyên nhân gây ra “Cái chết đen”, nhưng các nhà khoa học ngày nay chỉ mất 2 tuần để xác định được virus corona đứng sau đại dịch chết người Covid-19, giải mã bộ gen của nó và phát triển kit thử nghiệm và vaccine.

Một khi các nhà khoa học hiểu nguyên nhân gây ra dịch bệnh, việc chống lại chúng trở nên dễ dàng hơn nhiều. Tiêm vaccine, kháng sinh, cải thiện tình trạng vệ sinh và cơ sở hạ tầng y tế đã cho phép loài người chiếm thế thượng phong trước “những kẻ săn mồi vô hình”.

Năm 1967, bệnh đậu mùa vẫn lây nhiễm cho 15 triệu người và giết chết 2 triệu người trong số đó. Nhưng trong thập kỷ tiếp theo, một chiến dịch tiêm phòng bệnh đậu mùa toàn cầu đã rất thành công, cho đến năm 1979, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố rằng nhân loại đã chiến thắng, và bệnh đậu mùa đã bị xóa bỏ hoàn toàn. Năm 2019, không một người nào còn mắc phải căn bệnh đáng sợ này nữa.

Bảo vệ biên giới của chúng ta

Vậy lịch sử đã dạy cho chúng ta điều gì về dịch Covid-19 hiện tại?

Đầu tiên, nó ngụ ý rằng chúng ta không thể tự bảo vệ mình bằng cách đóng cửa biên giới vĩnh viễn. Hãy nhớ rằng dịch bệnh lây lan nhanh chóng ngay cả trong thời trung cổ, rất lâu trước thời đại toàn cầu hóa. Vì vậy, ngay cả khi đóng cửa toàn bộ biên giới, hạn chế hoạt động đi lại thì vẫn là chưa đủ. Nếu lựa chọn phương pháp đóng cửa, cách ly để ngăn chặn dịch bệnh, chúng ta không chỉ quay trở lại thời kỳ Trung cổ, mà phải là thời kỳ Đồ đá.

Thứ hai, lịch sử chỉ ra rằng sự bảo vệ thực sự đến từ việc chia sẻ thông tin khoa học đáng tin cậy và tinh thần đoàn kết toàn cầu. Khi một quốc gia bị dịch bệnh tấn công, họ nên sẵn sàng chia sẻ trung thực thông tin dịch bệnh mà không sợ khủng hoảng kinh tế, trong khi các quốc gia khác có thể tin tưởng vào thông tin đó và nên sẵn sàng giúp đỡ hơn là tẩy chay nạn nhân.

Ngày nay, Trung Quốc có thể dạy cho các quốc gia trên toàn thế giới nhiều bài học quan trọng về cách kiểm soát và phóng chống dịch Covid-19, nhưng điều này đòi hỏi sự tin tưởng và hợp tác quốc tế cao độ.

Điều nhân loại còn thiếu trong cuộc chiến chống Covid-19 ảnh 4

Hợp tác quốc tế cũng cần thiết cho các biện pháp kiểm dịch hiệu quả. Kiểm dịch và phong tỏa là điều cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Nhưng nếu các quốc gia không tin tưởng lẫn nhau, các chính phủ sẽ trở nên ngần ngại khi thực hiện các biện pháp quyết liệt như vậy.

Nếu bạn phát hiện ra 100 trường hợp nhiễm bệnh ở nước mình, liệu bạn sẽ ngay lập tức phong tỏa toàn bộ thành phố và khu vực? Ở một mức độ lớn, điều này phụ thuộc vào những gì bạn mong đợi từ các quốc gia khác. Phong tỏa các thành phố của bạn có thể dẫn đến sụp đổ kinh tế. Nếu bạn nghĩ rằng các quốc gia khác sẽ giúp đỡ mình - bạn sẽ có nhiều khả năng áp dụng biện pháp quyết liệt này. Nhưng nếu bạn nghĩ rằng mình sẽ bị các quốc gia khác bỏ rơi, có lẽ bạn sẽ do dự cho đến khi tình hình trở nên quá muộn.

Có lẽ điều quan trọng nhất mà mọi người nên nhận ra về những dịch bệnh này, đó là sự lây lan của dịch bệnh ở bất kỳ quốc gia nào cũng đe dọa toàn bộ nhân loại. Điều này là bởi cơ chế tiến hóa của virus. Virus corona bắt nguồn từ động vật, chẳng hạn như dơi. Khi lây sang người, ban đầu virus không thích nghi với vật chủ mới này. Trong khi sao chép bên trong con người, virus đôi khi trải qua các đột biến.

Hầu hết các đột biến đều vô hại. Nhưng thỉnh thoảng một đột biến làm cho virus lây nhiễm nhiều hơn hoặc kháng lại hệ thống miễn dịch của con người và chủng virus đột biến này sau đó sẽ nhanh chóng lây lan trong quần thể người.

Vì một người duy nhất có thể lưu trữ hàng nghìn tỷ virus trải qua quá trình sao chép liên tục, mỗi người nhiễm bệnh đem tới hàng nghìn tỷ cơ hội mới để virus thích nghi với con người. Mỗi người mang mầm bệnh giống như một cỗ máy đánh bạc cung cấp cho virus hàng nghìn tỷ tờ vé xổ số và chúng chỉ cần rút ra chỉ một tờ trúng thưởng để bùng phát thành đại dịch.

Đây không chỉ là suy đoán. Cuốn sách ‘Crisis in the Red Zone’ của tác giả Richard Preston mô tả chính xác một chuỗi các sự kiện như vậy trong vụ dịch Ebola 2014. Sự bùng phát bắt đầu khi một số virus Ebola chuyển từ dơi sang người. Những loại virus này khiến con người bị bệnh nặng, nhưng chúng vẫn thích nghi với việc sống bên trong loài dơi hơn là với cơ thể con người.

Điều nhân loại còn thiếu trong cuộc chiến chống Covid-19 ảnh 5

Đại dịch Ebola bắt nguồn từ Tây Phi sau đó lan rộng ra thế giới.

Điều đã biến Ebola từ một căn bệnh tương đối hiếm gặp thành dịch bệnh hoành hành đó là một đột biến ở một gen duy nhất của một virus Ebola đã lây nhiễm cho một người duy nhất. Đột biến này đã cho phép chủng Ebola biến đổi liên kết với các chất vận chuyển cholesterol của tế bào người. Do đó, thay vì cholesterol, virus Ebola đã được vận chuyển vào các tế bào. Chủng virus Ebola bắt nguồn ở Tây Phi có sức lây nhiễm cao gấp 4 lần cho con người.

Khi bạn đọc những dòng này, có lẽ một đột biến tương tự đang diễn ra trong một gen duy nhất trong virus corona đã lây nhiễm cho một số người ở Tehran, Milan hoặc Vũ Hán. Nếu điều này thực sự xảy ra, đây là mối đe dọa trực tiếp không chỉ với người Iran, người Ý hay người Trung Quốc, mà cả mạng sống của bạn nữa. Nhân loại chắc chắn không muốn cho virus corona một cơ hội để phát triển. Và điều đó có nghĩa là chúng ta cần bảo vệ mọi người ở mọi quốc gia.

Trong những năm 1970, loài người đã đánh bại được virus đậu mùa vì tất cả mọi người ở tất cả các quốc gia đều được tiêm phòng vaccine. Nếu chỉ một quốc gia không tiêm phòng cho dân số của mình, điều này có thể gây nguy hiểm cho toàn nhân loại, bởi vì chừng nào virus đậu mùa tồn tại và phát triển ở đâu đó, nó luôn có thể lây lan trở lại ở mọi nơi.

Trong cuộc chiến chống lại virus, loài người cần bảo vệ chặt chẽ biên giới. Nhưng không phải biên giới giữa các quốc gia. Thay vào đó, chúng ta cần bảo vệ biên giới giữa thế giới loài người và virus. Môi trường chúng ta sống đang hợp tác với vô số virus và chúng cũng liên tục phát triển nhờ đột biến gen. Đường biên giới ngăn cách virus với thế giới loài người nằm lẫn ngay bên trong cơ thể của mỗi con người. Nếu một loại virus nguy hiểm tìm cách xâm nhập biên giới này ở bất cứ đâu trên Trái đất, nó sẽ khiến cả loài người gặp nguy hiểm.

Trong thế kỷ qua, nhân loại đã củng cố biên giới này hơn bao giờ hết. Các hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đại đã được thiết lập để phục vụ như một bức tường bảo vệ ở biên giới đó, còn các y tá, bác sĩ và nhà khoa học là những người bảo vệ tuần tra và đẩy lùi những kẻ xâm nhập.

Tuy nhiên, không phải mọi ngóc ngách của bức tường này đều được giám sát cẩn thận. Có hàng trăm triệu người trên khắp thế giới không được tiếp cận hệ thống y tế cơ bản. Điều này gây nguy hiểm cho tất cả chúng ta. Chúng ta đã quen với khái niệm y tế theo nghĩa quốc gia, nhưng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người Iran và người Trung Quốc cũng giúp bảo vệ người Israel và người Mỹ khỏi dịch bệnh. Sự thật đơn giản này nên được phổ biến, nhưng thật không may, một số yếu nhân của thế giới thậm chí không nhận ra nó.

Một thế giới thiếu lãnh đạo

Ngày nay, loài người phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng cấp tính không chỉ do virus corona mà còn do sự thiếu tin tưởng giữa đồng loại. Để đánh bại một dịch bệnh, mọi người cần tin tưởng các chuyên gia khoa học, công dân cần tin tưởng các cơ quan công quyền, và các quốc gia cần tin tưởng lẫn nhau.

Trong vài năm qua, các chính trị gia vô trách nhiệm đã cố tình phá hoại niềm tin vào khoa học, các cơ quan công quyền và sự hợp tác quốc tế. Kết quả là, chúng ta hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mà thiếu đi các nhà lãnh đạo toàn cầu có thể truyền cảm hứng, tổ chức và thiết lập một phản ứng toàn cầu.

Điều nhân loại còn thiếu trong cuộc chiến chống Covid-19 ảnh 6

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để đối phó với dịch Covid-19.

Trong đại dịch Ebola 2014, Mỹ đã đóng vai trò là nhà lãnh đạo toàn cầu. Nước này từng hoàn thành một vai trò tương tự trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nhưng trong những năm gần đây, Mỹ đã từ bỏ vai trò là nhà lãnh đạo toàn cầu.

Chính quyền Trump hiện tại đã cắt giảm hỗ trợ cho các tổ chức quốc tế như WHO và đã nói rõ với thế giới rằng họ không có bạn bè thực sự mà chỉ có lợi ích. Khi cuộc khủng hoảng Covid-19 nổ ra, nước Mỹ chọn cách đứng bên lề và cho đến nay đã kiềm chế không giữ vai trò lãnh đạo. Ngay cả khi cuối cùng họ cố gắng nắm quyền lãnh đạo, niềm tin vào chính quyền Mỹ hiện tại đã bị xói mòn đến mức rất ít quốc gia sẽ sẵn sàng tuân theo. Liệu họ có tin tưởng một nhà lãnh đạo chỉ biết đặt lợi ích của mình lên trên hết?

Khoảng trống mà Mỹ để lại đã không được lấp đầy bởi bất kỳ quốc gia nào khác. Chủ nghĩa bài ngoại (xenophobia), chủ nghĩa cô lập (isolationism) và mất lòng tin hiện là biểu hiện của hầu hết các hệ thống quốc tế.

Nếu không có niềm tin và sự đoàn kết toàn cầu, chúng ta sẽ không thể ngăn chặn dịch Covid-19 và chúng ta có thể sẽ trải qua nhiều dịch bệnh tương tự trong tương lai. Nhưng mỗi cuộc khủng hoảng cũng là một cơ hội. Hy vọng rằng dịch bệnh hiện tại sẽ giúp loài người nhận ra mối nguy hại do mất sự đoàn kết toàn cầu.

Lấy một ví dụ nổi bật, dịch bệnh có thể là cơ hội vàng cho Liên minh châu Âu (EU) để giành lại sự ủng hộ mà họ đã mất trong những năm gần đây. Nếu các thành viên giàu có của EU nhanh chóng và hào phóng gửi tiền, thiết bị và nhân viên y tế để giúp đỡ những quốc gia đang bị dịch bệnh bủa vây, điều này sẽ chứng minh giá trị của lý tưởng châu Âu tốt hơn bất kỳ số bài phát biểu nào. Mặt khác, nếu mỗi quốc gia phải tự bảo vệ mình, thì dịch bệnh có thể là tiếng chuông báo tử của cả liên minh.

Trong thời khắc khủng hoảng này, cuộc đấu tranh quyết định diễn ra trong chính loài người. Nếu dịch bệnh này dẫn đến sự mất đoàn kết và mất lòng tin lớn hơn ở con người, thì đó sẽ là chiến thắng lớn nhất của virus. Khi con người còn đang mải tranh cãi, virus sẽ lây lan gấp đôi. Ngược lại, nếu dịch bệnh dẫn đến sự hợp tác toàn cầu chặt chẽ hơn, đó sẽ là một chiến thắng không chỉ chống lại Covid-19, mà còn chống lại tất cả các mầm bệnh trong tương lai.

Bài viết của tác giả Noah Harari - nhà sử học, triết gia Israel. Ông là tác giả của các cuốn sách bán chạy trên thế giới như Sapiens: Lược sử loài người (2014), Homo Deus: Lược sử tương lai (2016) và 21 bài học cho thế kỷ 21 (2018)

Theo Time
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
(Ngày Nay) - Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(Ngày Nay) - Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
(Ngày Nay) - Tối 21/11, tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình nghệ thuật dân ca trên thuyền và giao lưu các miền di sản chủ đề "Sắc màu di sản".
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
(Ngày Nay) - Mối quan hệ làng xóm cũng có những nhiêu khê và phức tạp, nếu không khéo thì từ thâm tình lại hóa ra giận ghét, thậm chí là oán thù. Cho nên Đức Phật rất tinh tế khi dạy phải thân kính với bà con.
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
(Ngày Nay) - Khi tôi nghe thấy tin có người nào đó vừa mất đi, tin ấy với tôi như tiếng chuông thức tỉnh. Tiếng chuông đó là một lời nhắc nhở sâu sắc về sự mong manh của kiếp người.
Oai nghi của người tu hành
Oai nghi của người tu hành
(Ngày Nay) - Oai nghi cùng với chánh kiến và tịnh giới là ba yếu tố làm nên đạo hạnh - phẩm chất của tu sĩ Phật giáo, như cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, bậc am tường kinh luật luận đã từng nhấn mạnh.
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.