Linh hồn bàn phím và sức sáng tạo vô hạn của người Việt trẻ

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tồn tại một khoảng cách rõ ràng giữa những người làm nghệ thuật và những người đam mê công nghệ số/phát triển ứng dụng. Thế nhưng, sự bay bổng, không giới hạn, điên cuồng trong sáng tạo lại có thể tìm thấy tiếng nói chung với sự tỉ mỉ, chính xác đến khô khốc của công nghệ, thông qua những nút nhựa nhiều màu.
Artisan keycap có thể đại diện cho cá tính, gu thẩm mỹ và độ "chịu chi" của người sử dụng. (Ảnh: Melonkeys)
Artisan keycap có thể đại diện cho cá tính, gu thẩm mỹ và độ "chịu chi" của người sử dụng. (Ảnh: Melonkeys)

Artisan keycap, hay phím nghệ thuật không chỉ đơn giản là một hòn nhựa vô tri nằm trên bàn phím, mà còn là một tác phẩm điêu khắc thủ công mang hơi thở của sáng tạo. Trên một bàn phím cơ học, sự xuất hiện của những phím nghệ thuật có thể mang lại cảm hứng nhiều hơn cho người sử dụng, được ví như "linh hồn bàn phím". Artisan keycap có thể đại diện cho cá tính, gu thẩm mỹ, độ “chịu chi” của người sử dụng, mặt khác, cũng có thể kể ra những câu chuyện về nghệ nhân làm ra chúng.

Trong mắt đa số công chúng Việt Nam, artisan keycap có thể vẫn còn nhiều bí ẩn, nhưng với dân công nghệ, đặc biệt là những người sử dụng bàn phím cơ trong nước, thì phím nghệ thuật và cái tên “Melonkeys” đã đạt được tiếng tăm nhất định. Tạp chí Ngày nay đã có cơ hội được kết nối với những người sáng lập ra thương hiệu artisan keycap đầy triển vọng này.

Câu chuyện bắt đầu từ những cơm áo gạo tiền

Từ những năm cấp 2, Huỳnh Thái (nickname: Melon, sn 1995) đã tìm thấy được đam mê với máy tính và trò chơi điện tử. Năm 2014, cuộc sống du học sinh tại Nhật Bản, một cường quốc về công nghệ, đã trao cho Huỳnh cơ hội tìm hiểu sâu hơn về sở thích của mình. Huỳnh tham gia những group máy tính và say mê học hỏi về lắp ráp, linh kiện.

Cũng từ đó, Huỳnh thu nhặt được nhiều kiến thức xoay quanh bàn phím cơ (mechanical keyboard) và phím nghệ thuật. Không riêng gì bàn phím, cả PC lẫn các phụ kiện đi kèm đều được cầu kỳ hóa theo thời gian và nhu cầu của người sử dụng. Vốn theo học chuyên ngành cơ khí, Huỳnh có thể mau chóng hiểu được cơ bản quá trình làm ra artisan keycap. Cậu nhận thấy mặc dù chi phí để làm ra nút phím này không quá lớn (khoảng 300,000 đồng), giá bán ra thị trường của một keycap lại rất cao (khoảng 2 triệu). Vì vậy, Huỳnh nung nấu việc làm artisan keycap để bán với mục đích trang trải cho chi phí sinh hoạt và học tập tại Nhật của mình.

Tuy nhiên, “càng làm càng thấy nó không đơn giản như mình nghĩ”, Huỳnh trải lòng về những khó khăn. Trong từ điển của Huỳnh không có từ “bỏ cuộc”, thế nhưng, những sản phẩm nút phím của cậu vẫn không được đón nhận. Mất một năm loay hoay, Huỳnh mới nhận ra vấn đề nằm ở khâu tạo hình. Cậu quyết định đi tìm một người có khả năng nặn, có thể điêu khắc trên nút phím, thể hiện được những ý tưởng sáng tạo điên rồ nhất, một người có thể đồng hành cùng cậu trên con đường xây dựng sự nghiệp artisan keycap.

Tháng 1/2020, Huỳnh gặp được Duy Anh (nickname: Wasabi, sn 1991) tại thành phố Kagoshima, Nhật Bản. Điểm chung giữa hai người là niềm đam mê sáng tạo ra những thứ độc đáo và mới lạ. Huỳnh đã nói với Duy Anh về ước mơ của mình và tiềm năng vô tận trong việc làm artisan keycap. Rồi cậu đưa cho Duy Anh một khối đất nặn và nói đơn giản: “Anh cứ nặn thử đi.”

Sau một ngày, Duy Anh đã cho ra đời mẫu sculpt (điêu khắc) đầu tiên. Sản phẩm còn nhiều điểm chưa hoàn thiện, thô sơ, cùng kích cỡ quá khổ so với một keycap tiêu chuẩn 18x18mm. “Nhưng mình có thể nhận thấy đó là một sản phẩm có hồn, có độ chi tiết và có phong cách rất riêng”.

Huỳnh biết, cậu đã gặp được người bạn đồng hành mình đang kiếm tìm. Cả hai bắt tay tạo nên cái tên “Melonkeys”.

Linh hồn bàn phím và sức sáng tạo vô hạn của người Việt trẻ ảnh 1

Mẫu nặn artisan keycap Phúc-Lộc-Thọ (Ảnh: Melonkeys)

Thời gian sau đó, Duy Anh liên tục nặn và nặn, cho ra đời thêm nhiều sculpt đa dạng. Độ hoàn thiện của các phím nghệ thuật ngày một cao hơn. Tràn đầy hy vọng, cả hai lên kế hoạch để tung những sản phẩm đầu tiên ra thị trường. Cuối tháng 2/2020, Melonkeys đã "chào sân" những thiết kế đầu tiên theo dạng mua theo nhóm (group buy).

Huỳnh cười: “Kết quả là khi đó chúng mình chỉ bán được duy nhất một nút. Khách bảo mua ủng hộ team mới, nhưng cho đến tận giờ, dù đã thanh toán đầy đủ, vị khách đó cũng chưa nhận hàng.” Đơn hàng đầu tiên đó vẫn nằm trang trọng tại Melonkeys, như một lời nhắc nhở về những ngày đầu gian khó.

Linh hồn bàn phím và sức sáng tạo vô hạn của người Việt trẻ ảnh 2

Những mẫu nút đầu tiên (Ảnh: Melonkeys)

Không chùn bước, Huỳnh và Duy Anh tiếp tục lao vào nâng cao tay nghề cũng như nghiên cứu kỹ lưỡng về chiến lược bán hàng, marketing. Sau lần bán đầu tiên, Melonkeys đã hoàn thiện cơ bản được website bán hàng cũng như các khâu liên quan đến đóng gói và gửi hàng. Lần thứ hai, thiên thời, địa lợi, nhân hòa, Melonkeys đã ghi nhận doanh số khả quan hơn.

Dần dần, cái tên Melonkeys bắt đầu nhận được sự chú ý của cộng đồng chơi bàn phím cơ và artisan keycap trong và ngoài nước. Huỳnh cùng Duy Anh cũng nhận ra để bán được hàng thì ngoài cải thiện nút, cần tạo được một cộng đồng những người thích sản phẩm của mình.

Vốn dĩ, những người có thú sưu tầm artisan keycap đa phần không có xuất phát điểm từ trong lĩnh vực nghệ thuật. Họ là dân công nghệ, những coder hay developer, thuộc dạng gắn liền phần đời mình với màn hình và bàn phím. Hai anh em đã quyết định lập ra sever Melonkeys trên discord, một phần mềm kết nối những người sử dụng bàn phím. Trên server này, Melonkey thông báo về các đợt mở bán, chia sẻ câu chuyện về các mẫu sculpt mới, từ tạo hình đến màu sắc.

Nút phím nghệ thuật không chỉ đẹp, mà còn cần phải "độc"

Nói về hình thức mua artisan keycap, người mua có 2 lựa chọn chính: group buy (một dạng pre-order, đặt hàng trước theo mẫu có sẵn) và raffle (quay xổ số và lựa chọn ngẫu nhiên người có thể mua những phiên bản giới hạn).

Đa số cộng đồng những người “chơi” bàn phím cơ và artisan keycap đều thích sưu tầm. Khách hàng săn đón những thứ hiếm, ít người có, thậm chí độc nhất vô nhị. Việc tiếp xúc với bàn phím gần như 24/7 đã kéo theo nhu cầu cá nhân hóa công cụ, một nhu cầu vô cùng chính đáng. Một phím nghệ thuật độc đáo, thậm chí độc nhất chính là lựa chọn hàng đầu dành cho dân “chơi” bàn phím. Các nút theo dạng raffle sẽ có giá cao hơn group buy, cũng như nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ cộng đồng.

Sau hai lần chạy group buy đầu tiên, Melonkeys chính thức chuyển sang bán hàng theo dạng raffle.

Linh hồn bàn phím và sức sáng tạo vô hạn của người Việt trẻ ảnh 3

Duy Anh chia sẻ: “Một nút phím nghệ thuật ngoài đẹp, còn cần khả năng “kể chuyện”, về lịch sử ra đời, cảm hứng sáng tác, một sự liên kết đến những nghệ nhân tạo ra chúng”. Melonkeys mong muốn có thể tạo nên một hệ sinh thái với những câu chuyện, những chuyến phiêu lưu xuyên suốt qua những sản phẩm như figure, phụ kiện phím cơ hay artisan box.

Các thành phẩm của Melonkeys được hai người sáng lập kỳ vọng đem đến cho khách hàng những trải nghiệm tuyệt vời, sự hồi hộp lúc chờ đợi, lúc nhận hộp sản phẩm, lúc khui ra và sự thăng hoa cảm xúc khi chiêm ngưỡng sản phẩm hoàn thiện cuối cùng. Duy Anh nhận định: “Cũng như một món ăn, một bài hát, một bức tranh, người khen kẻ chê - chỉ cần những nút phím mang lại cảm xúc cho người trải nghiệm, là Melonkeys đã bước đầu chạm đến thành công.”

Linh hồn bàn phím và sức sáng tạo vô hạn của người Việt trẻ ảnh 4

Hộp đựng artisan keycap của Melonkeys với nhiều tặng phẩm đi kèm. (Ảnh: FKHack)

Linh hồn bàn phím và sức sáng tạo vô hạn của người Việt trẻ ảnh 5

Bộ sưu tập sản phẩm Melonkeys của một khách hàng chuyên sưu tầm nút phím. (Ảnh: Melonkeys)

Nhìn từ góc độ sản phẩm, có hai yếu tố chính làm nên giá trị một nút artisan, thứ nhất là tạo hình, thứ hai là kỹ thuật sản xuất.

Về mặt tạo hình, hiện tại Melonkeys đã dành được chỗ đứng nhất định trong cộng đồng những người yêu thích artisan keycap Việt nam và quốc tế.

Thông thường, một nhóm làm artisan keycap sẽ có 1, 2 mẫu sculpt nổi bật. Sau đó sẽ ra mắt thật nhiều phối màu trên sculpt đó, có thể lên đến 300-400 màu. Tuy nhiên, điểm độc đáo của Melonkeys nằm ở chỗ sở hữu kho mẫu nặn khổng lồ với gần 100 mẫu.

Huỳnh nhận xét về người cộng sự của mình: “Lúc năng suất, Duy Anh có thể nặn đến 2,3 mẫu một ngày. Việc có một kho mẫu đồ sộ, phong phú vừa là điểm mạnh, cũng là điểm yếu của Melonkeys. Mạnh là khiến cộng đồng chú ý đến nhờ có nhiều mẫu đẹp, ý tưởng hay. Điểm yếu ở chỗ mọi người chú ý đến nhưng lại ngại bỏ tiền ra mua vì nghĩ Melonkeys rồi sẽ có thể có mẫu mới trong thời gian tới. Nhận ra điểm yếu đó nhưng mình vẫn muốn Duy Anh nặn thêm nhiều mẫu. Càng làm nhiều thì chất lượng sản phẩm của nút Melonkeys sẽ càng đẹp lên.”

Linh hồn bàn phím và sức sáng tạo vô hạn của người Việt trẻ ảnh 6
Theo đúng quy trình, mẫu nặn được Duy Anh hoàn thành sau khoảng 1-2 ngày. (Ảnh: Melonkeys)

Mặt khác, khâu kỹ thuật sản xuất lại đang đứng trước những thách thức rất lớn. Huỳnh bắt đầu tìm hiểu về cách đúc nhựa khoảng 1 năm trước đây. Các sản phẩm artisan keycap của Melonkeys dựa trên kỹ thuật mà hiện tại đa số các tên tuổi khác trên thị trường sử dụng, kỹ thuật multishot cast (đúc nhựa nhiều lớp). Các sản phẩm đúc nhựa từng lớp một, chồng nhiều lớp sẽ bền màu hơn các sản phẩm sơn tay (handpainting). Theo đó, từng lớp nhựa đều sẽ có màu, chứ không phải chỉ sơn một lớp màu cuối trên bề mặt. Đa phần các mẫu có giá cao trên thị trường đều là đúc nhựa 100%. Việc đúc nhựa đòi hỏi tính toán kỹ lưỡng, tránh việc màu các lớp nhựa có thể lem vào nhau trong quá trình cast màu. Mỗi một lớp nhựa như vậy sẽ mất khoảng 6 tiếng để cứng lại. Và thường các mẫu của Melonkeys sẽ phải làm khoảng 15-20 lớp nhựa cho tới khi ra được thành phẩm.

Linh hồn bàn phím và sức sáng tạo vô hạn của người Việt trẻ ảnh 7

Quá trình đúc nhựa (Ảnh: Melonkeys)

Linh hồn bàn phím và sức sáng tạo vô hạn của người Việt trẻ ảnh 8

Thảnh phẩm cuối cùng (Ảnh: Melonkeys)

Một tuần, Melonkeys có thể cho ra đời 150 nút, trừ đi những mẫu hỏng do lem màu, sẽ có 100-120 nút đủ điều kiện mang ra bán. Huỳnh nhớ lại: “Hồi đầu mới làm, số sản phẩm thất bại phải lên đến 70-80%. Còn hiện tại con số nút phím bị sai, hỏng đã xuống thấp hơn 5%. Đây là một sự nỗ lực và tiến bộ rõ ràng của Melonkeys.” Cậu cũng bổ sung là thời tiết mùa đông khiến cho các sản phẩm khó khô hơn và bề mặt dễ nổi bọt khí, tỷ lệ sai hỏng cũng vì thế mà cao hơn so với mùa hè. “Có lẽ đây là một trong những lý do khiến Hà Nội ít người làm artisan keycap hơn so với Hồ Chí Minh.”

Vấn đề vật liệu cũng là một khó khăn cần giải quyết. Ở Nhật chỉ bán phổ biến loại nhựa gốc epoxy (epoxy resin), loại này có nhược điểm lớn trong việc làm nút là thời gian đóng cứng rất lâu (24-48 tiếng) nên không thể áp dụng làm các nút của Melonkeys. Qua sự tư vấn của Girly studio, một nhóm làm artisan keycap khác, Huỳnh đã đặt hàng loại nhựa urethane resin từ Mỹ. Ưu điểm là dòng này chỉ cần khoảng 4-6 tiếng để đông cứng. Tuy nhiên, vật liệu phải đặt từ Mỹ về Nhật, lại còn là hoá chất dễ cháy nổ và có cả ảnh hưởng từ yếu tố dịch bệnh, Melonkeys phải chịu phí vận chuyển hàng cao và mất rất lâu mới có vật liệu để làm.

Theo đúng quy trình, mẫu nặn được Duy Anh hoàn thành sau khoảng 1-2 ngày. Sau đó mất thêm 1 ngày để xử lý bề mặt, tạo khuôn gốc mất khoảng 3 ngày. Tiếp theo đến phần đúc nhựa của Huỳnh. Tùy vào độ phức tạp của mẫu và phối màu mà thời gian cho ra đời một mẫu sẽ khác nhau. Trung bình mất khoảng 1 tuần để hoàn thành phần đúc nhựa, mài và đánh bóng. Tính ra, Melonkeys sẽ mất quãng 10 ngày để một nút phím ra đời. Với những đơn hàng lớn, có khi mất nửa năm Melonkeys mới hoàn thiện xong sản phẩm và tiến đến bước trả hàng. Dù thời gian đợi có kéo dài bao lâu, những vị khách khi nhận được nút phím Melonkeys chắc chắn sẽ mỉm cười. Đến với Melonkeys, Huỳnh khẳng định "sự chờ đợi và tin tưởng của tất cả các bạn là xứng đáng".

Linh hồn bàn phím và sức sáng tạo vô hạn của người Việt trẻ ảnh 9

Bộ nút phím Kamikaze - Hogwarts Assemble, lấy cảm hứng từ bộ truyện Harry Potter (J.K.Rowling) mà Duy Anh yêu thích từ thời niên thiếu (Ảnh: Melonkeys)

Linh hồn bàn phím và sức sáng tạo vô hạn của người Việt trẻ ảnh 10

Nút phím lấy cảm hứng từ Suika (tiếng Việt là 'dưa hấu'), một chú mèo hoang Huỳnh nhận nuôi khi mới từ Việt Nam sang Nhật. (Ảnh: Melonkeys)

Con đường vẫn còn dài và mở rộng ra phía trước

Hiện tại, Melonkeys có bốn thành viên người Việt, ngoài hai người sáng lập Huỳnh và Duy Anh ở Nhật, còn một thành viên phụ trách marketing hiện đang ở Ba Lan và một thành viên chuyên phối màu sinh sống tại Việt Nam. Cả nhóm đang chờ ngày có thể đoàn tụ ở quê nhà một khi dịch bệnh qua đi. Melonkeys cũng có dự định tuyển thêm người mới tham gia vào những khâu điêu khắc, đi màu, làm kho nút phím càng phong phú, đa dạng và đậm bản sắc Việt hơn nữa.

Nói về định hướng trong tương lai, Duy Anh háo hức chia sẻ: "Melonkeys có hoài bão xây dựng một “đế chế” artisan alliance - Liên minh những nghệ nhân artisan keycap Việt Nam. Đó sẽ là một sân chơi chung, một nơi hội ngộ anh tài đất Việt chung niềm đam mê về chế tác phím nghệ thuật. Rồi tất cả chúng mình sẽ tạo nên tiếng vang lớn, và thế giới sẽ nhận ra sức sáng tạo của người Việt to lớn, mãnh liệt đến nhường nào."

Và hơi thở của Việt Nam sẽ ẩn hiện trong những nút phím bé nhỏ, đi khắp thế gian.

Để biết thêm về các mẫu mới nhất, các quy trình thực hiện một artisan keycap, hay đọc những mẩu chuyện thú vị hậu trường, độc giả có thể truy cập vào các trang Instgram, Facebook, Twitter hay Discord của Melonkeys.

Ảnh minh hoạ.
TP HCM: Chủ động phòng ngừa bệnh sốt rét
(Ngày Nay) - Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, để bảo vệ thành quả loại trừ bệnh sốt rét, năm 2024 TP Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì các hoạt động phòng chống sốt rét.
Ngân hàng Nhà nước có thêm nhiều giải pháp để ổn định tỷ giá
Ngân hàng Nhà nước có thêm nhiều giải pháp để ổn định tỷ giá
(Ngày Nay) - Ngân hàng Nhà nước đã có một loạt động thái như phát hành tín phiếu, sử dụng thêm kênh tín phiếu trên thị trường mở (OMO), điều tiết thanh khoản, lãi suất thị trường liên ngân hàng để ổn định thị trường trước đà tăng nóng của tỷ giá.
Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy trình diễn trong đêm nhạc đỉnh cao
Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy trình diễn trong đêm nhạc đỉnh cao
(Ngày Nay) - Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy sẽ trình diễn tác phẩm âm nhạc nổi tiếng thế giới trong “Đêm nhạc Mozart, Beethoven & Brahms” diễn ra tối 27/4 tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh. Nghệ sỹ và dàn nhạc của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn dưới dự chỉ huy của nhạc trưởng Trần Nhật Minh.