Tháng 12/2022, Nguyễn Ngọc Liêm triển lãm lần thứ 6 “Lặng lẽ bình yên” ở một phòng trưng bày tại Sài Gòn, đợi qua ngày khai mạc khá lâu tôi mới đến xem. Điều vui là thấy rất nhiều bức tranh của Nguyễn Ngọc Liêm được các nhà sưu tập gắn nơ.
Cơm áo không đùa với… những người làm nghệ thuật. Với giới hội họa, vẫn lưu truyền một quy tắc: họa sĩ có thăng thiên rồi thì tranh mới có giá và có người mua. Ngẫm lại khá đúng, vì có bao nhiêu họa sĩ bán được tranh lúc còn tại thế?! Trớ trêu thay, đa số họa sĩ bán được tranh với giá cao khi họ không còn, đồng nghĩa với thành quả lao động của chính họ không được hưởng gì hết.
Tác phẩm Cỏ đưa trong gió của Nguyễn Ngọc Liêm |
Nguyễn Ngọc Liêm may mắn hơn nhiều họa sĩ khác, nói may mắn ở nghĩa số phận của mỗi người luôn có hên xui sau những cố gắng để thể hiện năng lực. Khi ấy tôi hỏi Nguyễn Ngọc Liêm đã vẽ được bao nhiêu bức? Liêm nói khoảng 500 bức và bán được khoảng 450 bức.
Với nhiều họa sĩ cần bán tranh để nhận lại sự tưởng thưởng nhằm tái tạo sức lao động, con số 450 bức tranh này của Nguyễn Ngọc Liêm là con số trong mơ.
Tác phẩm Cây tùng 2 của Nguyễn Ngọc Liêm |
Nhưng để tạo ra giá trị thương mại cho tác phẩm, Nguyễn Ngọc Liêm rất “biết mình biết người” khi anh vẽ những bức tranh khổ vừa, phù hợp với không gian đô thị chật hẹp và để giá tranh cũng dễ chịu với phần nhiều thị dân muốn có tranh treo trong nhà.
Tranh của Nguyễn Ngọc Liêm cũng gọn gàng như vẻ ngoài của chính tác giả tạo ra nó, tức không đánh đố người xem về những ý niệm gì cao siêu. Cách dùng chất liệu của Nguyễn Ngọc Liêm cũng vô cùng tối giản, xem tranh của anh có cảm giác đó là lớp sơn rất mỏng không thừa không thiếu để diễn đạt sắc màu mà họa sĩ muốn thể hiện, gợi cho người thưởng ngoạn hơn là cố tình trình bày chủ ý của tác giả.
Tác phẩm Lựu sau mưa chiều của Nguyễn Ngọc Liêm |
Nguyễn Ngọc Liêm, tự bạch rằng: “Có thể ví von: tôi nhìn bất kì đâu cũng thấy tranh. Ở thành phố có cái đẹp của thành phố, ở rừng núi có cái đẹp của rừng núi. Cái đẹp không chỉ dừng lại ở những cái hùng vĩ, cao cả. Rộng mở hơn, có những cái đẹp đôi khi xuất hiện rất đỗi tầm thường, nhạt nhòa vì vậy mọi người thường dễ dàng lướt qua, lãng quên. Tôi vẽ lại, nhắc lại, kể lại những "cái đẹp tầm thường" ấy trên tranh. Thông qua góc nhìn cá nhân, tôi chủ động gạn lọc những chi tiết không cần thiết để giúp chúng rõ ràng, mạch lạc hơn. Ví dụ: một ngọn cỏ đong đưa trong gió sau cơn mưa đêm - thật là xinh đẹp - nhưng vì những bận bịu muộn phiền thường nhật mà chúng ta lại hững hờ lướt qua, thế nên tôi nhắc lại, lưu trữ, ghi chép lại cái đẹp của ngọn cỏ ấy bằng tranh vẽ vậy!”.
Tác phẩm Cây tùng 1 của Nguyễn Ngọc Liêm |
“Cỏ đưa trong gió” được Nguyễn Ngọc Liêm mượn ý từ "một khu rừng sau cơn bão, tất cả các loại cây cối, cổ thụ vững chắc nhất đều bật gốc ngã rạp, chỉ còn sót lại những ngọn cỏ không bị bão quật vẫn đong đưa trong gió " trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử; từ tác phẩm " Gối đầu lên cỏ " của nhà văn Natsume Soseki, và họa sĩ tình cờ bắt gặp đoạn thơ: "trong cõi hoa này/ ai rồi cũng thế/ anh đào tung bay " từ tuyển thơ haiku Nhật Bản.
Triển lãm mở cửa đến ngày 17/12.