"Xóm nổi" giữa thành phố!

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Sống giữa TP.HCM - nơi đô thị nức tiếng phồn hoa - nhưng nhiều hộ dân ở hẻm số 789, tỉnh lộ 43, P.Tam Bình, TP.Thủ Đức vẫn phải chịu cảnh “nước ngập đầu gối” mỗi khi mưa xuống hoặc lúc triều cường dâng.

Sống chung với “lũ”

Sâu trong con hẻm 789 là nơi sinh sống lâu đời của khoảng hơn 10 hộ dân, có gia đình ở đây đã trên năm thập kỷ. Thế nhưng khoảng hai năm trở lại đây, cứ hễ mưa lớn là nước từ đâu cứ tràn vào xóm nhỏ, ngập vào nhà. Nước từ ngập bàn chân rồi tăng dần theo từng ngày, sâu nhất đến ngang bụng. Ngập liên tục và kéo dài ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân nơi đây, mọi sinh hoạt dường như bị đảo lộn lên hết cả.

"Xóm nổi" giữa thành phố! ảnh 1

Vườn cây tan hoang, cây cối cũng héo khô do ngập kéo dài

Những ngày này thành phố mưa nhiều, con hẻm nhỏ có phần trầm buồn, lặng lẽ hơn trước, vết hằn của trận ngập cũ vẫn in trên vách, nước rút để lại rác và sình lầy, hẻm 789 như bước ra từ một trận lụt.

Bà Nguyễn Hồng Khanh, 58 tuổi, sống lâu năm ở đây cho biết: “Trước đây khu này không có ngập nhiều, mưa to thì ngập xíu rồi hết. Hàng xóm xung quanh còn trồng hoa, trồng rau để bán nhưng giờ cứ mưa to là sẽ ngập, triều cường dâng lên cũng ngập, cống không thoát được nên tràn vô nhà dân.”

Nước ứ đọng dẫn đến sình lầy gây nguy hiểm cho người lớn và trẻ nhỏ khi đi lại, các hộ dân cùng nhau đóng góp tiền để sửa sang. Hàng chục, thậm chí cả trăm xe xà bần, sỏi đá đã được huy động để nâng tạm mặt đường, nước dâng đến đâu, đường đắp đến đấy, nền nhà cũng được nâng cao lên.

Những đồ đạc quan trọng đều được kê cao đề phòng bị ướt, hạn chế đến mức tối đa thiệt hại về tài sản. Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ là giải pháp tình thế, tạm bợ, chắp vá vì không ai biết con nước sẽ còn dâng cao đến đâu và bao giờ mới chịu dừng lại.

"Xóm nổi" giữa thành phố! ảnh 2

Khu vực sinh hoạt ngập trong biển nước

Khu nhà ngày xưa khang trang, sạch sẽ nay bỗng trở nên tiêu điều, xác xơ kèm theo mùi hôi thoang thoảng trong gió. Vườn tược, hoa lá vài năm trước còn xanh rì nay đã héo úa, chết khô, ao cá tung tăng thay bằng màu đen ngòm của nước cống. Không ai tin nổi con hẻm yên bình trước đây, nơi sinh sống lâu đời của nhiều hộ gia đình giờ lại trở thành như thế.

Hạ tầng đô thị ngày càng phát triển, những nhà cao chọc trời, những trung tâm thương mại sầm uất nối đuôi nhau mọc lên còn con hẻm nhỏ cứ thế dần chìm xuống thấp, lọt thỏm giữa những hiện đại phố thị.

“Lần nào mưa ngập là lần đó cả nhà ăn mì tôm sống. Nước lên phải mắc võng cho trẻ con đề phòng rắn rít còn người lớn trong nhà cố mà chịu. Nước ngập, không thể nấu nướng cũng không ra ngoài mua đồ ăn được nên đành có gì ăn đó. Có lần, tôi còn mắc kẹt không về được phải đợi người nhà ra dẫn vào nhà”, bà Khanh chia sẻ.

"Xóm nổi" giữa thành phố! ảnh 3

Nhiều khu vực được kê lên cao tránh nước ngập.

Nhìn một vòng quanh con hẻm nhỏ, không có nhà nào còn giữ nguyên trạng so với ban đầu, có nhà nâng nền đến mức trần đã gần chạm đầu người, có nhà nổi trên mặt nước như một ốc đảo thu nhỏ.

Đau đáu những nỗi lo

Nhiều hộ dân cho biết họ không chắc sẽ “trụ” lại cùng con hẻm này đến bao giờ khi tình trạng ngập vẫn diễn ra liên tục và có xu hướng nặng hơn, tài sản tích cóp cũng vơi dần sau mỗi lần nâng nền, sang sửa.

Những trận ngập ập đến, chính quyền hỗ trợ bơm hút, khi dòng nước đi qua cũng là lúc nhiều gia đình tất bật dọn dẹp lại nơi an cư. Trong ngày hiếm hoi nước thấp, anh Vũ Tuấn Anh (32 tuổi) cho biết phải tranh thủ về nhà sớm vệ sinh sân vườn, dọn sình, dọn rêu… cho đỡ mùi hôi.

“Phải lâu lắm rồi mới nhìn thấy được cái sân, còn bình thường toàn thấy nước...”, anh Tuấn Anh nói.

"Xóm nổi" giữa thành phố! ảnh 4

Người dân dọn dẹp sau khi nước rút.

Sống cùng với “lũ”, mọi sinh hoạt của người dân đều diễn ra ngay trên dòng nước đục, không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt mà nước đọng ao tù còn tác động xấu đến sức khoẻ người dân khi muỗi mòng, mầm bệnh theo đó mà sinh sôi, nảy nở.

“Ở khu này người ta bệnh hoài, hết sốt thì tới viêm da. Ngập lâu không rút nên ống nước sinh hoạt giờ cũng ngấm nước mưa, nước cống, lần nào ngập dài ngày là nước có mùi, nấu nướng dễ tiêu chảy mà tắm thì ngứa”, anh Tuấn Anh chia sẻ.

Gắn bó với con hẻm 789 từ khi sinh ra, anh Nguyễn Văn Thành rất buồn khi chứng kiến vùng đất này dần chìm. Mảnh vườn của gia đình anh nay cũng vùi mình trong bùn, khoảng sân trước đây là nơi thư giãn giờ trơ trọi xà bần cùng nước đọng.

"Xóm nổi" giữa thành phố! ảnh 5

Người dân liên tục sửa nhà để chống ngập.

Hẻm nhỏ 789 vẫn hàng ngày chống chọi với những cơn mưa. Ngày này qua ngày khác, tháng này đến năm nọ, ai cũng đau đáu câu hỏi rằng sẽ phải nâng nền nhà lên bao nhiêu thước, cao bao nhiêu tấc, phải lội bao lần nước nữa thì ngập mới buông tha cho nơi này.

Họ hỏi nhưng chưa bao giờ biết câu trả lời thoả đáng, hẻm 789 ngập vẫn hoàn ngập giữa “biển nước” mênh mông…!

TIN LIÊN QUAN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?