Xong lớp 1 mà chưa đọc thông, viết thạo coi như chưa được giáo dục

“Học sinh lớp 1 vào đầu năm chưa biết đọc viết đến hết năm học vẫn chưa biết đọc thông viết thạo, thì coi như là chưa được giáo dục và như thế là lãng phí”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ lưu ý thầy cô trong năm đầu tiên áp dụng chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới từ lớp 1.
Học sinh lớp 1 của Trường Tiểu học Đông La (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) trong một giờ học.
Học sinh lớp 1 của Trường Tiểu học Đông La (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) trong một giờ học.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và đoàn công tác Bộ GD&ĐT vừa có chuyến công tác tại Trường Tiểu học Đông La (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) để kiểm tra việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ, giáo viên; cơ sở vật chất; xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường và dự giờ giáo viên lớp 1 dạy chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cô Đặng Thị Thu Lan, giáo viên 20 năm kinh nghiệm dạy học và thường xuyên chủ nhiệm lớp 1 của trường này, cho biết, để dạy được học sinh chuyển từ việc “học xong biết cái gì” sang “học xong biết làm gì” theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, cô và các đồng nghiệp cũng phải thay đổi rất nhiều trong cách dạy học so với trước đây.

Ngoài việc tham gia các lớp tập huấn về chương trình giáo dục phổ thông 2018, tập huấn sử dụng SGK lớp 1, cô phải tự tìm hiểu, học hỏi các bài giảng mẫu theo chương trình mới trên hệ thống quản lý học tập của Bộ GD&ĐT, từ đó xây dựng kế hoạch dạy học và thiết kế bài giảng riêng cho học sinh của mình. 

Hết lớp 1 phải đảm bảo đọc thông, viết thạo

Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình, Nguyễn Viết Hiển cho biết, để dạy học chương trình giáo dục phổ thông mới, tỉnh đầu tư mạnh về cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Từ năm 2018 đến nay, địa phương này đã xây mới và bàn giao đưa vào sử dụng hơn 1.400 phòng học, 145 phòng học bộ môn, 276 công trình phụ trợ. 100% giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020-2021 của Thái Bình đã hoàn thành bồi dưỡng về chương trình và sử dụng sách giáo khoa mới.

Ông Đinh Bá Khải, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hưng Hà cho biết địa phương đã thành lập các tổ chuyên môn gồm giáo viên cốt cán theo từng môn học để hỗ trợ và tháo gỡ những khó khăn giúp giáo viên đại trà khi triển khai bài dạy. Các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, tổ chuyên môn cũng sinh hoạt đều đặn hàng tháng và xây dựng chuyên đề dạy học cho học sinh.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thái Thuỵ cũng chia sẻ, mỗi tuần các tổ chuyên môn dạy lớp 1 của các trường tiểu học trên địa bàn đều sinh hoạt, trao đổi chuyên đề, dự giờ liên trường để trao đổi kinh nghiệm.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đề nghị địa phương chú trọng xây dựng nền giáo dục chất lượng. “Giáo dục mà không có chất lượng, học sinh lớp 1 vào đầu năm chưa biết đọc viết đến hết năm học vẫn chưa biết đọc thông viết thạo, thì coi như là chưa được giáo dục và như thế là lãng phí”, Thứ trưởng nói.

 “Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 phải đặc biệt chú ý đổi mới phương pháp tổ chức dạy học và quản trị nhà trường để phát triển được phẩm chất, năng lực cho học sinh. Với lớp 1 năm nay là lớp đầu tiên áp dụng chương trình mới, phải chú trọng về chất lượng. Các thầy phải ưu tiên những gì tốt nhất từ đội ngũ nhà giáo đến cơ sở vật chất cho lớp học mở màn sự đổi mới này”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo Tiền Phong
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.