51 thí sinh đang được cho học tiếp vẫn có nguy cơ bị trả về
10 tháng sau vụ gian lận thi cử ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La gây chấn động cả nước, đến nay động cơ, mục đích nâng “khống” điểm thi THPT quốc gia 2018 của các đối tượng liên quan là gì vẫn chưa được công bố.
Thông tin mới nhất theo công bố của Bộ GDĐT, đến nay còn 51 thí sinh gian lận ở 3 địa phương nói trên đang theo học tại các trường đại học. Hiện mới chỉ có 82/222 thí sinh nằm trong danh sách nâng điểm bị xử lý bằng hình thức buộc thôi học vì “ngồi nhầm giảng đường”.
Những ngày qua, việc xử lý theo hướng để một số thí sinh nằm trong danh sách nâng điểm được tiếp tục học tại các trường đại học đã gây ra nhiều tranh cãi.
Ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lê Quý Đôn (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, nếu Bộ GDĐT, các trường đại học không xử lý nghiêm mà vẫn để cho thí sinh tiếp tục học ở trường đại học thì không có sức răn đe, cảnh tỉnh trong việc chống gian lận thi cử.
Phụ huynh hoặc người thân học sinh có những việc làm để con em họ được nâng điểm sẽ dựa vào kẽ hở trong quy chế thi THPT Quốc gia để thỏa mãn được hành vi gian lận. Ông giữ quan điểm cần đuổi học tất cả những thí sinh được nâng điểm thi.
Về ý kiến này, Bộ GDĐT nêu quan điểm là sẽ xử lý nghiêm khắc, xem xét buộc thôi học những thí sinh gian lận thi cử. Khi có kết luận của cơ quan điều tra, nếu người nào trong số 51 thí sinh trên có tham gia vào quá trình gian lận thi cử sẽ vẫn bị xử lý theo quy định.
Xem xét xử lý cán bộ, công chức "mua điểm" cho con
Đến nay, Bộ Công an vẫn đang tiếp tục điều tra, xác minh để xử lý các tiêu cực gian lận xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Quan điểm của Bộ GDĐT và Bộ Công an là tuyệt đối không dung túng cho sai phạm, xử lý nghiêm theo pháp luật để đảm bảo sự công bằng cho kỳ thi.
Thời gian qua có rất nhiều ý kiến cho rằng cần công khai và xử lý phụ huynh nâng điểm thi cho con. Phụ huynh là lãnh đạo, công chức thì càng cần xử lý để đảm bảo tính răn đe.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Bộ GDĐT cho rằng việc công khai hay không công khai danh tính thí sinh và phụ huynh gian lận là thẩm quyền của Bộ Công an và chỉ được công khai sau khi kết thúc quá trình điều tra.
Tuy nhiên, Bộ GDĐT đồng tình với việc cần xử lý các cá nhân liên quan đến vụ gian lận điểm một cách nghiêm minh, công bằng, chính xác, công khai, minh bạch và không chấp nhận những người có gian lận trong thi cử được tiếp tục đứng trong hàng ngũ của ngành.
Bộ GDĐT cũng đề nghị các địa phương cần xem xét xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức và phụ huynh có hành vi gian lận điểm thi cho con em mình. Cần kiên quyết đưa ra khỏi ngành giáo dục những cán bộ, giáo viên có sai phạm.
Theo thông tin mới nhất từ Bộ GDĐT, trong số 222 thí sinh bị phát hiện gian lận điểm thi, riêng tỉnh Hà Giang có 114 thí sinh.
Sau khi chấm thẩm định, có 3 thí sinh không đủ điều kiện tốt nghiệp. 72 thí sinh sau khi bị phát hiện gian lận đã không đăng ký xét tuyển đại học-cao đẳng; chỉ có 39 thí sinh tiếp tục đăng ký xét tuyển và đã nhập học, đang học tại 23 trường đại học, cao đẳng trên cả nước.
Tại tỉnh Sơn La, Hòa Bình, trong số 108 thí sinh gian lận điểm thi đã có 1 thí sinh không đủ điều kiện tốt nghiệp và bị xóa tên khỏi danh sách tốt nghiệp. 13 thí sinh không có tên trong danh sách trúng tuyển và 94 thí sinh đã nhập học đại học, cao đẳng. Trong số các thí sinh nhập học, có 82 thí sinh đã bị buộc thôi học.