"Đo lường sự mất mát trong học tập là bước đầu tiên quan trọng để giảm thiểu hậu quả đại dịch. Điều quan trọng là các quốc gia phải đầu tư đánh giá mức độ thiệt hại nhằm thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp."
- Bà Silvia Montoya, Giám đốc Viện Thống kê UNESCO
Hiện tại, chỉ có một phần ba số quốc gia đang thực hiện các bước đo lường tổn thất liên quan đến việc học tập ở cấp tiểu học và cấp hai - chủ yếu là ở các quốc gia có thu nhập cao.
Chưa đến một phần ba các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình báo cáo rằng mọi học sinh đã trở lại trường học, làm tăng nguy cơ thất học và bỏ học của các em. Tuy nhiên, phần lớn các quốc gia cho biết đã sử dụng ít nhất một hình thức tiếp cận để khuyến khích học sinh quay trở lại trường, bao gồm kêu gọi sự tham gia của cộng đồng, sửa đổi các dịch vụ cấp nước và vệ sinh, và xem xét các chính sách tiếp cận khác.
"Hướng dẫn về biện pháp khắc phục là rất quan trọng để giúp những trẻ em đã nghỉ học đi học trở lại, cũng như giảm thiểu hậu quả của việc gián đoạn học tập kéo dài. Điều này đòi hỏi một nỗ lực khẩn cấp để đo lường mức độ học tập của học sinh ngày nay và thu thập dữ liệu thực tế tại các trường học, như được nêu trong Hiệp ước Dữ liệu Học tập của UNICEF, UNESCO và Ngân hàng Thế giới."
- Ông Jaime Saavedra, Giám đốc Toàn cầu về Giáo dục, Ngân hàng Thế giới
Các bản khảo sát ghi lại cách các quốc gia giám sát và giảm thiểu tổn thất trong học tập, giải quyết thách thức của việc mở lại trường học và triển khai các chiến lược đào tạo từ xa. Tổng cộng, 142 quốc gia đã trả lời Khảo sát trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 5/202, trên phạm vi từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
"Học tập từ xa đã là một cứu cánh cho nhiều trẻ em trên khắp thế giới trong thời gian trường học đóng cửa. Nhưng đối với những người dễ bị tổn thương nhất, ngay cả điều này cũng nằm ngoài tầm với. Chúng ta đưa mọi trẻ em trở lại lớp học ngay bây giờ. Nhưng không thể chỉ dừng lại ở đó; mở cửa trở lại tốt hơn có nghĩa là thực hiện các chương trình phụ đạo để giúp học sinh học tập đúng hướng và đảm bảo rằng chúng ta có những hành động ưu tiên cho trẻ em gái và trẻ em dễ bị tổn thương."
- Ông Robert Jenkins, Giám đốc Giáo dục Toàn cầu của UNICEF
Các phát hiện chính từ Khảo sát bao gồm:
Các quốc gia đã áp dụng nhiều biện pháp để giảm thiểu tổn thất học tập có thể xảy ra do đóng cửa trường học: khoảng 40% các quốc gia đã kéo dài năm học, 40% các quốc gia ưu tiên một số lĩnh vực chương trình giảng dạy nhất định. Tuy nhiên, hơn một nửa số quốc gia báo cáo rằng không có điều chỉnh nào đã hoặc sẽ được thực hiện.
Nhiều quốc gia đã cải thiện các tiêu chuẩn về sức khỏe và an toàn tại các trung tâm khảo thí. 28% các quốc gia đã hủy bỏ các kỳ thi ở cấp trung học cơ sở và 18% quốc gia đã làm tương tự ở bậc giáo dục trung học phổ thông.
Việc xem xét hoặc sửa đổi các chính sách tiếp cận là không phổ biến, đặc biệt là đối với trẻ em gái - một nguyên nhân đáng lo ngại vì trẻ em gái vị thành niên có nguy cơ không đi học trở lại cao nhất ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp.
Các quốc gia có thu nhập thấp đang tụt hậu trong việc thực hiện ngay cả những biện pháp cơ bản nhất để đảm bảo học sinh đi học trở lại. Ví dụ, chỉ có ít hơn 10% cho biết có đủ xà phòng, nước sạch, thiết bị vệ sinh và khẩu trang, so với 96% ở các nước có thu nhập cao.
Khảo sát cũng làm sáng tỏ việc triển khai và hiệu quả của đào tạo từ xa, cùng các hỗ trợ liên quan trong hơn một năm xảy ra đại dịch.
Hầu hết các quốc gia đã thực hiện nhiều hành động để cung cấp học tập từ xa. Các chương trình phát thanh và truyền hình phổ biến hơn ở các nước thu nhập thấp, trong khi các nước thu nhập cao cung cấp các nền tảng học tập trực tuyến. Tuy nhiên, hơn một phần ba các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp báo cáo rằng chưa đến một nửa số học sinh tiểu học tiếp cận được các hình thức giáo dục này.
"Cần thiết phải đưa ra nhiều bằng chứng hơn và tốt hơn về hiệu quả học tập từ xa, đặc biệt là trong những bối cảnh khó khăn nhất, và để hỗ trợ việc phát triển các chính sách học tập trên nền tảng kỹ thuật số."
- Bà Andreas Schleicher, Giám đốc Giáo dục và Kỹ năng của OECD
Vào năm 2020, trung bình các trường học trên toàn thế giới đóng cửa hoàn toàn ở cả bốn cấp học trong 79 ngày giảng dạy, chiếm khoảng 40% tổng số ngày giảng dạy trung bình ở các nước OECD và G20. Các con số dao động từ 53 ngày ở các nước thu nhập cao đến 115 ngày ở các nước thu nhập trung bình thấp hơn.
Nhu cầu về vốn đang tăng lên, cạnh tranh với các lĩnh vực khác, trong khi nguồn thu ngân sách của các chính phủ đang giảm. Tuy nhiên, 49% quốc gia đã tăng ngân sách giáo dục vào năm 2020 so với năm 2019, trong khi 43% duy trì ngân sách không đổi. Kinh phí dự kiến sẽ tăng vào năm 2021, vì hơn 60% quốc gia có kế hoạch tăng ngân sách giáo dục so với năm 2020.
Những phát hiện này củng cố tầm quan trọng của việc mở lại trường học, học tập phụ đạo và các hệ thống học tập từ xa hiệu quả hơn, để có thể chống chọi tốt hơn với các cuộc khủng hoảng trong tương lai và tiếp cận tất cả học sinh.
Khảo sát phù hợp với Sứ mệnh: Phục hồi Giáo dục 2021 mà Ngân hàng Thế giới, UNESCO và UNICEF đang hợp tác để hỗ trợ các quốc gia lập kế hoạch, ưu tiên và đảm bảo rằng tất cả người học đều trở lại trường học; các trường thực hiện tất cả các biện pháp để mở cửa trở lại một cách an toàn; học sinh nhận được phương pháp học tập phụ đạo hiệu quả và các dịch vụ toàn diện để khắc phục những tổn thất trong học tập và cải thiện phúc lợi chung.