Người biểu tình tới đài tưởng niệm Lincoln tại Washington để phản đối cái chết của George Floyd. Ảnh: AFP |
Xóa bỏ "kim bài miễn tử" của cảnh sát
Đoạn video về cái chết của George Floyd dưới gối của một sĩ quan cảnh sát tại Minneapolis đã khiến dư luận Mỹ thay đổi cái nhìn về cảnh sát và nạn phân biệt chủng tộc trong hệ thống tư pháp.
Chính quyền thành phố Minneapolis - nơi khởi nguồn của làn sóng biểu tình, đang chuẩn bị cải cách sở cảnh sát. Trong khi đó, bang California cũng sắp sửa cấm cảnh sát sử dụng tư thế siết cổ khi khống chế nghi phạm.
Hàng chục thành phố khác đang xem xét chuyển đổi hàng triệu tiền đô la thuế từ các sở cảnh sát sang đầu tư cho hệ thống giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nhà ở và các nhu cầu khác cho các khu dân cư của người da màu.
Còn đối với New York, bang này cũng đã gia nhập “con tàu cải cách” bằng việc bãi bỏ một đạo luật có tên gọi là 50-A, vốn đã tồn tại hàng thập kỷ, qua đó cho phép cảnh sát giữ bí mật về các hồ sơ kỷ luật cá nhân của các sĩ quan. Thống đốc Andrew Cuomo dự kiến sẽ thông qua đề xuất này.
Một người đàn ông bị cảnh sát New York bắt giữ. Ảnh: AP |
50-A là một trong những đạo luật bảo mật bí mật nhất của cảnh sát ở New York, vốn được coi là “kim bài miễn tử” đối với giới cảnh sát bang này.
Suốt nhiều thế hệ, đạo luật đã bảo vệ cho nhiều sĩ quan khỏi bị buộc tội về hành vi sai trái một cách công khai. Đã có những ví dụ tiêu biểu về tác động của 50-A, cụ thể là một số cái chết của những cá nhân dưới bàn tay của cảnh sát New York.
Eric Garner, một người đàn ông da màu không vũ trang, đã chết năm 2014 vì một cơn hen suyễn sau khi bị một sĩ quan thuộc Sở Cảnh sát New York siết cổ. Sau khi vụ việc vỡ lở, công chúng mới ngỡ ngàng khi biết rằng sĩ quan này từng 4 lần bị cáo buộc lạm dụng tư hình.
Ramarley Graham, 18 tuổi, bị bắn chết trong tình trạng tay không, ngay tại nhà riêng của mình bởi một sĩ quan cảnh sát. Hồ sơ của viên cảnh sát này sau khi bị rò rỉ cho thấy số đơn khiếu nại cao bất thường.
Biểu ngữ kêu gọi bãi bỏ đạo luật 50-A. |
Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio nói rằng ông ủng hộ những thay đổi về 50-A nhưng cũng không hề sử dụng nguồn lực của mình để biến điều đó thành hiện thực.Các nhà hoạt động và cải cách đã đấu tranh để bãi bỏ 50-A trong nhiều năm. Chỉ một năm trước, những nỗ lực đó vẫn chẳng đi đến đâu. Chính quyền bang New York đã từ chối thay đổi hoặc bãi bỏ nó.
Bất chấp tác hại 50-A đã gây ra, hầu hết người dân New York đều không biết về đạo luật này. Khi biểu ngữ “Bãi bỏ 50-a” xuất hiện trong các cuộc biểu tình, nhiều người tỏ ra mơ hồ về nội dung của dòng chữ này.
Ở bang New York, việc bãi bỏ 50-A mới phải là sự khởi đầu của những thay đổi đối với việc trị an, chứ không phải là sự kết thúc. Phát biểu trước đám đông biểu tình, nghị sĩ da màu Charles Barron cho rằng việc bãi bỏ 50-a chưa bao giờ là đủ, và ông kêu gọi thay đổi triệt toàn bộ hệ thống.
“Tôi không còn đủ kiên nhẫn cho những cải cách dần dần”, ông Barron nói.
Sự đồng thuận từ lưỡng đảng
Điểm khiến cho phong trào "Black Lives Matter" năm nay khác biệt so với các cuộc biểu tình, bạo loạn ở Los Angeles Los Angeles (1992), cho tới Ferguson (2014) và Charlotte (2016) đó là tác động của nó tới giới chính trị nước Mỹ.
Từ thủ đô Washington cho tới các thành phố ở cả bờ Đông lẫn bờ Tây, các chính trị gia đã bắt đầu phải lắng nghe đám đông.
Quan chức ở các bang Cộng hòa như Texas, hay các bang “chiến trường” như Wisconsin và các nhà lập pháp ở thủ đô Washington đang ráo riết tìm cách đáp ứng những lời kêu gọi của đám đông biểu tình.
Rất lâu rồi chính giới Mỹ mới lại chứng kiến mức độ đồng thuận của lưỡng đảng mà hầu như không thể tìm thấy trong các vấn đề khác ở Washington.
Các nhà lập pháp đảng Dân chủ quỳ gối để tưởng niệmGeorge Floyd và các nạn nhân qua đời bởi cảnh sát, tại Washington. Ảnh: AFP |
Đầu tuần này, đảng Dân chủ đã công bố một dự luật cải cách hệ thống cảnh sát sâu rộng. Tới thứ Ba, các nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện và Thượng viện cho biết họ đã lên kế hoạch giới thiệu các đề xuất cải cách của riêng mình.
Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy tuyên bố công khai rằng ông sẽ sẵn sàng hỗ trợ một số điều khoản trong dự luật của đảng Dân chủ bao gồm liên kết quy trình đào tạo cảnh sát với các quỹ liên bang, giúp dễ dàng loại bỏ các sĩ quan “dính chàm”, hay một điều khoản để ngăn chặn các sĩ quan “chạy trốn” khỏi cáo buộc từ thành phố này sang thành phố khác.
"Tôi muốn có được dự luật này, đây là thời điểm thích hợp", ông McCarthy trả lời tờ Los Angeles Times.
Nghị sĩ Dân chủ Jumaane Williams (khoác khăn) dẫn đầu một đám đông diễu hành qua cầu Brooklyn, New York. Ảnh: Getty Images |
Ở Texas, nơi George Floyd lớn lên, Thống đốc Greg Abbott thậm chí còn đi xa hơn trong công cuộc cải cách. Trả lời các phóng viên bên ngoài đài tưởng niệm Floyd ở Houston, ông Abbott lồng ghép việc cải cách với vấn đề phân biệt chủng tộc.
"Tôi đã hứa với gia đình Floyd, rằng tôi sẽ nhắc tới họ trong các cuộc thảo luận sắp tới. Những cuộc thảo luận cải cách mà vốn không phải do các chính trị gia lèo lái mà là bởi các gia đình và chính các nạn nhân, những người đã chịu đựng nạn phân biệt chủng tộc, vốn đã bắt rễ quá sâu ở Texas và nước Mỹ”, ông Abbott khẳng định.
Đảng Dân chủ từ lâu đã thúc đẩy cải cách hệ thống cảnh sát và đã phản đối việc quân sự hóa tại các sở cảnh sát địa phương - đặc biệt là sau các cuộc biểu tình ở Ferguson, Missouri, do cái chết thanh niên da màu Michael Brown năm 2014.
Gió đổi chiều
Một cuộc thăm dò mới của CNN cho thấy 67% người Mỹ tin rằng hệ thống tư pháp hình sự của nước này đang thiên vị người da trắng so với người da màu. Và cũng 67% cho rằng phân biệt chủng tộc là một vấn đề lớn, so với chỉ 49% vào năm 2015, một năm sau cái chết của Michael Brown ở Ferguson.
Còn theo cuộc thăm dò của Đại học Monmouth cho thấy 57% người Mỹ tin rằng cảnh sát có nhiều khả năng sử dụng vũ lực quá mức đối với người da đen - tăng từ 34% vào năm 2016.
Theo một nhà thăm dò, sự thay đổi của công chúng Mỹ là hết sức hiếm thấy.
Một cậu bé đứng cùng cảnh sát tại Atlanta. Ảnh: Getty Images |
"Trong 35 năm làm nghề thăm dò, tôi chưa bao giờ thấy ý kiến thay đổi nhanh chóng tới như vậy. Nước Mỹ đã không còn như 30 ngày trước", chuyên gia Frank Luntz viết.
Để giải thích tại sao điều này có thể xảy ra, và tại sao những quan chức bảo thủ đang buộc phải lắng nghe đám đông, chỉ cần nhìn vào những nơi xảy ra biểu tình.
Ngoài những thành phố lớn như New York, Los Angeles ở hai bờ nước Mỹ, phong trào biểu tình cũng xuất hiện ở những thị trấn nhỏ.
Tại Whitefish, Montana – nơi phần lớn dân cư là người da trắng, đám đông ủng hộ phong trào “Black Lives Matter” đã xuống đường biểu tình để kêu gọi chấm dứt các hành vi bạo lực của cảnh sát.
Một cảnh tương tự đã diễn ra ở Vidor, Texas – nơi có 10.000 người da trắng, khi người biểu tình quỳ gối trong im lặng để vinh danh Floyd.
Hàng trăm người dân Vidor giơ các biểu ngữ ủng hộ phong trào "Black Lives Matter". Ảnh: The Enterprise |
Trong khi Trump và các trợ lý hàng đầu của ông đã phủ nhận rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tồn tại trong hệ thống tư pháp, nhiều thành viên cấp cao của đảng Cộng hòa lại không nghĩ vậy.
Thượng nghị sĩ bang Utah Mitt Romney và cựu Tổng thống George W. Bush đã lên tiếng thừa nhận về sự bất bình đẳng chủng tộc trong hệ thống cảnh sát sau cái chết của Floyd.
Karl Rove, một trợ lý hàng đầu của cựu Tổng thống Bush, bày tỏ quan điểm trên tờ Politico: "Người Mỹ da trắng có cảm thấy áp lực giống như các gia đình da màu không? Các gia đình da trắng có sợ con cái họ sẽ bị bắt giữ vì màu da của chúng không? Không. Vì vậy, họ thường bao giờ nhúng mũi vào vấn đề này".
"Nhưng tôi nghĩ họ quan tâm tới điều này nhiều hơn chính bản thân họ cách đây 10 hoặc 20 năm. Và tôi nghĩ điều đó đã buộc đảng Cộng hòa phải tiến về phía trước”, ông Rove cho biết.