Trong serie phim tài liệu "Những năm tại nhiệm của Obama" của hãng phim Arte được trình chiếu mới đây, các tác giả đã so sánh công việc của Tổng thống Obama và nhóm cố vấn tại Nhà Trắng như một đội kiểm soát không lưu: cần phải đưa ra quyết định cái máy bay nào cần sửa chữa, cái nào phải cất cánh, cái nào hạ cánh.
Và trong suốt 8 năm, đội chuyên gia này từng đối mặt với nhiều thời điểm phải đưa ra những quyết định nhằm xác định được lộ trình hợp lý cho kế hoạch bay của nước Mỹ, theo Slate.fr
Đối mặt với khủng hoảng tài chính
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc họp này15/3/2009. Ảnh:AP |
Hơn một năm sau khi nhậm chức, ngày 15/3/2009, Tổng thống Obama đã triệu tập các cố vấn kinh tế chủ chốt và Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner tới Nhà Trắng để thảo luận về kế hoạch ổn định tình hình tài chính được công bố trước đó một tháng.
Sáu tháng sau sự sụp đổ của Lehman Brothers, Mỹ vẫn phải cân nhắc về lựa chọn quốc hữu hóa một phần ngành ngân hàng. Các cố vấn của ông đưa ra rất nhiều ý kiến khác nhau và cuối cùng không xác định được các giải pháp cần thiết. Bất lực trong việc thống nhất các phương án, Tổng thống Mỹ đã bỏ dở cuộc họp để đi dùng bữa tối.
Đây được đánh giá là một trong những khó khăn lớn nhất trong nửa nhiệm kỳ đầu tiên của ông chủ Nhà Trắng.
Đạo luật Obamacare
Ngay từ khi mới nhậm chức, Tổng thống Obama đã thông báo ý định thuyết phục lưỡng viện thông qua một cuộc cải cách tham vọng bằng chương trình bảo hiểm sức khỏe cho người thu nhập thấp, hay còn gọi là Obamacare.
Đạo luật đã gây nên một cuộc tranh cãi chính trị và bị đảng Cộng hòa phản ứng dữ dội. Trợ lý các vấn đề pháp lý Nhà Trắng Phil Schiliro, rất lo lắng về tương lai của đạo luật, tường thuật lại giây phút ông được Tổng thống động viên, qua một đoạn hội thoại.
"- Phil, chúng ta đang ở đâu vậy?
- Trong phòng Bầu dục, thưa ngài
- Vậy tên tôi là gì?
- Barack Obama
- Oh, vậy thì đừng lo lắng, tôi là người rất may mắn. Tôi là một người da màu, và giờ tôi là tổng thống Mỹ. Tôi cảm thấy may mắn từng giây phút trong cuộc đời".
Sau một thời gian đấu tranh giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa, đạo luật cuối cùng đã được thông qua vào năm 2010 mà không cần dùng tới sự can thiệp của Tòa án tối cao Mỹ.
Tiêu diệt bin Laden
Ông Obama và các quan chức Mỹ theo dõi chiến dịch tiêu diệt Bin Laden tại phòng Tình huống. Ảnh:AP |
Mùa thu năm 2010, tình báo Mỹ nhận được thông tin chưa được xác nhận, cho biết kẻ chủ mưu vụ khủng bố 11/9, Osama Bin Laden đang lẩn trốn tại Abbottabad, Pakistan.
Trước nhiều ý kiến chia rẽ về khả năng triển khai một chiến dịch đột kích liều lĩnh trên đất Pakistan của các cố vấn, Tổng thống Mỹ vẫn quyết định tấn công.
"Cơ hội Bin Laden ở đó là 50-50, nhưng đó là sự mạo hiểm đáng phải thử", ông Obama sau này giải thích về việc bật đèn xanh cho chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố.
Geronim-mật danh của Bin Laden trong chiến dịch của đặc nhiệm Mỹ, cuối cùng đã bị tiêu diệt ngày 2/5/2011. Đây là một thành công chính trị to lớn của Tổng thống Obama trong hai nhiệm kỳ cầm quyền.
Hãy chăm sóc trẻ em
Ngày 17/12/2012, một tháng sau khi tái đắc cử, ông Obama phải trải qua thời kỳ đẫm máu nhất trong 8 năm lãnh đạo nước Mỹ, khi một người đàn ông có vũ trang gây vụ thảm sát tại trường tiểu học Sandy Hook, Newtonwn, bang Connecticut, khiến 20 đứa trẻ 5-6 tuổivà 6 người lớn thiệt mạng.
Hai ngày sau, tại buổi gặp gỡ gia đình các nạn nhân, ông Obama đã đọc một bài diễn văn, gây nhiều xúc động với người dân Mỹ, do cố vấn Valerie Jarrett soạn thảo.
"Chăm sóc những đứa trẻ là nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta. Đây là nhiệm vụ hàng đầu, nếu chúng ta không làm được điều đó, chúng ta sẽ chẳng làm được gì lớn lao cả", bài diễn văn nhấn mạnh.
Do dự trong hồ sơ Syria
Từ năm 2008, ông Obama đã nỗ lực khắc phục những thất bại trong chính sách đối ngoại của chính quyền cựu tổng thống Bush, khẳng định mong muốn rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan và Iraq
Mùa hè năm 2013, phương Tây cáo buộc chính quyền Syria tấn công hóa học nhằm vào các lực lượng nổi dậy và yêu cầu các biện pháp trừng phạt với Damacus.
Nhà Trắng trước đó tuyên bố đây là ranh giới đỏ mà chính quyền Syria không được vượt qua, nhưng lại tỏ ra do dự khi quyết định tiến hành các cuộc không kích cùng với Pháp, chống lại chính quyền Bashar al-Assad.
"Việc can thiệp vào Syria là một lựa chọn, nhưng không phải là điều cần thiết vào lúc này, chúng tôi không bị đe dọa", ông Obama từng đưa ra nhận định.
Các nhà phân tích đánh giá, chính sự do dự của chính quyền Mỹ thời điểm đó đã tạo cơ hội cho Tổng thống Syria, dưới sự giúp đỡ của Nga đạt được thỏa thuận giải giáp vũ khí hóa học để duy trì chế độ.
Và sự tồn tại của chính quyền Syria, dù với bất cứ điều kiện nào, cũng được đánh giá là một thất bại của Mỹ và phương Tây, bên từng nhiều lần yêu cầu ông Bashar al-Assad phải ra đi vô điều kiện.