Các nhà khảo cổ đã ca ngợi khám phá này là "thành phố cổ đại lớn nhất" từng được tìm thấy ở Ai Cập, bị chôn vùi dưới lớp cát hàng thiên niên kỷ.
Nhà Ai Cập học Zahi Hawass đã công bố việc phát hiện ra thành phố Aten, nói rằng địa điểm này đã được phát hiện gần Luxor, quê hương của Thung lũng các vị vua.
Nhóm khảo cổ cho biết: “Nhiệm vụ của Ai Cập dưới sự chỉ đạo của Tiến sĩ Zahi Hawass đã tìm thấy thành phố bị mất tích dưới nền cát. Thành phố đã 3.000 năm tuổi, có từ thời trị vì của Amenhotep III, và tiếp tục được sử dụng bởi Tutankhamun".
Bà Betsy Bryan - giáo sư nghệ thuật và khảo cổ học Ai Cập tại Đại học Johns Hopkins, cho biết phát hiện này là "khám phá khảo cổ quan trọng thứ hai kể từ lăng mộ của Tutankhamun".
Rất nhiều dụng cụ sinh hoạt đã được phát hiện tại di chỉ Aten. Ảnh: Reuters |
Các đồ trang sức như nhẫn cũng đã được khai quật, cùng với các bình gốm màu, bùa bọ hung và gạch bùn mang các con dấu của Amenhotep III.
Nhóm nghiên cứu đã bắt đầu khai quật vào tháng 9 năm 2020, giữa những ngôi đền của Ramses III và Amenhotep III gần Luxor, cách thủ đô Cairo 500 km về phía nam.
“Trong vòng vài tuần, trước sự ngạc nhiên lớn của nhóm nghiên cứu, các dấu tích gạch bùn bắt đầu xuất hiện theo mọi hướng. Những gì chúng tôi khai quật được là địa điểm của một thành phố lớn trong tình trạng bảo quản tốt, với những bức tường gần như hoàn chỉnh và những căn phòng chứa đầy những dụng cụ sinh hoạt hàng ngày", tuyên bố của nhóm khai quật cho biết
Sau 7 tháng khai quật, một số khu vực lân cận đã được phát hiện, bao gồm một tiệm bánh hoàn chỉnh với lò nướng và đồ gốm lưu trữ, cũng như các khu hành chính và dân cư.
Theo các nhà khảo cổ học, Amenhotep III kế thừa một đế chế trải dài từ sông Euphrates đến Sudan và qua đời vào khoảng năm 1354 trước Công nguyên.
Ông cai trị gần bốn thập kỷ, đứng đầu một triều đại nổi tiếng với sự xa hoa và hùng vĩ của các di tích, bao gồm cả Colossi of Memnon - hai bức tượng đá lớn gần Luxor đại diện cho ông và vợ ông.
Giáo sư Bryan cho biết thành phố Aten “sẽ cho chúng ta một cái nhìn hiếm hoi về cuộc sống của người Ai Cập cổ đại vào thời điểm mà đế chế đang ở thời kỳ giàu có nhất”.
Nhóm nghiên cứu cho biết họ rất lạc quan rằng những phát hiện quan trọng hơn nữa sẽ được tiết lộ, lưu ý rằng đã phát hiện ra các nhóm lăng mộ mà họ tiếp cận thông qua "cầu thang được khắc vào đá", một công trình tương tự như những ngôi mộ được tìm thấy ở Thung lũng các vị vua.
Sau nhiều năm bất ổn chính trị liên quan đến cuộc nổi dậy năm 2011, đã giáng một đòn mạnh vào ngành du lịch của Ai Cập, đất nước này đang tìm cách thu hút du khách trở lại, đặc biệt bằng cách quảng bá di sản cổ đại của mình.
Tuần trước, Ai Cập đã vận chuyển xác ướp của 18 vị vua và 4 nữ hoàng cổ đại qua Cairo từ Bảo tàng Ai Cập đến Bảo tàng Quốc gia Văn minh Ai Cập mới, một lễ rước được mệnh danh là “Cuộc diễu hành vàng của các Pharaoh”.
Trong số 22 thi thể có của Amenhotep III và vợ là Nữ hoàng Tiye.