Trước đó, Tòa án Tối cao Ấn Độ vào năm 2017 đã phán quyết rằng trong mọi trường hợp, trẻ dưới 18 tuổi không thể đồng ý quan hệ tình dục.
Theo chính phủ Ấn Độ, tình trạng tảo hôn ở nước này chưa được báo cáo đầy đủ, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa.
Bộ trưởng Irani cho biết số ca mang thai ở những bé gái đã kết hôn dưới 18 tuổi cao tới 12%. "Trẻ em sinh ra từ những cuộc tảo hôn dễ bị suy dinh dưỡng", bà Irani nói.
Các nhà chức trách bày tỏ lo ngại về tỷ lệ các vấn đề dinh dưỡng và sản khoa liên quan đến mang thai ở tuổi vị thành niên đang gia tăng. Tảo hôn thường dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao hơn ở các bà mẹ trẻ và em bé mới sinh.
Theo Đạo luật Cấm kết hôn trẻ em (PCMA) năm 2006, bất kỳ cô gái nào kết hôn dưới 18 tuổi, bất kỳ chàng trai nào kết hôn trước 21 tuổi, đều được coi là hành vi tảo hôn.
Chính phủ Ấn Độ vào tháng 10 chỉ ra rằng độ tuổi kết hôn tối thiểu đối với nam giới ở Ấn Độ có thể giảm xuống còn 18 tuổi thông qua sửa đổi Đạo luật PCMA.
Theo dữ liệu điều tra dân số gần đây nhất, vẫn có hơn 12,1 triệu trường hợp tảo hôn diễn ra trên khắp lãnh thổ Ấn Độ.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Nam Á có tỷ lệ tảo hôn cao nhất thế giới. Gần một nửa (45%) số phụ nữ ở độ tuổi 20-24 làm khảo sát cho biết đã kết hôn trước tuổi 18, trong đó 17% kết hôn trước khi 15 tuổi.