Khoảng 100 quan chức của mỗi nước đã tham dự cuộc đàm phán trực tuyến, diễn ra trong bối cảnh hai nước đều đang phải vật lộn với những tác động do dịch viêm đường hô hấp cấp gây ra cũng như mong muốn củng cố chuỗi cung ứng nội địa.
Theo các quan chức, vòng đàm phán đầu tiên này sẽ kéo dài khoảng 2 tuần, bao gồm nhiều lĩnh vực, trong đó có giao dịch hàng hóa, dịch vụ, thương mại số, đầu tư và cách thức hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ. Các vòng đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra khoảng 6 tuần/lần.
Nhiều quan chức trong chính quyền của Thủ tướng Anh Boris Johnson hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ, coi đây là một trong những lợi ích lớn nhất sau khi nước này "chia tay" EU. Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liz Truss khẳng định Washington là đối tác thương mại lớn nhất của London và việc tăng cường thương mại với cường quốc số 1 thế giới có thể giúp kinh tế Anh tăng tưởng trở lại sau những thách thức do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.
Về phần mình, Đại sứ Mỹ tại Anh Woody Johnson cho rằng việc đạt được thỏa thuận thương mại có thể giúp kinh tế tăng trở lại sau khi phải đương đầu với đại dịch.
Giới phân tích cho rằng nông nghiệp sẽ là vấn đề gai góc nhất trong cuộc đàm phán này, do Anh phản đối cây trồng biến đổi gien cũng như việc Mỹ dùng kháng sinh để trị bệnh cho gia cầm. Thủ tướng Johnson nhấn mạnh quan điểm của London là sẽ "đàm phán cứng rắn" trong khi Bộ trưởng Truss cho rằng Anh sẽ không loại bỏ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của nước này.
Trong khi đó, ngày 4/5, Phòng Thương mại Mỹ đã hối thúc hai nước đồng minh dỡ bỏ toàn bộ thuế quan, cho rằng điều này sẽ mở ra triển vọng lâu dài cho cả hai nước trong bối cảnh kinh tế của cả Washington và London đều đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 với các biện pháp phong tỏa nhằm khống chế virus SARS-CoV-2 lây lan.
Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ. Thống kê cho thấy kim ngạch thương mại song phương trong năm 2019 đạt khoảng 275 tỷ USD.