Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Thụy Sĩ UBS đã gửi cảnh báo cho các khách hàng của mình rằng tình hình kinh doanh của Apple tại Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng bởi tinh thần dân tộc đang tăng cao tại quốc gia tỷ dân trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung-Mỹ đang ngày càng leo thang, tờ Business Insider đưa tin.
"Đôi khi, hàng tiêu dùng nước ngoài đã bị ảnh hưởng tiêu cực ở Trung Quốc bởi tinh thần dân tộc. Đây có thể là một yếu tố liên quan đến tình hình tăng trưởng của Apple tại Trung Quốc trong quý 4/2018. Mặc dù khó định lượng, chúng tôi coi đây là rủi ro cho Apple và chuỗi cung ứng", trích thông báo của UBS.
Theo tờ South China Morning Post, thị phần của Apple tại thị trường Trung Quốc đã giảm từ 9,1% xuống 7% trong quý đầu tiên của năm 2019, trong khi đối thủ của họ - Huawei, đã tăng khoảng 3%. Tuy không thể kết luận xung đột thương mại Mỹ-Trung là nguyên nhân cho sự suy giảm này, thế nhưng sở thích tiêu dùng tại Trung Quốc chắc chắn đã có sự thay đổi.
Anh Wang Zhixin - một fan hâm mộ của các sản phẩm Apple, gần đây đã quyết định quay sang ủng hộ Huawei, động thái bắt nguồn từ tinh thần dân tộc.
"Trái tim tôi thúc giục tôi cần thể hiện sự ủng hộ đối với các thương hiệu Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh chiến tranh thương mại", Wang nói.
Ông Hu Xijin - tổng biên tập tờ Global Times của Trung Quốc, cũng đã mua một chiếc điện thoại Huawei để ủng hộ công ty đã "bị đàn áp vô lý" bởi Mỹ.
Phía Washington cũng đã thực hiện một số bước để làm suy yếu vị thế của Huawei và các công ty công nghệ Trung Quốc khác tại Mỹ. Cụ thể, Nhà Trắng đã cấm các công ty nội địa cũng như quân đội không sử dụng các sản phẩm và thiết bị công nghệ có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trong động thái gần đây nhất, chính phủ Mỹ đã cấm các công ty Mỹ cung cấp linh kiện cho khoảng 70 công ty Trung Quốc, bao gồm cả Huawei. Điều này dẫn đến việc Google ngừng hỗ trợ hệ điều hành Android trên tất cả các thiết bị của Huawei trong tương lai.
Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc tuyên bố sẽ khởi xướng một vụ kiện chống lại Google. Lệnh cấm cũng được cho là đã cắt đứt quan hệ hợp tác giữa các công ty Trung Quốc và các nhà sản xuất chip có trụ sở tại Mỹ, như Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom.
Theo báo cáo của Bloomberg, Huawei đã dự đoán một động thái tương tự như vậy và chuẩn bị một "Kế hoạch B" để thay thế nguồn cung chip và tiếp tục hoạt động bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ.