Theo RT, Azerbaijan cáo buộc quân đội Armenia đã nã đạn, dùng súng cối 127 lần trong 24 giờ qua ở khu vực biên giới. Trong khi đó, phía Armenia nói rằng, Azerbaijan đã mở đợt tấn công quy mô lớn với xe tăng, pháo tự hành và máy bay.
18 binh sĩ Armenia đã thiệt mạng và 35 người khác đã bị thương trong cuộc giao tranh ngày 2/4, Tổng thống Armenia Serzh Sargsyan cho biết. "Kể từ khi hai nước đạt thỏa thuận ngừng bắn năm 1994, đây là cuộc giao tranh có quy mô lớn nhất", ông Sargsyan nói tại cuộc họp Hội đông An ninh Quốc gia.
Tương quan lực lượng giữa Armenia (phải) và Azerbaijan.
Phía Azerbaijan xác nhận một trực thăng, một xe tăng bị phá hủy trong khi 12 binh sĩ thiệt mạng. Azerbaijan tuyên bố đánh chiếm được nhiều khu vực nằm trong vùng Nagorno-Karabakh nhưng Armenia đã bác bỏ thông tin trên.
Chính quyền Nagorno-Karabakh xác nhận hai sinh viên bị thương nặng do trường học trúng đạn rocket từ Azerbaijan. Một số báo cáo chưa xác thực nói 6 dân thường, 3 binh sĩ đã phải nhập viện do giao tranh.
Theo RT, với việc Azerbaijan và Armenia chỉ trích lẫn nhau khiến căng thẳng leo thang nên chưa thể xác định bên nào đã có hành động tấn công quân sự trước.
Báo cáo từ Nagorno-Karabakh nói rằng, nhóm đặc nhiệm Azerbaijan đã bí mật vượt qua biên giới trong đêm, đụng độ với các tay súng địa phương dẫn đến giao tranh trên diện rộng bằng máy bay và xe tăng.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov cho biết, ông Putin “quan ngại sâu sắc đối với những báo cáo về hoạt động quân sự diễn ra dọc khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh”.
Xe tăng xuất hiện trên đường phố Stepanakert, thủ phủ của khu vực ly khai Nagorno-Karabakh
Ông cho biết, lãnh đạo Nga kêu gọi các bên tham gia xung đột thực hiện một thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức và kiềm chế.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sau đó hội đàm qua điện thoại với những người đồng cấp Azerbaijaan và Armenia kêu gọi 2 bên kiềm chế, theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã có cuộc điện đàm khẩn cấp với người đồng cấp Armenia và Azerbaijan để thảo luận về cách thức hạ nhiệt căng thẳng giữa các bên.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Azerbaijan, Himat Hajiyev kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án hành động của Armenia.
Azerbaijan điều xe tăng, binh sĩ đến Nagorno-Karabakh
Xung đột xảy ra kể từ cuối những năm 1990, mặc dù Nga đã đứng ra soạn thảo thỏa thuận ngừng bắn vào năm 1994 nhưng căng thẳng Armenia-Azerbaijan vẫn chưa thực sự chấm dứt và đến nay bùng phát thành giao tranh ác liệt.
Giao tranh xảy ra vào đúng thời điểm Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Tổng thống Armenia Sarkisian đang thăm Mỹ. Chỉ vài giờ trước khi 2 bên nổ súng, ông Aliyev và ông Sarkisian cùng gặp phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, người kêu gọi lãnh đạo khu vực Nam Caucasus giải quyết tranh chấp bằng biện pháp đối thoại hòa bình.
Khu vực Nagorno-Karabakh với dân cư chủ yếu là người Armenia đã tuyên bố độc lập, tách khỏi Azerbaijan sau cuôc chiến diễn ra từ năm 1988- 1994. Xung đột đã làm chết 30.000 người và hàng ngàn người khác rơi vào cảnh vô gia cư.
Đăng Nguyễn