Hành lang sinh thái là những dải đất liền nối liền các khu vực sinh sống bị chia cắt, giúp các loài động vật di chuyển dễ dàng hơn để tìm kiếm thức ăn, nơi trú ẩn và bạn tình. Việc trồng cây tạo hành lang sinh thái cho phép gấu túi di chuyển an toàn giữa các khu rừng bạch đàn, tránh xa các mối đe dọa như giao thông và con người.
Dự án do tổ chức Bangalow Koalas khởi xướng, với sự tham gia của các chủ đất tư nhân và sự hỗ trợ của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới. Mục tiêu của dự án là trồng 500.000 cây bạch đàn vào năm 2025, góp phần bảo vệ môi trường sống đang bị thu hẹp của gấu túi và thúc đẩy sự gia tăng số lượng của loài động vật này.
Koala ở bờ biển phía Đông Australia đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Năm 2022, loài này chính thức được liệt kê vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng do mất môi trường sống, bệnh tật và tác động của biến đổi khí hậu. Vụ cháy rừng "Mùa hè đen" năm 2019-2020 càng làm trầm trọng tình hình khi thiêu rụi hơn 7,5 triệu ha rừng bạch đàn, nguồn thức ăn và nơi trú ẩn chính của gấu túi.
Trồng bạch đàn trên một khu đất phía sau Bangalow. Ảnh: Saul Goodwin |
Dự án trồng cây của Bangalow Koalas không chỉ mang lại lợi ích cho gấu túi mà còn cho cả hệ sinh thái, giúp cải thiện chất lượng không khí, giảm xói mòn đất và bảo vệ nguồn nước. Ngoài ra, dự án còn tạo cơ hội việc làm và thúc đẩy du lịch sinh thái trong khu vực.
Mô hình trồng cây tạo hành lang sinh thái của Bangalow Koalas đã truyền cảm hứng cho nhiều tổ chức khác trên khắp Austraulia. Nhờ sự nỗ lực của các cộng đồng địa phương, ngày càng nhiều hành lang sinh thái được hình thành, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học và thúc đẩy phát triển bền vững.