Nhà khoa học Rex dẫn đầu một nhóm thám hiểm lớn nhất thế giới gồm 300 nhà khoa học từ 20 quốc gia và đã trở lại Đức hồi tháng 10/2020 sau 389 ngày ở Bắc Cực. Chuyến thám hiểm tốn kém 140 triệu euro này đem lại 150 terabytes dữ liệu và hơn 1.000 mẫu băng. Đoàn thám hiểm đã mang về những bằng chứng về thảm họa của một Bắc Băng Dương đang 'hấp hối', đồng thời cảnh báo với tốc độ tan băng như hiện nay, vùng Bắc Băng Dương đang hướng tới viễn cảnh không còn băng vào mùa Hè chỉ trong vài thập kỷ tới.
Lượng băng tại Bắc Băng Dương bao quanh Bắc Cực đã tan chảy xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 10 năm ngoái, phản ánh sự phục hồi chậm chạp trong mùa Đông. Băng chỉ dày bằng một nửa và nhiệt độ cao hơn 10 độ C so với thời điểm diễn ra chuyến thám hiểm Fram của các nhà khoa học Fridtjof Nansen và Hjalmar Johansen những năm 1890.
Vì diện tích biển băng nhỏ hơn, biển có thể hấp thụ nhiều nhiệt hơn vào mùa Hè, và vì vậy sự hình thành các tảng băng vào mùa Thu sẽ chậm hơn bình thường. Theo ông Rex, sự biến mất của biển băng mùa Hè tại Bắc Cực là "một trong những quả mìn đầu tiên trong bãi mìn". Ông kêu gọi hành động nhanh chóng để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu: "Đánh giá trong những năm tới cho phép chúng ta xác định liệu có thể cứu được biển băng Bắc Cực thông qua bảo vệ khí hậu một cách mạnh mẽ, hay chúng ta đã vượt qua điểm mốc quan trọng trong hệ thống khí hậu".
Bà Stefanie Arndt, chuyên gia về đặc điểm vật lý của biển băng, cho biết: "Thật đau lòng khi biết rằng chúng ta có thể là thế hệ cuối cùng được chứng kiến một Bắc Cực vẫn có băng bao phủ vào mùa Hè". Theo bà Arndt, lượng băng này đang tan dần và đây là nơi sinh sống quan trọng đối với loài gấu Bắc Cực. Bà cũng một lần nữa kêu gọi bảo vệ loài hải cẩu và các động vật khác tại Bắc Cực.
(Ảnh: AFP) |