Những đợt tuyết rơi và trận mưa đến muộn đã giúp phần nào giải quyết tình hình khan hiếm nước cho 15 triệu dân tại thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ.
Dù vậy, các chuyên gia khí hậu và nước cảnh báo tình trạng thiếu nước vẫn chưa được giải quyết tận gốc. Chuyên gia quản lý khai thác và sử dụng nước Akgun Ilhan, thuộc Trung tâm chính sách Istanbul, cho rằng giải pháp tháo gỡ vấn đề nên bắt đầu từ thay đổi hành vi của người dân, tiết chế nhu cầu sử dụng nước hoặc hạn chế lãng phí nước.
Thổ Nhĩ Kỳ đã xây dựng hơn một nghìn con đập mới trong 18 năm qua, với 90 con đập nữa dự kiến sẽ được hoàn thành trong năm nay, theo Tổng cục Công trình Thủy lợi Nhà nước (DSI) của nước này. Bà Akgun cho rằng việc tạo thêm các đập chứa nước mới để tăng nguồn cung nước cũng có thể khiến vấn đề trở nên nan giải hơn vì sẽ tác động hệ thống sinh thái và xã hội. Gia tăng dân số, đô thị hóa, biến đổi khí hậu và quản lý nước kém được xem là các yếu tố đang làm tạo áp lực lên nguồn cung cấp nước của Thổ Nhĩ Kỳ.
Các dữ liệu của Cục thủy lợi nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ (DSI) cho thấy lượng nước dự trữ trung bình trên đầu người tại quốc gia này đã giảm mạnh trong 2 thập kỷ qua, từ khoảng 1.650 m3/người năm 2000 xuống dưới 1.350 m3/người vào năm 2020. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, một quốc gia rơi vào tình trạng có nguy cơ thiếu nước nếu mực nước trên đầu người dưới 1.700 m3 và tình trạng thiếu nước nếu chỉ số này xuống mức 1.000m3/người. Thêm vào đó, các vấn đề về nước tại Thổ Nhĩ còn có thể nghiêm trọng hơn do tác động của biến đổi khí hậu ngày càng lớn và thường xuyên hơn.
Không chỉ vậy, nguồn nước dùng chung đã trở thành một nguyên nhân ngày càng gia tăng căng thẳng chính trị giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước láng giềng hạ nguồn là Iraq và Syria. “Không có sự khác biệt giữa bảo vệ nguồn nước của chúng ta và bảo vệ quê hương của chúng ta”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu hồi tháng 3.
Trước tình hình này, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết triển khai các nỗ lực chống biến đổi khí hậu, công bố chiến lược mới gồm 14 điểm. Trong chiến lược đưa ra hồi tháng 2 vừa qua, Ankara cam kết thúc đẩy năng lực sản xuất năng lượng gió và Mặt Trời, đến năm 2023, giảm khoảng 25% nhiên liệu hóa thạch tiêu thụ cho việc cung cấp năng lượng cho các tòa nhà trên cả nước.
Sara Marjani Zadeh, một quan chức về chất lượng nước khu vực của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), cho biết nông nghiệp - chủ yếu dựa vào tưới từ các đập và nước ngầm - chiếm gần 75% lượng nước tiêu thụ hàng năm của Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố đầu tư hơn 5 tỷ lira (645 triệu USD) cho các giải pháp nhằm tăng nguồn cung nước và nâng cao hiệu quả tưới tiêu.
Một số cộng đồng dân cư cũng nỗ lực thích nghi với điều kiện mới bằng cách thay đổi thói quen canh tác. Khi các dòng sông cấp nước cho thành phố Izmir, miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng cạn kiệt, một phần vì nhu cầu nước tưới tiêu và phục vụ hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm gia tăng, chính quyền thành phố đã bắt đầu sử dụng những khoản tiền ngân sách hỗ trợ để khuyến khích nông dân chuyển đổi sang canh tác những loại cây trồng và phương thức trồng trọt cần ít nước hơn.
Qua đó, người dân được khuyên tập trung sản xuất những nông sản có giá trị kinh tế cao như cây ô liu, pho mát cừu. Về phương thức canh tác, người dân được hướng dẫn những cách thức tưới tiêu mới giúp tăng hiệu quả sử dụng nước và tiết kiệm nước.
Vào tháng 3, Izmir đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh cho các thị trưởng và các quan chức khác từ 22 thành phố do phe chính trị đối lập của Thổ Nhĩ Kỳ lãnh đạo, đại diện cho khoảng 65% dân số cả nước.
Các thị trưởng đã ký một tuyên ngôn cam kết quản lý nước tốt hơn, phù hợp với một số chiến lược mà Izmir hiện đang theo đuổi, và kêu gọi chính phủ quốc gia cũng làm theo.