Bác sĩ Ý: Khủng hoảng y tế tàn khốc là 'trải nghiệm chưa từng có trong chiến tranh'

(Ngày Nay) - Tại một bệnh viện ở thành phố Milan, cuộc chiến chống lại cái chết sẽ tạm dừng vào lúc 1 giờ chiều mỗi ngày.


Bác sĩ Ý: Khủng hoảng y tế tàn khốc là 'trải nghiệm chưa từng có trong chiến tranh' ảnh 1

Vào thời điểm đó, các bác sĩ trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) của bệnh viện Policlinico San Donato sẽ gọi điện cho người thân của 25 bệnh nhân – những người đang trong tình trạng nguy kịch, tất cả đều được dùng thuốc an thần và thở máy, để cập nhật tình hình cho họ. Thường các thân nhân có thể tới thăm bệnh nhân vào giờ ăn trưa. Nhưng quy định hạn chế đi lại đã khiến họ không thể rời khỏi nhà để tới bệnh viện.

Khi các bác sĩ gọi điện, họ cố gắng không đem tới những ảo vọng cho các gia đình, bởi họ biết rằng cứ mỗi hai bệnh nhân điều trị tại ICU sẽ có một người không qua khỏi.

Khi dịch COVID-19 lan rộng, nhu cầu về giường bệnh gia tăng đột biến, đặc biệt là do các vấn đề về hô hấp mà căn bệnh chết người này đem tới. Mỗi khi có một giường bệnh trống, hai bác sĩ gây mê sẽ tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa hồi sức và bác sĩ nội khoa để quyết định ai sẽ là người được thế vào.

Tuổi tác và bệnh nền là những yếu tố quan trọng, ngoài ra có gia đình cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc ra quyết định.

“Chúng tôi phải tính đến việc liệu các bệnh nhân lớn tuổi có gia đình có thể chăm sóc họ một khi họ rời khỏi ICU hay không, bởi họ sẽ cần sự giúp đỡ”, theo bác sĩ Marco Resta, phó trưởng khoa ICU của bệnh viện Policlinico San Donato.

“Ngay cả khi không có cơ hội, bạn vẫn phải nhìn vào mắt một bệnh nhân và nói: ‘Tất cả đều ổn’. Lời nói dối này sẽ hủy hoại bạn”, ông Resta cho biết.

Bác sĩ Ý: Khủng hoảng y tế tàn khốc là 'trải nghiệm chưa từng có trong chiến tranh' ảnh 2

Bệnh viện Policlinico San Donato.

Cuộc khủng hoảng y tế tàn khốc nhất ở Ý kể từ Thế chiến thứ II đã buộc các bác sĩ, bệnh nhân và gia đình của họ đưa ra quyết định mà theo ông Resta – một cựu bác sĩ quân y, là “trải nghiệm mình chưa từng trải qua trong chiến tranh”.

Tính đến thứ Hai tuần này, đã có 2.158 người chết và 27.980 người bị nhiễm COVID-19  ở Ý, khiến nước này trở thành tâm dịch của châu Âu.

Bác sĩ Resta nói rằng 50% những bệnh nhân mắc COVID-19 hiện điều trị trong các ICU ở Ý đang chết dần, so với tỷ lệ tử vong thông thường là 12% đến 16% trên toàn quốc.

Các bác sĩ đã cảnh báo rằng miền Bắc Italy - nơi có hệ thống y tế hiệu quả nhất thế giới, đang trở thành tiền tuyến chống dịch COVID-19 trên toàn cầu. Dịch bệnh hiện đã làm tê liệt mạng lưới bệnh viện khu vực giàu có nhất nước Ý, khiến các ICU phải chịu áp lực khổng lồ.

Trong 3 tuần, đã có 1.135 người ở vùng Bologna nguy kịch, nhưng khu vực này chỉ có 800 giường chăm sóc đặc biệt, theo ông Giacomo Grasselli, người đứng đầu bộ phận ICU tại bệnh viện Policlinico (Milan), tách biệt với San Donato.

Tình huống khó xử này không hề mới trong ngành y tế. Khi điều trị bệnh nhân khó thở, các bác sĩ ICU luôn đánh giá cơ hội phục hồi của họ trước khi đặt nội khí quản - một thủ thuật xâm lấn đưa ống vào miệng, xuống cổ họng và đường thở.

Nhưng con số bệnh nhân cao đột biến đồng nghĩa với việc các bác sĩ phải đưa ra những quyết định nhanh chóng hơn. “Chúng tôi không quen với những quyết định như vậy”, bác sĩ Resta nói.

Nắm bắt cơ hội

Các bác sĩ Ý nói rằng rất nhiều bệnh nhân COVID-19 cao tuổi đang có vấn đề về hô hấp và không phải cũng có cơ hội vượt qua cơn bạo bệnh.

Alfredo Visioli là một bệnh nhân như vậy. Khi được chẩn đoán, cụ ông 83 tuổi đến từ Cremona đang sống một cuộc sống bận rộn, năng động. Ông Visioli chăm sóc người vợ 79 tuổi của mình, Ileana Scarpanti, vốn bị đột quỵ từ 2 năm trước, theo cháu gái ông - Marta Manfredi.

Bác sĩ Ý: Khủng hoảng y tế tàn khốc là 'trải nghiệm chưa từng có trong chiến tranh' ảnh 3

Lúc đầu, Visioli chỉ bị sốt, nhưng hai tuần sau khi được chẩn đoán mắc COVID-19, ông bị xơ phổi khiến cho việc thở trở nên khó khăn.

Các bác sĩ tại Cremona, một thị trấn khoảng 73.000 người ở khu vực Bologna, đã phải quyết định có nên đặt nội khí quản để giúp ông Visioli thở hay không.

“Họ nói điều này cũng không giúp ích gì cho ông nữa”, Manfredi hồi tưởng. “Tôi chỉ biết nắm chặt tay ông khi bác sĩ tiêm một liều morphine, trước khi ông chìm vào giấc ngủ vĩnh viễn”.

Hiện tại, Manfredi đang lo lắng về tình trạng của bà mình. Bà Ileana cũng được chẩn đoán mắc COVID-19 và hiện đang được thở máy tại bệnh viện, thế nhưng chưa ai báo tin cho bà về cái chết của chồng mình.

Tái tổ chức các bệnh viện

Vào thứ Sáu, thị trưởng của Fidenza, một thành phố ngay bên ngoài khu vực Bologna, đã đóng cửa bệnh viện địa phương trong 19 giờ. Cơ sở này đã có quá đông bệnh nhân COVID-19 còn các nhân viên đã làm việc liên tục trong 21 ngày.

“Việc đóng cửa nhằm mục đích giữ cho bệnh viện hoạt động, nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc một số người đã qua đời tại nhà riêng”, thị trưởng Andrea Massari cho biết.

Kể từ tuần trước, chính phủ Ý đã quyết định phong tỏa toàn quốc. Tất cả các trường học, văn phòng và cơ quan đều bị đóng cửa và bắt buộc người dân phải ở trong nhà nếu không có lý do đặc biệt.

Bác sĩ Ý: Khủng hoảng y tế tàn khốc là 'trải nghiệm chưa từng có trong chiến tranh' ảnh 4

Chính phủ cũng yêu cầu các bệnh viện tư phải điều trị miễn phí cho bệnh nhân nhiễm COVID-19. Bệnh viện Policlinico San Donato đã cử các nhóm bác sĩ gây mê và các chuyên gia khác đến khám chữa tại những thị trấn bị ảnh hưởng xấu nhất bởi dịch. Sinh viên y khoa năm cuối được điều động vào bệnh viện để giúp đỡ. Các bác sĩ tim mạch cũng tham gia điều trị cho bệnh nhân tại các phòng ICU.

“Giờ đây, gần như tất cả các phòng mổ ở khu vực Bologna đã được chuyển đổi thành các đơn vị chăm sóc đặc biệt”, ông Grasselli, cho biết. “Các nhân viên bệnh viện phải làm thêm giờ. Một số người phải gánh thêm phần việc của những đồng nghiệp bị nhiễm bệnh. Các bệnh nhân đang được điều chuyển qua các khu vực khác nhau để giảm tải”.

Theo Grasselli, tỷ lệ y tá trên bệnh nhân trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt thường là 1/2. Bây giờ, tỷ lệ đã là 1/5. “Chúng tôi phải tổ chức lại hoàn toàn hệ thống bệnh viện của mình”.

Ưu tiên cho những người có tuổi thọ cao

Tất cả những bệnh nhân đến bệnh viện đều trong tình trạng khó thở, Grasselli nói. “Vấn đề là cho họ hô hấp nhân tạo ở mức độ nào và trong bao lâu”.

Những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ sẽ chỉ phải đeo mặt nạ thở, nếu nặng hơn các bác sĩ sẽ quyết định có nên đưa họ vào ICU và đặt nội khí quả.

Thế nhưng phương pháp đặt nội khí quản cũng để lại di chứng. “Ngay cả khi người cao tuổi sống sót, nhiều người sẽ gặp khó khăn trong việc đi lại và nhận thức”, Grasselli cho biết.

Bác sĩ Ý: Khủng hoảng y tế tàn khốc là 'trải nghiệm chưa từng có trong chiến tranh' ảnh 5

Mặc dù vậy, trong quá khứ, các bác sĩ có xu hướng thử đặt nội khí quản cho những bệnh nhân lớn tuổi, bởi số lượng máy móc vẫn đáp ứng đủ.

“Trước khi dịch bệnh bùng phát, chúng tôi thường cố gắng đặt nội khí quản cho những bệnh nhân đang ở giới hạn”, ông Mario Riccio, trưởng Khoa Gây mê tại bệnh viện Oglio Po, cho biết.

Vào ngày 7/3, Hiệp hội Gây mê, Giảm đau, Hồi sức và Chăm sóc Chuyên sâu của Ý đã công bố các hướng dẫn mới: do sự mất cân bằng rất lớn giữa nhu cầu khám chữa của người dân và các nguồn lực chăm sóc đặc biệt trong vài tuần tới, cho nên các bác sĩ sẽ uu tiên cho những người có tuổi thọ cao hơn.

“Hãy ở trong nhà”

Cựu bác sĩ quân y  Resta nói rằng tình hình ở Bologna thậm chí còn tồi hệ hơn cuộc chiến năm 1999 ở Kosovo, nơi ông có nhiệm vụ vận chuyển các bệnh nhân từ Albania đến Ý.

“Bất cứ khi nào một bệnh nhân COVID-19 được nhập viện, chúng tôi sẽ viết email cho người thân của họ để đảm bảo rằng những người thân yêu của họ sẽ được chăm sóc như ở nhà”, ông Resta đảm bảo. Các bệnh viện đang cố gắng thiết lập một hệ thống gọi điện trực tuyến, để bệnh nhân có thể gặp mặt người thân của họ.

Thông thường, bác sĩ sẽ là người cuối cùng các bệnh nhân nhìn mặt chứ không phải người của mình. Nhiều gia đình thậm chí không dám đến gần quan tài bởi lo sợ nhiễm bệnh.

Điều cuối cùng mà Mara Bertolini nghe được về cha mình là khi một người nào đó từ nhà xác gọi điện và báo rằng họ vừa nhận được thi thể của ông.

“Tôi không cảm thấy ác cảm đối với những bác sĩ đang làm việc tận tụy”, Bertolini nói. “Điều khiến tôi nhớ nhất đó là biểu cảm trên khuôn mặt của bác sĩ tại bệnh viện. Tôi không rõ đó là lo lắng hay buồn bã. Ông ấy chỉ nói với chúng tôi rằng hãy ở trong nhà”.

Theo Reuters
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.