Một vài thành viên thuộc phe nổi loạn nói rằng họ đã được những người biểu tình cứng rắn khác cảnh báo về việc họ sẽ gặp nguy hiểm nếu như tham gia đàm phán với chính phủ.
Kể từ giữa tháng 11, phe “áo vàng” đã biểu tình và bạo động khắp nơi để phản đối chính sách tăng thuế nhiên liệu. Nhưng có vẻ giờ đây, họ đang hướng cơn thịnh nộ của mình về phía chính quyền.
Ba người đã thiệt mạng kể từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra, kéo theo đó là bạo lực và phá hoại của công ở rất nhiều nơi – đặc biệt là việc các bức tượng bên trong Khải Hoàn Môn bị đập phá vào ngày thứ Bảy vừa rồi – đã dấy lên sự quan ngại sâu sắc.
Họ được gọi là phe “áo vàng” bởi những người này đã tràn xuống đường và đều mặc chiếc áo có màu sắc nổi bật trên – một đặc trưng của luật nước Pháp, yêu cầu mọi phương tiện giao thông cần phải đem theo loại áo này.
Chiếc áo vàng đặc trưng của giao thông nước Pháp. |
Phong trào này dần nở rộ trên mạng xã hội và nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người từ các bè phái chính trị khác nhau.
Tổng thống Macron đã cáo buộc các đối thủ chính trị về việc “mượn gió bẻ măng”, lợi dụng phong trào bạo động này để gây cản trở cho chương trình cải cách của ông.
Chính phủ đã phản ứng như thế nào?
Tổng thống Pháp mới đây đã triệu tập một cuộc họp an ninh khẩn cấp vào ngày thứ Hai. Các ngài Bộ trưởng nói rằng, mặc dù chưa có một phương án nào được đưa ra, song cũng không có tình trạng khẩn cấp nào được bàn luận xuyên suốt cuộc họp.
Ngài Macron đã hủy cả chuyến công tác của mình tới Serbia để tập trung cho cuộc khủng hoảng.
Bộ trưởng Văn Hóa Franck Riester nói với giới truyền thông rằng ông Philippe sẽ sớm tuyên bố “một động thái hòa giải quyết liệt trong những ngày tới”, nhưng không đi vào chi tiết.
Không ai có thể tưởng tượng nổi "đất nước của tình yêu" giờ đây lại chìm trong bạo động như thế này. |
Bên cạnh đó, ông Philippe cũng đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo phe đối lập vào ngày thứ Hai.
Lãnh đạo của cánh hữu cực đoan, bà Marine Le Pen, người cũng có mặt tại cuộc họp, đã cảnh báo rằng rất có thể ông Macron sẽ là vị tổng thống đầu tiên ra lệnh nổ súng vào chính nhân dân của mình trong vòng 50 năm qua.
Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire thì đã có cuộc gặp với các đại diện doanh nghiệp để đề xuất khắc phục những thiệt hại về kinh doanh sau một cuối tuần khắc nghiệt.
Một số nhà bán lẻ đã bị sụt giảm doanh thu từ 20–40% trong thời gian biểu tình, trong khi các nhà hàng thì thất thiệt tận 20–50% lợi nhuận, ông Bruno nhấn mạnh.
Những người biểu tình là ai?
Khởi đầu, phong trào “áo vàng” được kêu gọi diễn ra để phản đối việc gia tăng thuế nhiên liệu đối với dầu diesel – loại dầu được sử dụng rộng rãi trong các phương tiện ở Pháp và vốn dĩ đã được đánh thuế cao hơn khá nhiều loại nhiên liệu khác.
Ông Macron lí giải việc tăng thuế này là vì môi trường, nhưng phe biểu tình thì gọi ông là người thiếu hiểu biết – bởi lẽ những người dân không ở thành phố phụ thuộc rất nhiều vào chiếc xe của họ.
Không dừng lại ở đó, bạo động còn mau chóng lan tỏa và đổi hướng sang phản đối cả những bất bình khác, bao gồm sự thiệt thòi của vùng nông thôn, chi phí sinh hoạt quá cao, hay sự tức giận chung đối với những chính sách kinh tế của ông Macron.
Cho tới nay, vẫn chưa biết được ai là người đứng đầu phong trào biểu tình, và cơ chế lan tỏa của phong trào này vẫn là qua mạng xã hội, thu hút rất nhiều bè phái tham gia: từ những người vô chính phủ ở phe cực tả, cho tới những người ủng hộ chủ nghĩa dân tộc ở phe cực hữu, và cả nhóm trung gian nằm giữa.
Một cuộc biểu tình tiêu biểu của phe áo vàng. Người đàn ông bên trái cầm biển "Macron, démission" (Macron từ chức!). Và người đàn ông ở giữa còn gay gắt hơn: "Président de la France, quel avenir pour la France?" (Ngài tổng thống Pháp, tương lai nào cho nước Pháp?) |
Có gần 300,000 người đã tham gia vào cuộc biểu tình đầu tiên trên toàn quốc. Hơn 106,000 người một tuần sau đó. Và 130,000 người vào thứ Bảy tuần trước.
Cuộc biểu tình có dấu hiệu ngừng lại không?
Cho tới thứ Hai tuần này, phong trào vẫn còn đang diễn ra. Có khoảng 50 người của phe “áo vàng” đã chặn lối vào một kho nhiên liệu lớn ở cảng của Fos–sur–Mer, gần Marseille (Pháp); và nhiều trạm xăng trên khắp đất nước thì đã hết nhiên liệu.
Các học sinh của khoảng 100 trường trung học cơ sở trên toàn quốc cũng đồng thời biểu tình để phản đối cải cách thi cử và giáo dục.
Cũng vào ngày thứ Hai vừa rồi, các tài xế cứu thương tư nhân đã biểu tình để phản đối cải cách chăm sóc sức khỏe lẫn an sinh xã hội – những điều có thể làm ảnh hưởng tới dịch vụ của họ.
Một phương tiện giao thông bị các tài xế tư hủy hoại. |
Một người biểu tình nói với hãng thông tấn Reuters: “Những cải cách sẽ chỉ đánh mạnh vào tài chính của chúng tôi và dần phá hủy các công ty. Chắc chắn chúng tôi sẽ phải đuổi việc rất nhiều người.”
Hiện không rõ các nhóm học sinh và nhân viên y tế đã trực tiếp liên kết với phe “áo vàng” hay chưa.
Một thành viên của phong trào này, chàng trai mới chỉ ngoài 20, thì đang ở trong tình trạng nguy kịch và nằm viện tại Toulouse. Cậu ấy bị thương trong một cuộc đụng độ với cảnh sát.