Bảo tàng của tương lai
Bảo tàng Thế giới Cà phê được Tập đoàn Trung Nguyên Legend đầu tư xây dựng trong khuôn viên Dự án Thành phố Cà phê rộng hơn 45 ha tại đường Nguyễn Đình Chiểu, Tp Buôn Ma Thuột. Chính thức đi vào hoạt động từ ngày 23/11/2018, nơi đây nhanh chóng là điểm đến mới của tỉnh Đắk Lắk, trở thành biểu tượng của ngành cà phê Việt Nam nhờ kiến trúc độc đáo bậc nhất và bộ sưu tập với hơn 10.000 hiện vật cà phê.
Trong hai năm hoạt động, Bảo tàng đón gần 1 triệu lượt khách tham quan đến từ hơn 20 quốc gia, là điểm đến được lựa chọn của các cấp lãnh đạo Trung Ương, các Đại sứ, Lãnh sự… khi đến Tây Nguyên. Đồng thời, sau hai năm hoạt động, nơi đây đã trở thành niềm tự hào của cộng đồng người dân địa phương giới thiệu đến bạn bè khi có dịp đến tỉnh Đắk Lắk, góp phần ghi tên TP. Buôn Ma Thuột lên bản đồ cà phê thế giới.
Bảo tàng Thế giới Cà phê đã đón 1 triệu lượt khách thăm quan trước sinh nhật hai tuổi. |
Với định vị là một “bảo tàng của tương lai”, Sống – Mở - Tương tác, Bảo tàng Thế giới Cà phê đã tổ chức hàng trăm sự kiện văn hóa, nghệ thuật và được sự quan tâm đón nhận của cộng đồng địa phương cũng như du khách từ khắp mọi nơi. Cùng sự đồng hành, ủng hộ từ các cấp ban ngành nơi đây thực sự trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo kiến thức nền tảng, và tạo cảm hứng sáng tạo, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa dân tộc.
Sau khi tham gia show trải nghiệm ba nền văn minh cà phê, ông Đoàn Ngọc Thượng – Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ: “Tôi thấy show trải nghiệm 3 nền văn minh cà phê là một hướng đi, một sản phẩm du lịch mới hết sức thú vị cho ngành du lịch của Buôn Ma Thuột nói riêng và Việt Nam nói chung. Chúng tôi khẳng định sẽ đồng hành với Tập đoàn Trung Nguyên Legend, đặc biệt về các hoạt động quảng bá văn hóa để thu hút khách du lịch của Bảo tàng Thế giới Cà phê, để cà phê thật sự là một điểm nhấn về du lịch mang lại cho du khách những trải nghiệm thật sự độc đáo, khác biệt khi tới Đắk Lắk”.
Với những ghi nhận từ các cấp ban ngành, từ cộng đồng, Bảo tàng Thế giới Cà phê được Tạp chí du lịch Wanderlust (Tạp chí chuyên về du lịch trải nghiệm, khám phá văn hóa hàng đầu thế giới của Anh quốc) đánh giá là 6/17 điểm đến tốt nhất khi tới Việt Nam, và là “Bảo tàng Thế giới Cà phê- Bảo tàng sống lớn nhất, sống động và độc đáo nhất!” theo nhận định của hãng thông tấn AP (Hoa Kỳ).
Các chuyên gia bảo tàng quốc tế và Việt Nam, tất cả đều thống nhất: trong nhiều năm làm việc về mô hình bảo tàng thì Bào tàng Thế giới Cà phê thực sự là một mô hình bảo tàng chưa có trong tiền lệ trên thế giới.
Triển lãm chuyên đề: “Cà phê – Năng lượng của nền kinh tế tri thức”
Nằm trong chuỗi hoạt động mừng sinh nhật lần thứ hai, triển lãm chuyên đề “Cà phê – Năng lượng của nền kinh tế tri thức” cũng được Bảo tàng Thế giới Cà phê chính thức khai mạc vào ngày 20/11/2020. Từ những thống kê của Hiệp hội Cà phê Thế giới (ICO) năm 2019, các thị trường Bắc Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản chiếm gần 53% lượng tiêu thụ cà phê toàn cầu; trong khi đó, Top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2019 gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Ấn Độ, Vương Quốc Anh, Pháp, Ý, Barazil, Canada, theo Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF).
Những con số thống kê của hai tổ chức này đưa ra cho thấy, các quốc gia tiêu thụ cà phê nhiều nhất đều thuộc các nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Điều này dẫn tới một kết luận rằng: tỉ lệ tiêu thụ cà phê và quy mô của kinh tế quốc gia tỉ lệ thuận với nhau! Nghĩa là, ở đâu người dân sử dụng cà phê càng nhiều thì nền kinh tế của quốc gia đó càng phát triển.
Từ nguồn cảm hứng ấy, các chuyên gia tại Bảo tàng Thế giới Cà phê đã thực hiện nghiên cứu sâu hơn về những tác động, đóng góp của ngành cà phê đối với sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu, nhằm chia sẻ cùng những người yêu và đam mê cà phê các bằng chức xác thực: cà phê chính là nguồn năng lượng giúp thúc đẩy các quốc gia phát triển toàn diện, trong mọi lĩnh vực: kinh tế, khoa học, công nghệ, giáo dục, tri thức…
Nội dung của triễn lãm là những nghiên cứu chuyên sâu về sự ảnh hưởng, tác động của cà phê đối với mọi hoạt động của nền kinh tế như: đóng góp về GPD trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu, giá trị việc làm,… đối với những nền kinh tế hàng đầu trên thế giới. Không chỉ vậy, triển lãm còn đưa ra những minh chứng về những đóng góp của cà phê cho nhiều ngành khác như: công nghiệp sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ, văn hóa – nghệ thuật, và cả những người thành công nhất trên thế giới.
Với thông điệp “Nếu dầu mỏ là năng lượng của nền kinh tế công nghiệp thì cà phê là năng lượng của nền kinh tế tri thức”, triển lãm mong muốn sẽ đem đến bức tranh toàn cảnh những đóng góp của ngành cà phê đối với nền kinh tế toàn cầu, cũng như vào sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo và sự thịnh vượng của các quốc gia.