Đang nằm phòng khám bệnh nhân sốt xuất huyết ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), chị Đào Thị Cầu 39 tuổi lộ rõ sự mệt mỏi, thi thoảng lại trở mình nôn khan. Không nói được nhiều vì mệt, chị chỉ có thể giơ 4 ngón tay để ám chỉ mình đã sốt ngày thứ 4.
Ngồi cạnh vợ, người chồng không giấu nổi sự lo lắng. Hai ngày nay anh đưa vợ đến 4 bệnh viện mà không nơi nào nhận. Vợ anh sốt cao 39,7 độ, uống thuốc hạ sốt không có tác dụng, sốt đến ngày thứ hai anh đưa chị đến Bệnh viện Đại học Y khám thì được chẩn đoán sốt xuất huyết. Thấy vợ mệt lả, sốt cao, không đi lại được phải có người đỡ, anh mong muốn chị được nhập viện để theo dõi nhưng các bệnh viện đều không đồng ý cho nhập viện.
“Có bệnh viện trả lời quá tải không có giường; có nơi chỉ nhận ca nặng, tình trạng của vợ tôi chưa đến mức nhập viện. Bệnh viện nhiệt đới đề nghị chuyển vợ tôi đến Bệnh viện Đống Đa, không biết ở đó có cho vợ tôi nằm viện theo dõi không nữa”, người chồng thở dài nói.
Những bệnh nhân sốt xuất huyết muốn vào viện theo dõi nhưng không được nhập viện như chị Cầu không phải hiếm gặp tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Là bệnh viện tuyến cuối chuyên điều trị bệnh truyền nhiễm, cơ sở 1 của bệnh viện nhiệt đới hiện chỉ tập trung điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết, các bệnh nhân truyền nhiễm khác phần lớn được chuyển sang cơ sở 2. Tuy nhiên, bệnh nhân tại đây vẫn quá đông nên không phải người bệnh nào muốn cũng được nhập viện. Bệnh viện phải khám, sàng lọc, phân loại, chỉ tiếp nhận những ca nặng, có dấu hiệu cảnh báo; những trường hợp còn lại được cho điều trị ngoại trú hoặc chuyển về tuyến dưới.
Hiện mỗi ngày Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khám 400-500 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong khi một tuần trước con số này khoảng 200. Tình trạng này tạo áp lực làm việc rất lớn cho các y bác sĩ.
“Chúng tôi tổ chức khám bệnh sớm từ 7h đến tận 17h, một số bác sĩ tiếp tục trực tối. Có bác sĩ trực trắng đêm. Hai điều dưỡng phải nghỉ ốm vì làm việc quá tải”, bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nói.
Theo bác sĩ Huyền, thông thường sốt xuất huyết kéo dài trong 7-10 ngày. 4 ngày đầu bệnh nhân thường sốt rất cao 39-40 độ, người mệt mỏi, chán ăn, đau nhức, đau đầu. Chính triệu chứng sốt, mệt, không ăn được khiến bệnh nhân rất lo lắng đến khám ngay từ những ngày đầu của bệnh, muốn được nhập viện.
“Tuy nhiên, thực tế bệnh nhân sốt xuất huyết 3 ngày đầu sốt rất cao nhưng toàn trạng khá ổn, hầu hết không nguy hiểm tính mạng trừ những trường hợp lớn tuổi, phụ nữ có thai, trẻ nhỏ có bệnh lý nền… Vì thế 3 ngày đầu, bác sĩ thường cho bệnh nhân về nhà, điều trị ngoại trú”, bác sĩ Huyền nhấn mạnh.
Bác sĩ bày tỏ mong muốn người dân, đặc biệt tại Hà Nội, khi sốt trong ba ngày đầu có thể đến cơ sở y tế gần nhất để khám loại trừ xem có bị sốt xuất huyết. Trong ba ngày đầu, người bệnh có thể yên tâm ở nhà, làm đúng theo hướng dẫn của bác sĩ; từ ngày thứ 4 tái khám theo đơn. Nếu bệnh nhân nặng, có dấu hiệu cảnh báo, bác sĩ sẽ chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể thành dịch do virus Dengue gây ra, trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có văcxin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.