Đối với hơn 3.000 người bị mắc kẹt trên con tàu, đôi khi có một bầu không khí gần như lễ hội xuất hiện, khi người dân lái mô tô nước vụt qua và vẫy tay chào đón những người ở bên trên. Nhưng phần lớn đối với họ là chuỗi ngày chìm sâu vào nỗi lo lắng, khi ngày càng có nhiều ca nhiễm mới được phát hiện trên tàu.
Đã có tổng cộng 218 trường hợp dương tính với Covid-19 được xác định, bao gồm cả các hành khách và thủy thủ đoàn trên tàu, đáng chú ý còn có một kiểm dịch viên bị mắc bệnh, tạo tâm lý hoang mang thêm cho cả con tàu và người dân Nhật Bản.
Ngày tháng trôi qua với những nỗi thất vọng và các bất tiện nhỏ nhặt - những căn phòng nhỏ xíu, đôi khi không có cửa sổ, thức ăn nhàm chán, còn đối với các thủy thủ đoàn là công việc nhàm chán lặp đi lặp lại các quy tắc bảo vệ nghiêm ngặt.
Với số lượng trường hợp mắc bệnh ngày càng tăng, có không ít nghi ngờ được đặt ra về sự hiệu quả của phương pháp cách ly này. Một số chuyên gia đặt câu hỏi về việc nếu giữ hơn 3.500 hành khách và thủy thủ đoàn trong một diện tích nhỏ như vậy có thể làm lây lan virus corona.
Từ những khoảnh khắc vui vẻ...
Đối với Cheryl và Paul Molesky, họ vẫn đang trong kỳ nghỉ dài ngày vòng quanh Đông Nam Á, dù thực chất họ đang trong thời gian bị cách ly.
Cặp vợ chồng đến từ New York thường xuyên đăng tải các video lên kênh YouTube của họ, thường là trong các bộ áo choàng tắm sang trọng, trên ban công, tận hưởng khung cảnh rộng lớn của một đại dương lấp lánh ánh nắng mặt trời và đôi khi là hình ảnh núi Phú Sĩ phủ đầy tuyết lấp ló phía xa.
"Chúng tôi cố gắng có một vẻ ngoài lạc quan và chắc chắn rằng thái độ của chúng tôi đúng như vậy, chúng tôi không bị tổn thương, chúng tôi không đau đớn, chúng tôi thực sự chỉ đang tận hưởng chính mình", Paul Molesky, người chồng 78 tuổi, chia sẻ.
Hai hành khách nói chuyện với nhau qua ban công. Ảnh: AP |
Thỉnh thoảng có một người đàn ông đến bến cảng Yokohama trong trang phục Người Nhện và chơi nhạc trong một tiếng rưỡi để làm vui lòng các hành khách trên tàu.
Những ngày đầu khi lệnh cách ly có hiệu lực, có 8 người lái mô tô nước gần con tàu Diamond Princess, hét lên câu "Chào mừng!" và bắt đầu chơi nhạc. Các hành khách vỗ tay và vẫy tay từ ban công của họ.
Con tàu với 17 tầng, đã nâng cấp chất lượng đường truyền Internet giúp Cheryl Molesky dành vài giờ mỗi ngày để trả lời email và văn bản, cũng như chỉnh sửa video YouTube của họ.
"Hiện tại chúng tôi đang bị cách ly, chúng tôi nhận được rất nhiều sự quan tâm. Chúng tôi không bao giờ nhận được nhiều sự chú ý như vậy ở nhà", Cheryl - một giáo viên nghỉ hưu, cho biết.
Hành khách vẫn cập nhật tin tức về dịch bệnh trên tàu và mỗi ngày chính phủ Nhật Bản đều công bố thêm các trường hợp nhiễm bệnh.
"Nhưng thay vì chỉ ngồi đây và lo lắng, liệu mình có nhiễm bệnh hay không, chúng tôi quyết định tận dụng tối đa mỗi ngày. Hãy quên dịch bệnh đi, nếu nó xảy ra hãy để nó xảy ra", Cheryl nói.
Tới những ngày dài nhàm chán
Ở những nơi khác trên tàu, một nam hành khách Nhật Bản khoảng 30 tuổi cho biết anh dành nhiều ngày để chụp ảnh mỗi bữa ăn và đăng lên Twitter.
"Tất cả những gì tôi có thể làm là chờ đợi và lướt Twitter", người này cho biết.
Trên tàu có một nhà hàng sushi, buồng tắm và nhà hát theo phong cách Nhật Bản, nhưng các hành khách hiện chủ yếu bị giới hạn trong phòng của họ. Nhiều phòng, trải rộng trên các tầng với các tên như Aloha, Cá heo và Ngọc lục bảo, lại có kích thước nhỏ hơn nhiều phòng khách sạn.
Các hành khách được phép ra khỏi buồng cách ly để hít thở không khí. Ảnh: AP |
Các phòng với giá cả phải chăng hơn trên tàu không có giường đôi và không có nhiều không gian để ngồi, theo hình ảnh được đăng trên trang web của tàu. Những buồng rẻ nhất thậm chí còn không có cửa sổ. Nhiều phòng ban công chỉ rộng khoảng 20 m2. Rất nhiều phòng bên trong, có gương lớn thay cho cửa sổ, chỉ rộng khoảng 15 m2.
Khách thường phải thay khăn trải giường, dọn dẹp phòng tắm và tự giặt quần áo bởi các thủy thủ đoàn sẽ tránh tiếp xúc với hành khách, sau khi 10 trường hợp nhiễm bệnh trên tàu lần đầu được công bố.
Con tàu đã bổ sung thêm nhiều phim và kênh truyền hình để cố gắng xoa dịu phần nào sự nhàm chán của các hành khách. Những người không có ban công hay cửa sổ được phép đi bộ trên boong tàu trong khoảng một giờ mỗi ngày, miễn là họ cách nhau 2 m và đeo khẩu trang. Các hành khách khác thường trò chuyện và vẫy tay với nhau từ ban công của họ.
Đối với du khách người Nhật Bản trên tàu, thức ăn là một trong những lý do lớn nhất khiến anh muốn thoát khỏi đây. "Tôi nhớ món ăn Nhật Bản", người này bày tỏ cảm nghĩ.
Và những giây phút sợ hãi
Trong một video gần đây được đăng trên Twitter, một nhóm đàn ông đeo khẩu trang và mặc đồng phục đầu bếp trên tàu Diamond Princess đã kêu gọi lời giải cứu.
"Chúng tôi đang rất sợ hãi. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Ấn Độ và Liên Hợp Quốc giúp đỡ chúng tôi. Chúng tôi nên được giải cứu ngay lập tức và đoàn tụ với gia đình trước khi quá muộn", một nhân viên trên tàu được xác định là Binay Kumar Sarkar nói sau khi anh tháo khẩu trang.
Binay Kumar Sarkar và các đầu bếp trên tàu kêu gọi sự giúp đỡ. Ảnh: Twitter |
Một số thủy thủ đoàn là nhân viên nhà hàng, quán bar hoặc nhân viên dọn phòng đã được xác định dương tính với Covid-19, những người này đã tiếp xúc với hành khách trên tàu cho đến ngày 5/2 khi kết quả kiểm tra đầu tiên được công bố và các nhà hàng và quán bar phải đóng cửa.
"Cho đến khi lệnh cách ly và kiểm dịch được đưa ra, mọi thứ vẫn hoạt động như bình thường và mọi người đều tự do di chuyển trên tàu, do đó, có nhiều khả năng virus corona đã lây lan trong thời gian này. Các thủy thủ đoàn phải ở chung phòng vì số lượng cabin của họ bị hạn chế", ông Kazuho Taguchi, một quan chức Bộ Y tế Nhật Bản cho biết.
Đối với một số người, nỗi sợ hãi có thể tồi tệ hơn virus corona. Một nhân viên trên tàu cho biết anh đã bị cách ly trong cabin rộng chưa tới 6 m2 của mình trong hai ngày sau khi có biểu hiện bị đau họng.
"Mọi người trên tàu đều sợ hãi. Nhiều người đang bị ốm, và bây giờ thủy thủ đoàn cũng bị bệnh", người này chia sẻ trong điều kiện giấu tên bởi công ty quản lý yêu cầu các nhân viên không được đăng tải thông tin trên tàu lên các mạng xã hội.
Các nhà chức trách Nhật Bản cho biết cách ly người trên tàu là cách để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, tuy nhiên các chuyên gia khác cho rằng biện pháp này có thể tạo ra sự lây lan mạnh mẽ hơn.
"Càng ngày càng có nhiều người bị nhiễm bệnh bởi những người vẫn còn trong thời kỳ ủ bệnh hoặc không có triệu chứng trong khi họ bị mắc kẹt trên tàu, điều này không tốt cho việc phòng bệnh", bác sĩ Reiji Goto tại khoa truyền nhiễm tại Bệnh viện Đa khoa Daiyukai tại Ichinomiya, phát biểu trên kênh truyền hình TBS vào thứ Ba.
"Một bệnh viện là nơi tốt nhất để giữ cho mọi người cách ly, chứ không phải một con tàu", theo giáo sư về các bệnh truyền nhiễm Tara Smith, thuộc Đại học Y tế Công cộng Đại học Kent (Mỹ). "Môi trường trên tàu Diamond Princess đã bị ô nhiễm, khiến hành khách và phi hành đoàn có nguy cơ bị lây truyền hơn. Tôi nghĩ rằng điều này đã được thực hiện mà không suy nghĩ tới hậu quả của nguy cơ tiếp tục lây lan trên thuyền và sức khỏe tinh thần của các hành khách", Smith nói.